31 doanh nghiệp và mặt hàng Việt Nam bị "cảnh báo nhập khẩu" tại Mỹ

VÂN THẢO (tổng hợp)| 13/04/2016 01:25

Một trong các lỗi doanh nghiệp thường mắc phải là quy cách ghi nhãn thực phẩm và nguyên liệu chưa tuân thủ theo đúng quy định của FDA (Mỹ), quy cách ghi nhãn hàng không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận…

31 doanh nghiệp và mặt hàng Việt Nam bị

Theo đại diện Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Việt Nam hiện là đối tượng của 31 “cảnh báo nhập khẩu” tại Mỹ; đồng thời, các doanh nghiệp (DN) đang vấp phải các yêu cầu khắt khe với thủy sản, thực phẩm, dược phẩm ngay từ khâu gieo trồng, nuôi con giống để đáp ứng “tiêu chuẩn Mỹ”.

Tại hội thảo “Cơ hội xuất khẩu (XK) sang Mỹ và những yêu cầu của cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm tuy được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ nhưng hiện vẫn đang có mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Mỹ cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các DN Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường này.

Theo ông David Lennarz - chuyên gia kỹ thuật FDA, Phó Giám đốc Registrar Corp (Mỹ - công ty hỗ trợ các cơ sở thực phẩm, thức uống, thiết bị y tế, dược phẩm và mỹ phẩm làm theo các quy định của FDA), hiện có 31 DN và mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang nằm trong danh sách “cảnh báo nhập khẩu”, có thể bị lưu giữ mà không cần qua kiểm tra thực tế.

Một trong các lỗi DN thường mắc phải là quy cách ghi nhãn thực phẩm và nguyên liệu chưa tuân thủ theo đúng quy định của FDA, quy cách ghi nhãn hàng không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận…

Chưa kể, FDA yêu cầu tất cả các DN khi xuất khẩu hàng thực phẩm và đồ uống, dược phẩm cho người và động vật vào thị trường Mỹ phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký người đại diện tại Mỹ.

Theo quy định, cứ 2 năm một lần, các DN xuất khẩu vào thị trường này sẽ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với FDA để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới…

Trả lời câu hỏi về việc DN Việt Nam cần làm gì khi nằm trong danh sách “cảnh báo nhập khẩu”, ông David Lennarz cho biết, việc đầu tiên là nhà nhập khẩu của Mỹ phải trình các chứng cứ cho FDA thấy rằng sản phẩm không vi phạm để chuyến hàng có thể được thông quan.

Quy trình này sẽ được lặp lại cho tất cả các chuyến hàng tiếp theo khi “cảnh báo nhập khẩu” vẫn còn hiệu lực.

Tiếp đó, DN xuất khẩu cần cung cấp được đủ bằng chứng cho FDA thấy rằng không còn rủi ro hoặc có đủ bằng chứng bảo đảm những vấn đề đã được thay đổi, ngăn ngừa cùng với việc tối thiểu có 15 - 20 chuyến hàng tiếp theo không vi phạm.

Ông David khuyến cáo, các DN Việt Nam cần hết sức chú ý ghi rõ trên nhãn hàng đầy đủ thông tin về khẩu phần, danh sách nguyên liệu, những chất béo chuyển vị và chất gây dị ứng có trong sản phẩm, thông tin nhà sản xuất cũng như quốc gia xuất xứ của sản phẩm…

Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, phân biệt được các sản phẩm gần giống nhau.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương giữa 2 nước (BTA) chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng liên tục với tốc độ cao từ 452 triệu USD năm 1995 lên 1,51 tỷ USD năm 2001 (năm BTA có hiệu lực) và đạt 37,9 tỷ USD năm 2015 (tăng 24,5% so với năm 2014 và 25 lần so với năm 2001).

Cũng trong năm 2015, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đạt 7,07 tỷ USD đạt thặng dư thương mại hơn 30,9 tỷ USD.

Năm 2015, Việt Nam vươn lên xếp thứ 19 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ (tính gộp cả cán cân xuất khẩu và nhập khẩu) tại cùng thời điểm này năm 2014, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí số 27. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào danh sách 20 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Việt Nam hiện nay cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 13 vào thị trường Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chính hiện nay sang Mỹ vẫn là những mặt hàng truyền thống như dệt may (chiếm hơn 35%), máy móc điện tử và linh kiện (25,4%), giày dép (13,5%), đồ gỗ nội thất (12%)…

>45 doanh nghiệp cá tra Việt đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ

>Việt Nam - thị trường xuất khẩu chiến lược của Hàn Quốc

>8 tháng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
31 doanh nghiệp và mặt hàng Việt Nam bị "cảnh báo nhập khẩu" tại Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO