Cần doanh nghiệp cộng sức

KHÁNH VÂN| 04/05/2010 08:21

Tiêu thụ khó khăn, lỗi một phần từ chính các cơ sở làng nghề chưa chăm chút đúng mức cho sản phẩm hoặc không giữ uy tín trong kinh doanh.

Cần doanh nghiệp cộng sức

Tiêu thụ khó khăn, lỗi một phần từ chính các cơ sở làng nghề chưa chăm chút đúng mức cho sản phẩm hoặc không giữ uy tín trong kinh doanh.

Với hàng thủ công mỹ nghệ, từ bao năm qua, sản phẩm làng nghề sống nhờ khách du lịch. Theo chủ một số cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở TP.HCM, họ thường bị giao hàng trễ, lại không đúng mẫu, kích cỡ, màu sắc sản phẩm thay đổi tùy tiện, khiến họ thất hứa với khách hàng.

Hàng thủ công mỹ nghệ sống nhờ khách du lịch nên cần phải giữ chữ tín

Một trong các nguyên nhân là bởi các cửa hàng ngày càng chọn hàng kỹ lưỡng, nên cơ sở sản xuất đã dồn hàng cho người bán dạo. Ở TP.HCM cũng như các địa phương mạnh về du lịch, người ta thường thấy người bán dạo mang những túi đựng đồ sơn mài, giả đồng, thổ cẩm, gốm, quần áo, khăn choàng bằng vải tơ tằm... chạy theo khách ở các điểm tham quan hoặc đón ở khách sạn.

Khi nghe khách than mua nhầm sản phẩm kém chất lượng thì sau này các công ty du lịch yêu cầu hướng dẫn viên cảnh báo khách không mua hàng thủ công mỹ nghệ bán dạo. Cảnh báo vậy mà vẫn không tránh khỏi tình trạng khách mua nón rơm nhuộm màu, khi xuống biển hoặc gặp trời mưa ướt, màu nhiễu lem cả áo; hoặc với hàng thổ cẩm, lụa tơ tằm, vải ra màu bạc phếch.

Các hướng dẫn viên du lịch lắm lúc sượng sùng khi có ý tốt dẫn khách đến tận làng nghề mua hàng nhưng vẫn vấp phải chuyện mua lầm, do những hộ sản xuất, kinh doanh không tử tế”. Đó là tình trạng đã xảy ra trong các làng nghề gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận, đồ thủ công bằng dừa ở Bến Tre, gốm Bát Tràng ở Hà Nội...

Với thực phẩm chế biến, khách hàng cũng không thoát khỏi cảnh lầm hàng. Chuyện đường thẻ chuyển hình dạng để thành đường thốt nốt ở An Giang, Kiên Giang, nem chua làm bằng vỏ bưởi nhuộm màu ở Đồng Tháp, tôm chua độn đu đủ ở Huế..., ngày càng làm khách ngại ngần mua đặc sản về làm quà.

Mua sản phẩm làng nghề là mua sự sáng tạo, sự tinh xảo, khéo léo của đôi tay người thợ thủ công hay thợ chế biến. Suy nghĩ “thị trường còn chuộng thì không cần phải nghĩ mẫu mới” như ở làng nghề tủ thờ Gò Công (Tiền Giang), làng đồ tre Hóc Môn (TP.HCM), làng nghề hàng thủ công từ ốc ở Vũng Tàu... tiềm ẩn sự mai một.

Trước thực tế trên, một số doanh nghiệp (DN) đã tham gia vào làng nghề. Có thể kể đến những DN ở Bình Dương xốc dậy làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có lúc tưởng như không còn; DN ở Phan Rang đưa gốm Bàu Trúc từ làng ra những nơi sang trọng; hay những DN xuất khẩu sản phẩm dừa làm giàu cho người dân Bến Tre. Hầu hết họ đều nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng và thay làng nghề tiếp thị sản phẩm đến khách hàng.

Có DN lúc đầu chỉ thuần túy là người mua hàng, chỉ vài lần không vừa ý, đã trở thành người thiết kế mẫu mã với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiên Phú, kết nối với nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề đồ đồng Bình Định, đồ gỗ Phú Yên, Long An, đồ gốm Bình Dương, đồ bằng dừa Bến Tre,... để tuyển chọn hàng quà tặng cho đa dạng, phong phú. Đúc kết từ những yêu cầu của khách hàng, chị tổ chức một nhóm thiết kế sản phẩm quà tặng thủ công đạt hai tiêu chí: tạo bản sắc riêng và tính thiết thực sử dụng, rồi đặt làng nghề làm.

Quả thật, làng nghề đang rất cần sự sáng tạo và khả năng tiếp thị của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần doanh nghiệp cộng sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO