"Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền..."

Phan Nhung| 03/07/2021 00:31

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 2/7. Thủ tướng nhấn mạnh:"Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền để phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm của các cấp - ngành, huy động sức mạnh đại đoàn kết, truyền cảm hứng để nhân dân cùng vào cuộc thực hiện mục tiêu kép.

"Phải kết hợp hài hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế"

Sau khi đề nghị các đại biểu phát biểu theo tinh thần “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp (DN) được thụ hưởng thật) về tình hình và kết quả 6 tháng qua - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để lãnh đạo, điều hành một cách linh hoạt, đúng hướng; kết hợp hài hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế để đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương nhận thức rõ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để cùng chia sẻ, học hỏi và đề xuất các kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế hiện tại. 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương

Các địa phương đều ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật và khen thưởng nghiêm minh để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, linh hoạt của cấp dưới, huy động mọi nguồn lực phát triển.

Đại diện lãnh đạo của các địa phương cũng chia sẻ lại nhiều kết quả tích cực từ khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nhiều địa phương đã có kết quả tốt trong đợt chống dịch vừa qua như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... 

Các địa phương đã và đang thực hiện rất tốt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định phát triển kinh tế và đạt được nhiều chỉ số kinh tế hết sức tích cực. 

Nhìn thẳng vào sự thật, khiêm tốn, cầu thị để tự soi, tự sửa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ - tình hình 6 tháng cho thấy chúng ta đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về an sinh xã hội, quan trọng nhất là không có ai ở bất cứ nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Những kết quả, thành tựu tích cực đó đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, nhất là vốn ODA. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, một số tỉnh Đông Nam Bộ và miền Trung. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. An ninh trật tự tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Thủ tướng yêu cầu mỗi cấp - ngành, lãnh đạo các địa phương phải nhìn thẳng vào sự thật, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, học hỏi, suy nghĩ để rút kinh nghiệm, tự soi, tự sửa, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình luôn diễn biến rất nhanh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và trách nhiệm được cấp trên giao phó. 

Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đối với các địa phương

Phát biểu về nguyên nhân của những kết quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ - trước hết, các cấp, các ngành đã nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của các tất cả các địa phương, của cả hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, thách thức; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, truyền cảm hứng cho nhân dân cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thứ hai là một số địa phương và bộ phận người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lúc chưa có dịch bệnh và mất bản lĩnh, lúng túng, hoảng hốt khi có dịch - dẫn đến các biện pháp đưa ra không phù hợp, thiếu hiệu quả, thậm chí cực đoan. Một số người đứng đầu tại địa phương chưa bao quát công việc, quyết tâm chưa cao, nỗ lực chưa lớn, hành động chưa quyết liệt, hiệu quả...

Thứ ba là phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục, trách nhiệm không rõ ràng, gây ách tắc công việc, làm giảm hiệu quả điều hành, quản lý. Thứ tư là việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách còn lúng túng, chưa quyết liệt. Thứ năm là chưa huy động các nguồn lực trong nhân dân, trong xã hội, trong doanh nghiệp một cách có hiệu quả.  

4 bài học kinh nghiệm với các địa phương mà Thủ tướng nhấn mạnh:

Trước hết, phải biết kế thừa những thành quả, kết quả, kinh nghiệm của những người đi trước, các nhiệm kỳ trước, các năm trước, trên tinh thần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Theo Thủ tướng, 6 tháng đầu năm 2020, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch nên tăng trưởng GDP không cao như năm nay và 6 tháng đầu năm nay, nhờ kế thừa các bài học từ năm ngoái, chúng ta đã nỗ lực, điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn.

Bài học thứ ba, điều rất quan trọng là sự nêu gương của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát tình hình thực tế, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, truyền cảm hứng, tạo động lực cho cấp dưới.

Bài học thứ tư là kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, xử lý, kỷ luật kịp thời, đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO