Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Cần nhìn lại chính sách ưu đãi đầu tư

Minh Anh| 27/03/2023 06:17

Theo bà Lê Thị Thu Hương - nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, Chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu đặt Việt Nam vào bối cảnh mới về thu hút đầu tư nước ngoài khi thuế không còn là công cụ hàng đầu.

bà Lê Thị Thu Hương - nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, Chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM

Bà Lê Thị Thu Hương - nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, Chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM

* Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn. Theo bà, điều ấy ảnh hưởng thế nào tới khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư vốn FDI của Việt Nam?

- Điểm sáng trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam là chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là ưu đãi thuế, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2,75-5,9%. Do đó, khi áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu mức thuế suất tối thiểu 15% thì chính sách ưu đãi thuế sẽ không còn hiệu quả để thu hút đầu tư FDI. 

* Theo kiến nghị của một số doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam có thể áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ quyền đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia. Ý kiến của bà về kiến nghị này? 

- Theo tôi, khi Việt Nam áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu thì phải ưu tiên cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn. Tôi ủng hộ kiến nghị của các doanh nghiệp FDI là Việt Nam có thể áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ quyền đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia để tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời phù hợp cam kết chung giữa các quốc gia. Vì nếu một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có lợi nhuận, nếu Việt Nam thu thuế thu nhập doanh nghiệp dưới 15%, thì họ cũng phải nộp phần thuế chênh lệch cho đủ 15% về quốc gia mà tập đoàn đặt trụ sở chính.

* Theo bà, đâu là các giải pháp tối ưu để Việt Nam ứng phó với những tác động từ việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu? 

- Việt Nam cần nhìn lại chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi thuế để điều chỉnh, bổ sung, thay thế để kịp thời áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Theo đó, phải ban hành chính sách ưu đãi thuế phù hợp với điều kiện mới. Đặc biệt cần sớm xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư tốt hơn trước đây để tạo lợi thế cạnh tranh thu hút vốn FDI đối với các nước trong khu vực.

Mặt khác, từ việc thu được thuế tối thiểu 15%, sẽ có thêm nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư như ưu đãi về đất đai, lao động, thị trường, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân để bù đắp cho nhà đầu tư đối với các khoản thuế chênh lệch do không được ưu đãi, nhằm hài hòa lợi ích chung, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thu hút nhiều lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam; thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, đặc biệt lĩnh vực công nghệ và tài chính. 

Tôi tin rằng, với sự quyết tâm nhanh chóng vào cuộc để áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu thì Việt Nam sẽ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình thu hút vốn FDI.

* Cảm ơn bà!

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận.

Theo quy tắc này, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Cần nhìn lại chính sách ưu đãi đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO