Cần chính sách thiết thực để đưa người lao động trở lại nhà máy

Hồng Nga| 02/10/2021 07:54

Tái sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) TP.HCM đang rất cần lao động. Tuy nhiên, để người lao động (NLĐ) trở lại nhà máy trong bối cảnh hàng ngàn người trở về quê và làn sóng này vẫn đang tiếp diễn, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, đồng thời phối hợp nhịp nhàng cùng các địa phương đưa họ trở lại.

Cần chính sách thiết thực để đưa người lao động trở lại nhà máy

Cần thêm nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ NLĐ

Chia sẻ tại hội nghị Hội nghị trực tuyến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri DN trên địa bàn TP.HCM sáng nay, ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty Kỹ thuật tự động ETEC, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q. Tân Phú cho rằng, hiện ngay các gói hỗ trợ còn quá ít và quá thấp so với những gì mà NLD và DN đang gánh chịu. 

Cụ thể, NLĐ mất việc được hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người. "Ba tháng mất việc, họ sống như thế nào với số tiền ấy? Giữ họ ở lại TP để DN có nguồn lao động tái hoạt động bằng cách nào khi số tiền này chưa đủ để họ trả tiền thuê trọ" - ông Toàn trăn trở. Và nhấn mạnh: “Tất cả các gói hỗ trợ thực sự không tương xứng với vai trò người dân và DN TP đóng góp vào ngân sách Quốc gia”.

Đồng cảm với những khó khăn NLĐ đang gặp phải, bà Lâm Thuý Ái - Chủ tịch HĐTV Mebi Group cho rằng, Chính phủ cần xem xét, linh hoạt, mở rộng thêm các điều kiện đối tượng được hưởng trợ cấp vì hiện nay rất nhiều NLĐ không có việc làm, không có thu nhập để duy trì cuộc sống.

"Rất nhiều NLĐ phải tạm ngưng việc do không thể tham gia phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” tại DN vì nhiều lý do cá nhân khác nhau như: gia đình neo đơn, mới kết hôn, phụ nữ đang mang thai… Bản thân họ bị mất việc làm, không có thu nhập nhưng chưa nhận được hỗ trợ vì hiện tại Nhà nước chưa có bất cứ chính sách nào hỗ trợ nhóm NLĐ này", bà Thúy Ái nêu ý kiến.

“Đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cho những đối tượng này, đồng thời tăng thời gian được nhận trợ cấp. Thời gian tăng tùy thuộc vào thời gian NLĐ phải thực hiện tạm dừng, tạm hoãn hợp đồng lao động nhưng không quá 2 tháng trợ cấp”, bà Thuý Ái đề xuất.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation cũng cho rằng chính quyền TP.HCM cần sớm có chính sách hỗ trợ để NLĐ quay trở lại TP tiêm vaccine. “Chính sách này không những tạo ra việc làm, thu nhập cho NLĐ mà còn giúp DN có được lực lượng lao động cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm an toàn lao động trong DN”, bà Lưu Thanh Mẫu nói. 

Ngoài ra, bà Mẫu cũng đề xuất, Chính quyền TP cần có kế hoạch tiêm ngừa cho các đối tượng là các shipper, tiểu thương… Song song đó, có thể lập đội phản ứng nhanh từng cứ điểm sản xuất để ứng phó với tình hình dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vẫn còn tiềm ẩn.

IMG-7978-JPG-9015-1633170079.jpg

Các DN đang trông chờ chính sách thu hút NLD ngoại tỉnh về TP làm việc

Chính sách thu hút lao động ngoại tỉnh 

Cùng với chính sách cho NLĐ, các DN kiến nghị nên có chính sách để thu hút NLĐ ngoại tỉnh trở lại TP.HCM làm việc. 

Các số liệu thống kê cho thấy, TP.HCM có tổng số hơn 4,7 triệu NLĐ đang làm việc, với trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh, trong đó, hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh. Từ tháng 7/2021 đến nay, Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với các địa phương đưa trên 33.000 người về 34 tỉnh - thành, chưa kể những người đã tự về quê trước đó chưa được thống kê. 

Trong số này, không ít đã chuyển đổi sinh kế hay có ý định lập nghiệp ngay tại quê hương. Số còn lại mặc dù có nguyện vọng quay lại TP làm việc nhưng vẫn chưa thể do yêu cầu phòng chống dịch (phải được tiêm vaccine trong khi độ phủ vaccine giữa các địa phương là khác nhau), quy định đi lại khó khăn giữa các địa phương. 

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng, TP cần có chính sách thu hút NLĐ ngoại tỉnh quay lại TP. Hiện nay, DN đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu lao động. Việc thu hút NLĐ quay lại TP là tiền đề để phục hồi kinh tế. "Đưa NLĐ quay lại TP giờ đây không phải là câu chuyện riêng của mỗi DN" - ông Việt nhấn mạnh.

“DN rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía TP, chẳng hạn như: phối hợp cùng các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chuyến xe đưa NLĐ từ các địa phương về TP; thiết lập các “vùng đệm” khám sàng lọc, hỗ trợ lưu trú tạm thời 14 ngày cho NLĐ ngoại tỉnh tại các chung cư tái định cư bỏ trống, các trường học chưa có học sinh quay lại; ưu tiên tiêm vaccine, xét nghiệm an toàn trước khi DN đón NLĐ quay lại nhà máy làm việc”, ông Việt đề xuất. 

Ngoài chính sách cho NLĐ, thu hút NLĐ quay lại nhà máy, TP.HCM cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn và bền vững. Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, trước đây TP.HCM có cơ sở hạ tầng hiện đại nhưng đã tụt hậu theo thời gian. Đợt dịch này đã bộc lộ nhiều yếu kém trong cơ sở hạ tầng của TP, cụ thể là hạ tầng y tế thể hiện qua việc không tự chủ được thuốc tân dược, trang thiết bị y tế; một số quận huyện có mật độ dân cư cao, nhà ở tạm bợ chật chội là nơi lây nhiễm Covid cao, các KCN chưa đi kèm khu ở công nhân sạch sẽ an toàn…

"Tất cả những yếu tố này dẫn đến môi trường sống thiếu bền vững" - ông Khanh chỉ rõ.

Vì thế, "TP.HCM cần đầu tư lại cơ sở hạ tầng, phát huy lại vị trí của TP đầu tàu trọng điểm kinh tế của cả nước và khu vực. TP phải tiếp cận việc phục hồi kinh tế không chỉ trong pham vi TP, cả nước mà là phạm vi khu vực", ông Nguyễn Quốc Khanh đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần chính sách thiết thực để đưa người lao động trở lại nhà máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO