Bất ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không chỉ lỗi doanh nghiệp

Ý Nhi| 25/04/2022 06:38

Khẩn trương thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trước ngày 30/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ được xem là động thái cần thiết để chấn chỉnh thị trường trái phiếu, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sau một thời gian thị trường này bộc lộ nhiều tiêu cực, vàng thau lẫn lộn.

Bất ổn vì đâu?

Trong tình hình kinh tế khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp bị yếu đi, bài toán xoay vòng vốn và vay vốn càng khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu hơn khi "lực đã yếu", gõ cửa "vay vốn" ở nơi đâu cũng khó. Trong tình thế đó, bên cạnh kênh tín dụng và cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp. 

Nhìn lại ba năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng với tốc độ ấn tượng hơn 30%/năm đã đưa quy mô thị trường này chiếm khoảng 15% GDP. Cụ thể, khối lượng phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp là 467.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt năm 2021 phát hành lên tới 630.000 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm số lượng lớn nhất. 

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dựa trên công bố từ trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), quý I/2022, nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành, đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36%.

Không thể phủ nhận trái phiếu vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và cần được tăng trưởng cả chất và lượng trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn "bị” xem là tiềm ẩn những rủi ro lớn thì việc "nắn chỉnh" lại thị trường là cần thiết. Bên cạnh đó, với một thị trường đang trong giai đoạn phát triển ban đầu thì những rủi ro, tiêu cực như đã xảy ra ở một số doanh nghiệp gần đây như vụ vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là khó tránh. 

Song cũng cần nhìn lại một số nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu tiêu cực và rủi ro, đó là có gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, việc dễ dàng gọi vốn, dòng tiền thu về từ trái phiếu cũng không bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ, khiến doanh nghiệp phát hành có thể tùy ý sử dụng mà các trái chủ khó có thể biết.

Cùng với nhu cầu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp ngày càng lớn, thị trường trái phiếu thời gian qua  cũng đã bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu chính phủ. Và đi cùng tăng trưởng "nóng" cũng dẫn tới xuất hiện những loại trái phiếu "ba không": không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. 

Nói đến bất cập trong huy động vốn trái phiếu, GS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cũng đánh giá tỷ lệ phát hành trái phiếu "ba không" trong tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tới hơn 30% là rất nghiêm trọng. Đây là phát hành của những doanh nghiệp chưa niêm yết. Ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình thường nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu của chúng ta cũng không đến nơi đến chốn, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cần phù hợp để bảo đảm khả năng trả nợ.

Cũng theo ông Thịnh, việc các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề nghiêm trọng. Đó có thể là tình trạng ngân hàng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để "đảo nợ", chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay thông qua trái phiếu doanh nghiệp, tức gần như giao nguyên số tiền cho doanh nghiệp, họ sử dụng gì, đầu tư ra sao, ngân hàng cũng không quản lý được. Bên cạnh đó còn có hiện tượng mua bán lòng vòng, gần như ngân hàng cũng không quản lý được. 

Với những rủi ro, tiêu cực của thị trường đã hiện hữu nhiều năm qua, cụ thể là việc một số doanh nghiệp bất động sản lách luật phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, phần lỗi không chỉ thuộc về doanh nghiệp mà còn do hành lang pháp lý có nhiều kẽ hở, cơ quan quản lý thiếu kiểm soát, giám sát thị trường. 

traiphieu-1-2485-1650879004.jpg

Cần mở sàn giao dịch trái phiếu 

Chia sẻ tại Chương trình Cà phê với Doanh Nhân Sài Gòn ngày 22/4/2022, ông Nguyễn Duy Thành - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Bất động sản Global Home cho rằng, sở dĩ thời gian vừa qua, mã cổ phiếu liên quan đến bất động sản tăng. Từ đó làm niềm tin tham chiếu cho nhà đầu tư và nhà đầu tư trái phiếu nhìn thấy trái phiếu được lãi suất cao. Từ đó quyết định đầu tư trái phiếu vào thị trường bất động sản.

Ông Thành dẫn chứng, một nhà đầu tư bất động sản khi muốn triển khai một dự án thì phải vay vốn ngân hàng và làm phương án về kinh doanh, thế chấp tài sản. Nhà đầu tư sẽ thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai vào ngân hàng để được cấp hạn mức tín dụng cho triển khai dự án. Nhưng nếu phát hành trái phiếu thì chỉ cần phát hành tờ giấy có mệnh giá cụ thể, đưa ra thị trường và không phải thế chấp bất kỳ tài sản gì. Như thế, tài sản đó có thể được doanh nghiệp chuyển sang các kênh đầu tư, các kênh huy động vốn khác như đưa vào ngân hàng để lấy ra một khoản tài chính.

Cũng theo ông Thành, thời gian vừa qua có nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản theo dạng căn hộ du lịch như condotel và họ cam kết lãi suất rất cao nhưng sau đó vi phạm cam kết ấy và nhà đầu tư gần như không biết dựa vào các tổ chức, cơ sở pháp lý nào để bảo vệ quyền lợi cho mình. "Đó được xem là sự bội tín của nhà đầu tư trong việc cam kết trả lãi cho khách", ông Thành khẳng định, khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp không cam kết trả lãi suất đó thì rõ ràng là rủi ro, rủi ro về chính sách và rủi ro thị trường.

Để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư, nên có những công ty đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để giúp nhà đầu tư tìm ra được những công ty uy tín hoặc có những tổ chức tài chính giống dạng kiểm toán, để biết rằng dòng tiền doanh nghiệp có hiệu quả trong tương lai hay không?  Cùng đó, các tiêu chí đánh giá đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu phải  thực sự có năng lực và phải có quy định cụ thể việc sử dụng vốn trái phiếu DN đúng mục đích.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu và quan tâm đến những cổ phiếu mà có tài sản đảm bảo trong ngân hàng. Điều này giúp nhà đầu tư có sự đảm bảo về dài hạn. Ông Thành cho biết thêm, nếu Nghị định 153 được sửa đổi liên quan tới trái phiếu, từ đó khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đánh giá về định mức tín nhiệm với tiêu chí mức tín nhiệm càng cao thì lãi suất huy động càng thấp. Giá của trái phiếu sẽ đi ngược lại với lãi suất, sẽ giảm được rủi ro và đưa ra nhiều kênh lựa chọn cho nhà đầu tư.

Ông Phạm Ngọc Minh Trí - Chuyên viên tư vấn khách hàng cao cấp Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) cũng đồng tình cần triển khai các sàn giao dịch trái phiếu. Vì theo ông Trí, đây là thị trường thứ cấp và khi được hình thành sẽ là nơi mua bán của các trái chủ thì đương nhiên sẽ có lịch sử về sức khỏe của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét sửa đổi một số điều Luật và Nghị định đang gây bất cập để lành mạnh hóa việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư và khách hàng.

"Nếu các nhà đầu tư cá nhân muốn lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp khi không rành và công ty đánh giá định mức tín nhiệm chưa có thì nên ưu tiên lựa chọn các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán", ông Trí đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không chỉ lỗi doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO