Gia Lai dừng tổ chức xe đưa đón cán bộ đi Quy Nhơn, chuyển sang hỗ trợ kinh phí linh hoạt
Sau 2 đợt triển khai thí điểm tổ chức xe đưa đón cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giữa Pleiku và Quy Nhơn, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai đã quyết định chấm dứt mô hình này do phát sinh nhiều bất cập trong quá trình vận hành.
Thông báo chính thức được Sở Xây tỉnh Gia Lai dựng phát đi ngày 23/7, đánh dấu việc dừng hoàn toàn hoạt động đưa đón cán bộ bằng xe tập trung sau giai đoạn thí điểm nhằm phục vụ nhu cầu đi lại giữa hai địa phương trong bối cảnh tái tổ chức đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong hai đợt thí điểm, ngành chức năng đã huy động 41 lượt phương tiện với tổng cộng 1.149 chỗ ngồi, phục vụ 943 lượt người. Mức độ sử dụng đạt khoảng 82%.
Toàn bộ chi phí, gần 240 triệu đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa, do các doanh nghiệp vận tải và trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tài trợ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy nhiều hạn chế như: việc đăng ký sử dụng xe không sát với nhu cầu thực tế, phát sinh thay đổi đột xuất về số lượng người đi, đăng ký sai khung giờ hoặc không tham gia dù đã đăng ký. Những bất cập này gây khó khăn trong công tác điều phối và tổ chức, đồng thời làm phát sinh lãng phí nguồn lực.
Trước tình hình trên, Sở Xây dựng đã kiến nghị phương án điều chỉnh. Theo đó, thay vì tổ chức xe đưa đón tập trung, tỉnh Gia Lai sẽ chuyển sang hình thức hỗ trợ kinh phí linh hoạt, cho phép cán bộ tự lựa chọn phương tiện phù hợp với nhu cầu công tác và sinh hoạt cá nhân, bao gồm xe tuyến cố định, xe hợp đồng hoặc phương tiện cá nhân.
Ngày 22/7, HĐND tỉnh Gia Lai đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chịu ảnh hưởng từ việc sắp xếp lại đơn vị hành chính. Trong đó, nội dung hỗ trợ chi phí đi lại được xem là giải pháp then chốt nhằm đảm bảo tính linh hoạt và tiết kiệm ngân sách công.
Để đảm bảo nhu cầu di chuyển của lực lượng công chức, viên chức không bị gián đoạn, Sở Xây dựng đã phối hợp với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn xây dựng phương án tăng cường phương tiện, công bố danh sách liên hệ và hướng dẫn đăng ký.
Dự kiến từ tháng 8/2025, sẽ có thêm ít nhất hai doanh nghiệp lớn chính thức khai thác tuyến Pleiku - Quy Nhơn để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, gần 2.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Gia Lai sẽ làm việc tại trung tâm hành chính cấp tỉnh mới đặt tại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định cũ).
Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ đi lại không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong quản lý hành chính, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đồng thời tăng cường tính chủ động cho đội ngũ cán bộ trong bối cảnh mô hình tổ chức hành chính mới đang từng bước đi vào ổn định.