Chỉ số năng lực cạnh tranh TP.HCM tuột khỏi top 10

Minh Quân| 05/05/2020 02:58

Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, TPHCM đã tuột khỏi Top 10, xuống vị trí thứ 14.

Chỉ số năng lực cạnh tranh TP.HCM tuột khỏi top 10

Với 73,4 điểm trong PCI 2019, Quảng Ninh lần thứ 3 giữ ngôi quán quân bảng xếp hạng PCI, còn á quân Đồng Tháp đạt 72,1 điểm, trong khi TP.HCM  đạt 67,16 điểm, tuột khỏi top 10. Trong khi Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 10 CPI trong 14 năm qua, kể từ khi chỉ số này ra đời.

Theo báo cáo, các doanh nghiệp (DN) dân doanh đã có những đánh giá tích cực hơn về mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh. Tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “các DN có phần vốn nhà nước thường dễ dàng hơn trong việc có được hợp đồng từ cơ quan nhà nước” chỉ còn là 21% (năm 2019), so với con số 27% của năm 2015.Năm 2019 có 54,1% DN cho biết thái độ của chính quyền địa phương đối với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, mức cao nhất kể từ năm 2006(48,3%), sau mức đáy 35,1% của năm 2015.

Mức độ ưu ái của chính quyền địa phương với các DN lớn và thân hữu đã có dấu hiệu giảm so với các năm trước. Cụ thể, tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “Hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh” chỉ còn là 63,4%, giảm mạnh từ con số 76,9% của năm 2015. Tỷ lệ DN dân doanh cho biết “ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân DN” là 51,1%, đã giảm so với mức 56,5% năm 2015.  

Báo cáo PCI 2019 cũng ghi nhận các DN gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin so với năm trước. Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các DN Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, PCI 2019 cũng chỉ ra một số lĩnh vực có mức độ cải cách chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Trên 50% số DN  phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đồng thời đưa ra một số khuyến nghị với chính quyền địa phương để tiếp tục thay đổi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng DN. 

Bên cạnh đó, ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% DN có công trình xây dựng trong 2 năm qua cho biết gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng, gần tương đương với tỷ lệ 63% DN  gặp khó khăn về khách hàng – khó khăn lớn nhất trên thương trường.

Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh cũng như chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trên cả nước, với sự tham gia của gần 12.500 DN trong và ngoài nước. Theo đó, một địa phương có chất lượng điều hành tốt phải bảo đảm các tiêu chí: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN; dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt, thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự,... Với thứ hạng được công bố, các địa phương sẽ có những xem xét, điều chỉnh cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ số năng lực cạnh tranh TP.HCM tuột khỏi top 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO