Cần môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng

Nguyễn Hoàng| 12/11/2020 07:13

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 do Viện Chiến lược Phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) soạn thảo, xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đây là quan điểm phát triển xuyên suốt của giai đoạn 10 năm tới.

Kinh tế thị trường vẫn còn thiếu công bằng

Việt Nam đã cải cách, chuyển đổi sang kinh tế thị trường nhưng cho đến nay, trên cả ba khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế đều "cảm thấy" chưa được đối xử công bằng. TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận xét, khu vực doanh nghiệp nhà nước không được công bằng ở quyền kinh doanh. Quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế, họ không được trả tiền lương, tiền thưởng tương xứng với công việc đề ra.

Trong khi khu vực các doanh nghiệp tư nhân tự do hơn, nhưng lại không được tiếp cận nguồn lực một cách công bằng, đặc biệt là tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, khoa học công nghệ. Doanh nghiệp tư nhân cũng thiệt thòi hơn trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và tiếp cận nguồn lực. Nhiều cơ hội kinh doanh chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước. Ngay cả doanh nghiệp tư nhân quản trị tốt, có dự án tốt đang kinh doanh hiệu quả, vẫn không thể tiếp cận nguồn lực đủ mức để phát triển.

kinh-te-1304-1605149803.jpg

"Thoải mái nhất ở Việt Nam là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", ông Cung nói. Khu vực này vượt trội nhờ sử dụng thể chế của nước ngoài, họ có quyền lựa chọn điểm thuận lợi để tiếp cận vốn và được tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực tại Việt Nam. Chẳng hạn về đất đai, các địa phương thường xây dựng các khu công nghiệp và mời doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.

"Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước chưa được đối xử công bằng là do thể chế. Chúng ta chưa thực sực cải cách đầy đủ theo kinh tế thị trường, vẫn đang cạnh tranh theo quy định của pháp luật", ông Cung nói. Cạnh tranh theo pháp luật là dựa trên ý chí của một nhóm người, còn bản chất của kinh tế thị trường là cạnh tranh công bằng và bình đẳng, nhưng "nhiều khái niệm đang bị lẫn lộn".

Cần môi trường kinh doanh bình đẳng

Bản dự thảo khẳng định sự cần thiết tiếp tục thực hiện ba đột phá phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030: thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng. Ông Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, cần tách riêng khoa học công nghệ và chuyển đổi số - những nội dung trong đột phá về nhân lực để ưu tiên nguồn lực, trong bối cảnh đóng góp của vốn và lao động được dự báo giảm dần sau Covid -19.

Theo ông Lực, cải cách thể chế là vấn đề "vô cùng quan trọng" để kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn, nhưng vấn đề "bình đẳng" cần được cụ thể hóa, chẳng hạn bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Ngoài ra, Việt Nam cần sớm có Luật Kinh doanh nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân. 

Ông Lực cũng cho rằng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ tháng 1/2018, nhưng sau ba năm hiệu quả chưa rõ nét. Có thể thấy trong lĩnh vực thuế, luật cho phép giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa từ mức bình quân 20% xuống 17% hoặc 15% nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quyết định chính thức.

Như vậy, dù Việt Nam đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng những méo mó, bất cập do phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế vẫn diễn ra. Điều này không chỉ làm cho kinh tế tư nhân không thể phát triển, mà còn kìm hãm sự phát triển đúng đắn và vai trò tích cực của khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI, của sự liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp, khiến cho nền tảng tăng trưởng với hiệu quả không cao và thiếu bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO