295 triệu USD nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp cảnh báo rủi do thương mại

Nam Phương| 05/08/2019 06:00

Trong hơn 1,44 tỷ USD giá trị gỗ nhập khẩu về Việt Nam, giá trị nhập mặt hàng này từ Trung Quốc đạt 295 triệu USD, chiếm hơn 20,5% thị phần và là nhà cung cấp gỗ lớn nhất cho Việt Nam. Đây là thông tin được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong báo cáo thị trường nông sản tháng 7/2019.

295 triệu USD nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp cảnh báo rủi do thương mại

Phá hoại sản xuất, phá hoại thương hiệu, trục lợi tiền ngân sách

Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua có tình trạng doanh nghiệp tại Việt Nam (trong đó có doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông) nhập khẩu lượng lớn gỗ, sản phẩm gỗ thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó về Việt Nam chỉ gia công thô sơ hoặc không gia công, xuất khẩu trực tiếp sang các nước khác (trong đó có Mỹ).

Việc này khiến Việt Nam trở thành bàn đạp, chỗ ẩn nấp của mặt hàng gỗ từ Trung Quốc né thuế của Mỹ, khiến nguy cơ Việt Nam bị phía Mỹ điều tra, áp thuế, ảnh hưởng đến ngành gỗ Việt Nam và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngoài việc phá hoại nền sản xuất, thương hiệu Việt, hành động của các doanh nghiệp gỗ còn được Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ rõ là trục lợi tiền ngân sách. Bởi vì hiện Việt Nam đang áp dụng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp mua nguyên liệu trong nước, chế biến, tạo giá trị gia tăng trong nước. Lợi dụng chính sách này, các doanh nghiệp nhập gỗ Trung Quốc, nhưng khai báo nhập trong nước để được hưởng hoàn thuế số tiền từ vài tỷ đến cả chục tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Cụ thể, doanh nghiệp nhập gỗ thành phẩm, bán thành phẩm, gỗ ép của Trung Quốc nhưng khai báo nhập khẩu gỗ của chủ rừng Việt Nam hoặc doanh nghiệp cung cấp gỗ tại Việt Nam…

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo: Để giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, "các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam cần được xác định các rủi ro về gian lận thương mại", Cơ quan của Bộ Nông nghiệp khuyến cáo. Theo cơ quan này, quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.

Chống tình trạng “đội lốt” hàng Việt

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) mới đây, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Đàm Thanh Thế đã trao đổi về tình hình đấu tranh với những thủ đoạn buôn lậu hàng cấm, hàng giả, gian lận xuất xứ, nhãn hiệu thời gian qua. Ông nhận định, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “made in Việt Nam” để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và thiệt hại người tiêu dùng.

Hàng lậu 70-80% là hàng giả, nhái các nhãn hiệu, các đội tượng làm giả nhái luồn lách các kẽ hở chính sách, thực hiện gian lận thương mại, do đó cơ quan quản lý đang tập trung xử lý quyết liệt các tụ điểm, ổ nhóm. Để khắc phục những kẽ hở chính sách, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi quy định về xuất xứ hàng Việt Nam tiêu thụ nội địa. 

“Thời gian tới, các cơ quan truyền thông cũng cần hỗ trợ tập trung nhiều thông tin giúp ích cảnh báo người tiêu dùng trong việc nhận biết tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng”, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường yêu cầu.

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, ông Đàm Thanh Thế cho biết: “Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành chống đối với chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục hoàn thiện, ban hành một số kế hoạch, quy định trọng điểm như kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo 389 sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
295 triệu USD nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp cảnh báo rủi do thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO