Cần đánh giá lại chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành

THANH HUYỀN| 11/04/2018 07:00

Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vào cuối tuần trước, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã cảnh báo về những tồn tại trong hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam.

Cần đánh giá lại chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành

Ông khẳng định Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tỷ lệ thanh toán của hệ thống BHXH cao hơn mức mà người lao động đóng, ngừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sớm, nghỉ hưu sớm và tuổi nghỉ hưu cuối cùng thấp. Số người thụ hưởng BHXH đang tiếp tục tăng, vì thế ông Ousmane Dion cho rằng, nếu không cải cách hệ thống hưu trí thì sự mất cân đối thu chi sẽ tăng lên.

Việt Nam có thu nhập trung bình thấp nhưng lại nằm trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2014, người có độ tuổi từ 60 trở lên chiếm 10,2% dân số và theo các chuyên gia nhân khẩu học của Tổ chức Dân số Liên Hiệp Quốc, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già sớm 3 năm so với dự báo.

Link bài viết

WB đã đề xuất cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam với các nhóm giải pháp: Trước tiên tỷ lệ điều chỉnh lương hưu sẽ theo chỉ số lạm phát và thấp hơn mức tăng tiền lương, độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau và tăng dần tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ tích lũy và khoảng cách lương hưu giữa khu vực nhà nước và tư nhân để tạo sự công bằng. Cuối cùng, xem xét lại phương pháp điều chỉnh mức hưởng BHXH theo chỉ số lương.

Năm 2014, Việt Nam đã có những cải cách về chính sách BHXH nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách hưu trí trong ngắn hạn, nhưng chưa giải quyết được các vấn đề dài hạn, trong đó có sự bất bình đẳng về lương hưu của người lao động khu vực nhà nước và tư nhân.

Ông Josef Pilger - chuyên gia dịch vụ hưu trí toàn cầu, Công ty Kiểm toán Ernst & Young, trong một hội thảo về bảo hiểm mới đây đã khẳng định, không có giải pháp chuẩn nào có thể áp dụng cho các hệ thống BHXH. Vị chuyên gia này đề xuất Việt Nam cân nhắc một số vấn đề khi xây dựng và thực hiện chính sách hưu trí sao cho phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế, chú trọng đến các yếu tố đầy đủ, bền vững, hiệu quả.

Việt Nam là quốc gia có quỹ BHXH có khả năng mất cân đối trong dài hạn nếu không điều chỉnh chính sách hưu trí. Ông Josef Pilger nói rằng, Chính phủ Việt Nam nên đưa ra những giải pháp bắt buộc đóng BHXH đối với người dân. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm này từ Hong Kong (Trung Quốc), học ở những khu vực khó khăn về kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay Hong Kong đã bảo đảm gần 100% đơn vị ngoài công lập tham gia đóng BHXH. Đó là kết quả của 20 năm siết chặt quy định về BHXH cũng như an sinh xã hội. Với Việt Nam, trước mắt đảm bảo 20% công dân tham gia BHXH đã là thành công lớn. Điều đó có nghĩa là một quốc gia thu nhập thấp, Việt Nam phải đảm bảo được số lượng người tham gia BHXH rất cao mới đảm bảo được quỹ BHXH.

Những giải pháp WB khuyến nghị lần này, về căn bản có một số nội dung cùng hướng với đề án cải cách BHXH sẽ trình Bộ Chính trị và sẽ được quyết định trong Hội nghị Trung ương 7 tới. Hiện Chính phủ đã giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đánh giá chính sách BHXH hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần đánh giá lại chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO