Cần thoát khỏi sự bất lợi trong làm ăn với Trung Quốc

PHẠM THÀNH SƠN/DNSGCT| 08/06/2014 09:29

Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng ảnh hưởng đến quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.

Cần thoát khỏi sự bất lợi trong làm ăn với Trung Quốc

Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng ảnh hưởng đến quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.

Đọc E-paper

Hơn 70% nguyên phụ liệu ngành may mặc của Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc

Chúng ta đã bày tỏ quan điểm cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền qua tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi nơi này nhưng Trung Quốc vẫn tỏ ra ngoan cố không đáp ứng.

Trước tình hình ấy, chính phủ đã nghĩ đến một hành động pháp lý quốc tế, điều này có thể làm cho việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên xấu đi, theo đánh giá của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế.

Và liệu nền kinh tế chúng ta lâu nay vốn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc sẽ phải đối phó với những vấn đề gì?

Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nghiêng hẳn về phía nước láng giềng phương Bắc, khi chúng ta xuất khẩu khoảng 13 tỉ USD và nhập khẩu 37 tỉ USD, nhập siêu như vậy là quá cao, 24 tỉ USD mà chủ yếu là nguyên vật liệu và hàng phụ trợ - phụ tùng công nghiệp cùng với hàng tiêu dùng.

Điều này giải thích tại sao từ nhiều năm nay, kinh tế Việt Nam đã hầu như hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc mặc dù chỉ khoảng 18% lưu lượng thương mại của chúng ta là giao thương với họ.

Giả sử nay do tình hình căng thẳng giữa hai nước nên Trung Quốc rút hết đầu tư, giảm xuất khẩu nguyên vật liệu... thì tác động gây suy giảm tổng lượng sản phẩm của Việt Nam cũng chỉ khoảng từ 15 đến 20 tỉ USD mà thôi. Con số này thấp hơn cả những thiệt hại do Vinashin và Vinalines gây ra. Tất nhiên đây là nói đến tình huống tệ hại nhất là nền kinh tế chúng ta phải gồng mình chịu đựng vài ba năm để tìm hướng đi khác.

Trước hết, hãy nhìn bức tranh đầu tư có đủ gam màu sáng tối. Tính đến cuối năm qua, dẫn đầu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vẫn là Nhật với 33,4 tỉ USD, kế đó là Singapore (28,8 tỉ), Đài Loan (27,49 tỉ), Hàn Quốc (24,3 tỉ), không có Trung Quốc trong Top 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào nước ta tăng đột biến lên đến mức hơn 2,3 tỉ USD trong năm 2013 so với năm trước đó chỉ mới 345 triệu USD.

Nhìn vào dòng chảy đầu tư của Trung Quốc rõ ràng có không ít băn khoăn. Đặc biệt là dệt may, nơi mà sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn kém, chủ yếu là làm gia công, kế đó là bất động sản mà việc quản lý xem ra tùy tiện và đang thời suy thoái. Chưa hết, khai khoáng là nơi nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra có lợi thế do các mối quan hệ với địa phương và các nhóm lợi ích.

Lĩnh vực xây dựng là không gian thông thoáng cho các cuộc đấu thầu mang tiếng là nhiều khuất tất, qua đó các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hơn 90% các công trình trọng điểm quốc gia trên các lĩnh vực xây dựng, năng lượng. Những công trình này thường gặp ba nhược điểm là đội vốn, kéo dài thời gian và công nghệ lạc hậu.

Thông tin từ Công ty Dịch vụ Bất động sản CBRE cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc nay đang tiếp cận các dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí tại các tỉnh miền Trung. Thời gian gần đây xuất hiện nhiều thị tứ người Hoa ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Dương, Dak Nông... đặt ra những thách thức về vấn đề quản lý xã hội mà dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.

Về quan hệ thương mại tất nhiên tình hình căng thẳng trên Biển Đông xấu đi sẽ ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn giữa nước ta với Trung Quốc, nhưng không phải tất cả đều bất lợi.

Trước hết, chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này Trung Quốc có lợi nhiều hơn Việt Nam.

Thứ hai, cùng là mặt hàng nông sản, chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc 30 triệu USD thì nhập khẩu từ quốc gia này 300 triệu USD mặt hàng nông sản cùng loại. Trong chừng mực chúng ta trở thành nơi cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến của Trung Quốc.

Thứ ba, dệt may của chúng ta tuy là ngành giải quyết nhiều lao động nhưng thực chất là may gia công, là nơi tiêu thụ nguyên liệu cho Trung Quốc, như thế là ngày càng phụ thuộc đến mức nếu không có nguyên liệu Trung Quốc, nhiều người lo ngại ngành may mặc Việt Nam sẽ tiêu điều.

Thứ tư, hàng hóa Việt Nam nếu theo con đường tiểu ngạch thì do thương nhân Trung Quốc thu mua tận gốc với giá rẻ. Xuất khẩu chính ngạch thì hàng Việt Nam mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới mà chưa thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc.

Về nhập siêu, không phải là điều “nguy hại” đối với kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta có công nghệ tốt hơn hiện nay.

Hiện nay, tuy chỉ 20% kim ngạch nhập khẩu là hàng tiêu dùng nhưng điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đàm phán FTA với EU và đàm phán TPP. Đó là cơ hội cho chúng ta tìm kiếm các nhà cung cấp khác hay mời nhà đầu tư mới vào để làm công nghiệp phụ trợ.

Yêu cầu của TPP, như xuất xứ nội khối của nguyên phụ liệu may, là sức ép để ta đưa nền kinh tế vào chu kỳ phát triển hợp lý hơn. Lâu nay phần lớn nguyên liệu làm hàng xuất khẩu của chúng ta đều nhập từ Trung Quốc do giá rẻ, nhưng Trung Quốc không nằm trong danh sách đàm phán TPP sẽ khiến chúng ta gặp khó khăn khi tham gia vào hiệp định này.

Đứng ở góc độ kinh tế, việc doanh nghiệp nhập nguyên liệu về sản xuất rồi bán ra thì hết sức bình thường. Tuy nhiên những điều tưởng chừng rất bình thường đó lại ẩn chứa những điều rất không bình thường.

Như ở ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam là may mặc, mỗi năm xuất khẩu 18-20 tỉ USD nhưng hơn 70% nguyên phụ liệu của may mặc phải nhập từ Trung Quốc và số lợi nhuận này do Trung Quốc hưởng trọn.

Những nguyên liệu này không đòi hỏi công nghệ cao gì cả nhưng tại sao chúng ta không làm được mà lại bỏ ngỏ cho Trung Quốc.

Điều này một phần do chính sách về nguyên phụ liệu mà đến nay Nhà nước chưa có chủ trương rõ rệt.

Nhập siêu 70% từ Trung Quốc có nghĩa là cái lợi thuộc về phía Trung Quốc, sau đó lại còn thua ngay trên sân nhà trước những áp lực đang đè trên vai các doanh nghiệp trong nước vì thiếu các sự hỗ trợ về chính sách ưu đãi, vốn vay, lãi suất cao, hạ tầng kém, không phát triển được nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may.

Trong 110 nhóm hàng nước ta nhập từ Trung Quốc với giá trị lên đến 36,96 tỉ USD năm 2013 có rất nhiều sản phẩm là linh kiện đầu vào cho sản xuất của nước ta, trang thiết bị cho dự án đầu tư đang triển khai. Nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Việt Nam thì khối lượng đó chỉ bằng 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc nhưng tương đương với 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam và gây ra tác động dây chuyền không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta.

Những ai quan tâm đến hoạt động du lịch cũng lo ngại nếu căng thẳng trong quan hệ làm ăn diễn ra trên diện rộng, số du khách Trung Quốc chiếm 25% (khoảng 1 triệu người) có thể giảm sẽ tạo khó khăn cho ngành này.

Thế nhưng trong buổi họp báo hôm 19/5 về tình hình khách quốc tế trong năm 2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng trong cái rủi có cái may, bởi tuy Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhưng vẫn có những hạn chế như du khách đi bằng đường bộ chiếm tỷ lệ cao và chi tiêu ít, do các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh giảm giá khiến chất lượng sản phẩm giảm, khiến hình ảnh Việt Nam bị làm sai lệch.

Ngoài ra thị trường này tiềm ẩn nhiều bất trắc do sự điều chỉnh chính sách của chính quyền Trung Quốc. Ông cho rằng đây là lúc chúng ta cần chuyển mạnh hoạt động sang các thị trường truyền thống khác có khả năng lưu trú dài ngày và chi tiêu cao.

Đã có nhiều đề nghị của giới chuyên gia cho rằng để thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc về đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, chúng ta cần rà soát nhiều chủ trương và chính sách đã không còn phù hợp trong một tương quan mới, đồng thời nghiên cứu các biện pháp phát huy nội lực, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác ở các thị trường khác nhau.

Chắc hẳn trước tình hình này, chính phủ cũng sẽ phải tăng tốc đàm phán các hiệp ước thương mại quốc tế. Những động thái tích cực nhằm cải thiện hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế cũng cần đẩy mạnh hơn nữa để chúng ta có thêm bè bạn, đối tác vì có nhiều nước hiện rất lo ngại thái độ hung hăng của Trung Quốc.

Trong thế giới hội nhập hiện nay, bất cứ biến động kinh tế, chính trị nào dù trong khu vực cũng tạo ra những biến động cho nhiều nước. Thế nhưng trong bối cảnh ấy, trong quan hệ làm ăn thì mục tiêu đặt ra là các bên cùng có lợi và đối xử bình đẳng. Điều này trong thời gian dài chúng ta không đạt được khi làm ăn với Trung Quốc.

Tình hình hiện nay có thể chúng ta sẽ phải chịu ít nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Nhưng ở một góc nhìn khác, đây là cơ hội để nền kinh tế chúng ta thoát khỏi sự bất lợi trong làm ăn với người láng giềng phương Bắc.

„>Đi tìm giải pháp làm chủ kinh tế
>Biến thách thức thành cơ hội lịch sử
>
Tránh lệ thuộc Trung Quốc bằng nội lực và liên minh
>Để không thành “phân xưởng của công xưởng thế giới”
>
Từ chuyện Biển Đông, bàn chuyện "trứng" và "giỏ" trong kinh doanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần thoát khỏi sự bất lợi trong làm ăn với Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO