Bình Định đột phá phát triển hạ tầng

Lan Ngọc| 09/02/2023 06:17

Huy động mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông kết nối và xem đây là động lực, nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đó là định hướng mà tỉnh Bình Định đang nỗ lực thực hiện.

Với định hướng ấy, thời gian qua và hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã và đang đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển các đoạn còn lại, đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân, các tuyến kết nối đến đường ven biển... Ngày 4/2/2023 vừa qua, tuyến đường ven biển ĐT 639 đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành, chiều dài hơn 40km, tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với 4 làn xe, vận tốc 80km/giờ, đã được đưa vào sử dụng. 

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành đưa vào sử dụng sẽ tạo tiền đề để tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai và sớm hoàn thành toàn tuyến ĐT 639 (tuyến ĐT 639 thuộc hệ thống đường ven biển quốc gia song song với quốc lộ 1 có tổng chiều dài hơn 107km thông suốt từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn), trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Trung hoàn thành xây dựng đường giao thông ven biển. Các tuyến quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến ĐT 639 kết hợp với hệ thống đường kết nối Đông - Tây đang đầu tư xây dựng khi hoàn thành sẽ tạo hành lang vận tải kết nối cảng biển Quy Nhơn, cảng hàng không Phù Cát với các vùng miền trong cả nước và các nước trong khu vực, cho phép Bình Định quy hoạch không gian phát triển mới về đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch để thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định nói riêng cũng như khu vực miền Trung và cả nước nói chung.

-5916-1675929928.jpg

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Chính phủ cho phép lập quy hoạch thiết kế mở rộng cảng hàng không Phù Cát trở thành cảng hàng không quốc tế. Phương án quy hoạch giai đoạn 2021-2030 được đề xuất là đạt cấp sân bay 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), tầm nhìn đến 2050 đạt cấp sân bay 4E với công suất từ 12-15 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm. Lý do đề xuất mở rộng là bởi cảng hàng không Phù Cát có vị trí quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Bình Định cũng như khu vực Nam Trung Bộ, nhưng hiện nay đã quá tải. Tỉnh Bình Định rất mong Chính phủ sớm cho phép nâng cấp cảng hàng không này, trước mắt là đường cất, hạ cánh thứ hai và mở rộng nhà ga, sân đỗ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện tuyến từ quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn là tuyến huyết mạch phát triển công nghiệp phía Tây Bình Định đã lập dự án đầu tư (tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng), song ngân sách địa phương không cân đối được, rất cần được Chính phủ hỗ trợ kinh phí lấy từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022.

Tuyến quốc lộ 19 nối cảng Quy Nhơn - Bắc Tây Nguyên - Nam Lào - Đông Bắc Campuchia - Thái Lan đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng đường cao tốc từ thành phố Quy Nhơn đến Pleiku (Gia Lai). Tỉnh Bình Định đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đường cao tốc này từ nguồn vốn ODA hoặc theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), nếu khả thi thì cho phép đầu tư ngay trong giai đoạn trước năm 2025.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định ngày 5/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương, đánh giá cao tỉnh Bình Định trong việc tự lực, tự cường phát triển kết cấu hạ tầng. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương những năm tới, Thủ tướng cho rằng tỉnh Bình Định cần chú trọng quy hoạch với tư duy đột phá, có tầm nhìn dài hạn, vừa phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục được hạn chế, thách thức, tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. 

Bình Định cần tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác công - tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng (nhất là sân bay, đường cao tốc). Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, có tính chiến lược để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Bình Định về việc xã hội hóa huy động nguồn lực để nâng cấp sân bay Phù Cát, giao các bộ cân đối ngân sách để hỗ trợ Bình Định đầu tư tuyến đường từ quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP kết nối với cảng Quy Nhơn... yêu cầu tỉnh Bình Định cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương lập dự án xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo hình thức PPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình Định đột phá phát triển hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO