Bài 2: Thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp số

Nhóm phóng viên| 25/03/2023 01:00

Tại tọa đàm "Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy kinh tế số” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng trong khi chờ đợi hoàn thiện khung pháp lý, Nhà nước có thể thành lập tổ công tác để giải quyết nhanh các vướng mắc của doanh nghiệp (DN) số, đồng thời có cơ chế cho DN được làm những thứ pháp luật không cấm để thúc đẩy kinh tế số phát triển.

-8131-1679644219.jpg

Cần cơ chế sandbox để DN làm trong khuôn khổ pháp luật cho phép 

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng rất cần phát triển cơ chế sandbox - khung thể chế thử nghiệm để tạo ra môi trường thử nghiệm trong một phạm vi nhất định cho DN khởi nghiệp. Sandbox tạo ra không gian pháp lý áp dụng cho mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm đổi mới sáng tạo (ĐMST). 

Ông Nguyễn Thế Hùng - nhà sáng lập và CEO Công ty CP Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) đã làm cuộc khảo sát nhỏ trong cộng đồng Táo startup và họ nhìn nhận việc thiếu hành lang pháp lý khiến các DN bỏ lỡ cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Đơn cử, hệ sinh thái dauthau.info từng đạt nhiều giải khởi nghiệp quốc gia nhưng không nhận được đầu tư trong Shark Tank mùa 5 vì pháp lý chưa hoàn thiện. 

Trong khi ĐMST phát triển liên tục nên pháp luật rất khó chạy theo kịp. Nhưng đối với cộng đồng khởi nghiệp, đợi đến khi pháp lý hoàn thiện cũng như đợi đến khi "nước trong thì không có cá”. Do đó, ông Hùng đề xuất giải pháp thích nghi "làm trong khuôn khổ pháp luật cho phép và tận dụng sự hỗ trợ của các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và cơ quan đoàn thể". Cần có kênh hỗ trợ startup để tìm ra giải pháp khi gặp những vướng mắc liên quan đến pháp lý. Startup cũng cần chủ động tham gia vào các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, có như vậy DN khởi nghiệp mới được hỗ trợ nhanh chóng. 

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Việt An - phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án 844 nhận định, DN khởi nghiệp có thể dựa vào các đơn vị hỗ trợ được thành lập để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) được xây dựng như công cụ tích hợp nhiệm vụ và sandbox lắng nghe ý kiến từ DN startup để trực tiếp báo cáo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Hằng tuần, Văn phòng 844 đều có 1 giờ để trao đổi vướng mắc của các startup với các cán bộ trong ngành. Nhiều vướng mắc được giải quyết tại chỗ. Nếu nằm ngoài thông tin cho phép giải quyết, Văn phòng 844 sẽ ghi nhận và tham mưu trong các đợt điều chỉnh pháp luật. 

Từ kết quả đối thoại với startup, Văn phòng 844 đã liên kết cùng Khu công nghệ cao Hòa Lạc để tạo ra nơi thử nghiệm sản phẩm mà DN chưa biết thử nghiệm nơi nào. Như trường hợp Văn phòng 844 đã hỗ trợ ông Nguyễn Tuấn Anh - cựu CEO Grab Việt Nam thử nghiệm xe robot tự hành tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ông Nguyễn Việt An khuyến khích DN khởi nghiệp liên hệ với vanphongdean844@most.gov.vn để được hỗ trợ tức thời trong giới hạn của Đề án 844. 

Cần nhiều giải pháp đồng bộ về thể chế và pháp luật 

Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: "12 triệu kết quả tìm kiếm trên Google về hoàn thiện thể chế pháp luật. Có nghĩa là điều này đã được bàn thảo rất nhiều lần. Một văn bản pháp luật sẽ đến liên quan rất nhiều văn bản pháp luật khác, thậm chí liên quan đến cả việc ban hành hiến pháp. Để thay đổi hay bổ sung một nội dung dù nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mối liên hệ khác". Tuy nhiên, dù khó cũng không thể để kéo dài mãi. Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý thông thoáng cho hệ sinh thái ĐMST. 

Chính phủ đã ban hành 4 nghị định, 1 chỉ thị và 10 quyết định liên quan đến chuyển đổi số nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều văn bản liên quan ở cấp độ quản lý của Nhà nước để quản lý hoạt động ĐMST. Hệ quả là rất khó điều chỉnh để DN hoạt động trong giới hạn của pháp luật. Trước quá nhiều trường hợp chính sách làm nản lòng DN và nhà đầu tư, Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng các quy định của pháp luật nên được thực hiện nhanh hoặc có văn bản pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và quan hệ thực tế. Ngoài ra, để hoàn thiện khung thể chế cho việc ĐMST và hỗ trợ DN khởi nghiệp, cần có đội ngũ ở các bộ ban ngành để xây dựng luật và ban hành nhanh quy định cho kịp với thực tế phát triển nền kinh tế số. 

-6446-1679644219.jpg

Còn bà Quyên Phạm - Phó chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số kiến nghị giải pháp đến từng lĩnh vực khởi nghiệp. Để kéo các DN game trở về đóng góp cho phát triển kinh tế số của đất nước thì Việt Nam cần sửa đổi nhanh các quy định, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ cấp phép đối với ngành game, quản lý bằng khung pháp lý, có chính sách ưu đãi cho ngành game... Các chính sách cũng nên chú trọng thu hút các DN nước ngoài vào phát triển ở thị trường Việt Nam. 

Ông Huỳnh Văn Tùng - Đại diện Cục Công tác Phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ nhận định để kinh tế số Việt Nam phát triển đạt 30% GDP thì cần nhiều giải pháp đồng bộ về thể chế và pháp luật. Thể chế cần đi trước một bước để chấp nhận những điều mới mẻ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ và mô hình phải có tính linh hoạt để điều chỉnh theo thực tế. Chính sách về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ và về tự do hóa thị trường nghiên cứu khoa học hợp lý sẽ tạo ra những bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số. Các ngành nghề cụ thể đang chờ quy định sửa đổi để phù hợp với nền kinh tế số là thương mại điện tử (TMĐT), tài chính số, ngân hàng số, công nghệ thông tin và truyền thông. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số cũng cần được tạo thuận lợi để thu hút đầu tư mạo hiểm. 

Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để nâng cao trình độ về kinh tế số, đồng thời tập trung phát triển các lĩnh vực nền tảng như hạ tầng, tài nguyên, dịch vụ số và thị trường số. Ngoài ra, cần có chiến lược bài bản để làm chủ những công nghệ quan trọng, cốt lõi thông qua chính sách hỗ trợ hợp tác và đầu tư nước ngoài. 

Thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ DN

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng thống nhất cần đề xuất thành lập một cơ quan cấp trung ương tạm gọi tắt task force (tổ công tác đặc biệt) làm đầu mối giải quyết những kiến nghị của các startup. Đây là đội phản ứng nhanh hỗ trợ những vấn đề cấp thiết trong nền kinh tế số. Nguyên nhân là vì hiện nay, các bộ ngành đều chỉ giải quyết vấn đề trong ngành, startup phải đi lòng vòng các nơi để xin quy định có khi mất cả năm, cũng là mất đi cơ hội trong nền kinh tế số.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Hàn Quốc có Bộ Khởi nghiệp là nơi có thể chỉ đạo cơ quan đoàn thể để giải quyết được vấn đề dành riêng cho DN khởi nghiệp. Và Việt Nam có thể học tập mô hình này. Trong khi đó, bà Quyên Phạm thì đề xuất học tập mô hình hỗ trợ DN công nghệ của Singapore với thủ tục hành chính đơn giản nhanh gọn. Áp dụng cách quản lý của họ có điều chỉnh theo thực tế của Việt Nam sẽ giúp kéo các DN Việt trở về nhà.

Chỉ khi hành lang pháp lý, cùng các giải pháp cụ thể hỗ trợ các DN số phát triển, kinh tế số Việt Nam mới hy vọng cất cánh, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của kinh tế quốc gia.

------------------------------------------

Thời gian qua, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là đã ban hành kịp thời một loạt văn bản pháp quy để tạo dựng hành lang pháp lý thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Trong đó, có một số nghị quyết, nghị định đáng chú ý sau:

- Nghị quyết số 100/NQ-CP ban hành ngày 6/9/2021, thông qua đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo. 

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết đề ra 8 chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 và đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025-2045, trong đó có đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP. 

- Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là trọng tâm chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn tới và đặt ra các mục tiêu rất cao và cụ thể đến 2025 gồm: kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% số xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Để đạt được mục tiêu này cần phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5-7%/năm).

-8712-1679728050.jpg

Toàn cảnh tọa đàm "Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy kinh tế số” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 21/3/2023

Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - Đồng sáng lập, Giám đốc phát triển Gostream: Nhà nước chỉ cần quy định các dịch vụ bị cấm kinh doanh

Tôi đề xuất Nhà nước cần sớm có cơ chế "sandbox", cho phép doanh nghiệp (DN) được công nhận là DN khoa học - công nghệ, khi triển khai các công nghệ mới để cung cấp dịch vụ cho thị trường thì chỉ cần gửi báo cáo cho các cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm và hướng dẫn các thủ tục cấp phép (nếu có) hoặc cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Bởi theo tôi, đã là DN số, chắc chắn sẽ tạo ra các dịch vụ mà chưa có quy định rõ ràng trong luật. Nếu cứ chờ được cấp phép sẽ rất chậm và lỡ mất cơ hội kinh doanh. Nhà nước chỉ cần quy định các dịch vụ bị cấm làm, còn lại thì DN số được làm hết. Chỉ cần báo cáo cách thức triển khai, Nhà nước sẽ hậu kiểm.

Lưu ý là chỉ có DN được cấp giấy chứng nhận DN khoa học - công nghệ mới có quyền lợi này. Đó là những DN có pháp nhân rõ ràng, founder team rõ ràng.

Ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch CTP Consultancy Group, Canada:Doanh nghiệp số ở Canada cũng vận hành theo quy luật của thị trường

Tại Canada, doanh nghiệp số cũng vận hành theo quy luật của thị trường, dù doanh nghiệp này kinh doanh vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.

Trung tâm thông tin tại Canada sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin thị trường ban đầu theo cấp độ tỉnh bang và lãnh thổ liên bang, thông tin này là miễn phí. Các nhà đầu tư, tổ chức, quỹ đầu tư, chuyên gia... khi tham gia hay đỡ đầu cho startup thì nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí và một số dịch vụ như pháp lý, dịch thuật, thông tin chính sách... Mức hỗ trợ từ một phần, bán phần hay toàn phần cho từng dự án, chương trình hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể được giảm giá 50% phí tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo, triển lãm.

Hằng năm, doanh nghiệp được đóng góp ý kiến với Chính phủ về hoạt động và các định hướng đầu tư ngân sách cho các lĩnh vực kinh tế xã hội cần ưu tiên. Tại khu vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (StartUpZone) thì 3 tháng xem xét lại một lần và chuyển qua giai đoạn tiếp 6 tháng đến trường hợp đặc biệt là 12 tháng sẽ kết thúc hỗ trợ. Trong đó, có nhiều hình thức hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp, kể cả công tác miễn, giảm thuế đến hoàn thuế cho doanh nghiệp, họ làm rất rõ ràng và kịp thời hằng năm. Hầu hết hồ sơ, thủ tục có thể làm online và ở đây theo thứ tự xếp hàng đến trước phục vụ trước.

Điều quan trọng nhất là tại quốc gia này, họ xây dựng được tính nghiêm cẩn, tường minh. Do đó, những cá nhân khởi nghiệp, startup vi phạm hay mất tín nhiệm tùy mức độ sẽ không nhận được các hỗ trợ, sau đó phải có trách nhiệm hoàn trả khoản đã nhận. Chính phủ sẽ có các cấp độ xử lý phù hợp nhưng doanh nghiệp vẫn được bảo vệ danh tính, quyền của cá nhân và tổ chức liên quan vẫn được duy trì, để sau đó họ có điều kiện tiếp tục phát triển.

TS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch Sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Thiết kế hợp đồng thông minh để không cần đến các tòa án

Hiện đã có một số luật dành cho nền kinh tế số như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2008, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2008 đang được hoàn thiện dần. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập, thiếu đồng bộ giữa các văn bản luật và còn có khoảng cách giữa quy định với thực thi trong thực tế vì không theo kịp tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế.

Vì thiếu hành lang pháp lý hoàn thiện, sự phát triển của nền kinh tế số cũng ảnh hưởng. Hiện nay, việc vi phạm pháp luật xảy ra trên nền tảng số rất nhiều, tuy nhiên số lượng vụ việc bị xử lý lại hầu như rất ít. Do đó, việc hoàn thiện pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN số hoạt động hiệu quả, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực công nghệ số theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức.

Hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ giúp cho doanh nghiệp và người dân an tâm khi thực hiện giao dịch trên nền trảng số và kích thích các thành phần tham gia vào nền kinh tế số. Tôi đề xuất quy định về hồ sơ, hợp đồng thông minh và thỏa thuận nên được tự động thực thi bằng máy tính. Những hợp đồng như vậy được thiết kế nhằm bảo đảm việc thực thi mà không cần đến các tòa án cũng như loại bỏ sự tùy nghi của con người trong việc thực thi hợp đồng. Hợp đồng thông minh, với những ưu điểm như bảo đảm tính minh bạch, đáng tin cậy, chắc chắn trong thực thi và giảm chi phí giao dịch, được xem là có tiềm năng phát triển rất lớn và đang rất được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Bài 1: Kinh tế số Việt Nam: Giàu tiềm năng, nhiều vướng mắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO