Xét xử Bạc Hy Lai: Phiên tòa cấp thượng tầng

LAM HỒNG| 27/08/2013 05:22

Xét xử cựu chính trị gia Bạc Hy Lai với những tình tiết của một vụ giết người, tham nhũng là bê bối chính trị lớn nhất tại Trung Quốc (TQ) trong nhiều thập kỷ qua.

Xét xử Bạc Hy Lai: Phiên tòa cấp thượng tầng

Xét xử cựu chính trị gia Bạc Hy Lai với những tình tiết của một vụ giết người, tham nhũng là bê bối chính trị lớn nhất tại Trung Quốc (TQ) trong nhiều thập kỷ qua.

Đọc E-paper

>> "Người phụ nữ quyền lực nhất TQ" sẽ thay thế Bạc Hy Lai?
>> Chân dung vợ cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai
>> “Hậu” Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đầm đìa nợ công
>> Bê bối gia đình Bạc Hy Lai: Bài học lớn
>> Bạc Hy Lai bị truy tố tội danh tham nhũng, lạm quyền

Nhạy cảm

Trước đây, TQ cũng từng có các phiên xử ở cấp thượng tầng khi vợ của Mao Trạch Đông phải ra tòa sau cái chết của chồng. Trong thập niên 1990, Thị trưởng Bắc Kinh và là ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng và bị án 16 năm tù. Còn Trần Lương Vũ, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bị kết án 18 năm tù vào năm 2008 vì tham nhũng và lạm dụng chức quyền.

Bạc Hy Lai cũng là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất ở TQ và từng được xem như ngôi sao đang lên trên chính trường khi được nhắm chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Theo truyền thông quốc tế bình luận, với tầm ảnh hưởng và sự kịch tính của vụ bê bối này, các nhà lãnh đạo hàng đầu TQ đã quyết định chọn Tế Nam - một trong những thành phố yên bình nhất để tiến hành xét xử.

Tế Nam là thành phố cách thành phố Trùng Khánh 1.200km và cũng cách xa những nơi khác mà ông Bạc từng làm lãnh đạo. Chọn Tế Nam là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đã đạt một thỏa hiệp về trường hợp nhạy cảm có ảnh hưởng đến một trong những thành viên cao cấp nhất trong Đảng trong nhiều thập kỷ qua.

Sẽ không dễ dàng cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Thường vụ Bộ Chính trị để đưa ra các quyết định xử phạt Bạc. Bởi vì, ông Bạc được xếp vào diện "thái tử đỏ”, con trai của Bạc Nhất Ba, một trong "bát đại nguyên lão" sáng lập nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Do các chính sách của ông mang tính tích cực ít nhất đối với cư dân Trùng Khánh và Đại Liên, nên Bạc Hy Lai vẫn được lòng một bộ phận dân chúng.

Bên ngoài tòa án, trong số những người dân tụ tập, có những người ủng hộ ông Bạc đến từ Trùng Khánh với biểu ngữ "Kinh nghiệm của Trùng Khánh rất tốt cho đất nước và nhân dân, người dân muốn thịnh vượng cho tất cả mọi người". Nhiều người trong số này cho rằng Bạc Hy Lai là nạn nhân của một cuộc đấu tranh giành quyền lực.

Nhưng dư luận TQ cũng cho rằng vụ xử Bạc Hy Lai là một ví dụ của nguyên tắc "quân pháp bất vị thân", chuyển thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Đảng Cộng sản TQ trong cuộc chiến chống tham nhũng. "Tuy nhiên, thật khó tưởng tượng được rằng bản án đã không được quyết định từ trước. Phiên tòa xét xử một người quan trọng như Bạc Hy Lai không phải là chuyện để cho các thẩm phán quyết định", ông Steve Tsang, giáo sư nghiên cứu về TQ tại Đại học Nottingham, nhận định.

Ám ảnh "tẩu tư phái"

Ông Bạc đã bị cáo buộc nhận hối lộ khoảng 25 triệu nhân dân tệ (4 triệu USD), khi còn quản lý thành phố phía đông bắc của Đại Liên giai đoạn 1988-2000. Ông cũng bị buộc tội lạm dụng quyền lực để ngăn chặn vụ điều tra về cái chết của một doanh nhân người Anh có liên quan tới vợ và con trai của Bạc. Cáo trạng không đề cập đến cáo buộc trước đó mà truyền thông TQ đưa tin như việc sử dụng tra tấn đối với nghi phạm trong chiến dịch chống lại tội phạm có tổ chức ở Trùng Khánh hoặc nghe lén điện thoại của các quan chức cấp cao.

Trước phiên tòa, dư luận còn hồ nghi về một cuộc mặc cả của vợ chồng Bạc để đối lấy sự an toàn cho người con đang du học tại Anh. Tuy nhiên, phiên tòa đã gây ngạc nhiên khi cựu Bí thư Trùng Khánh đã kiên quyết bác bỏ tất cả những bằng chứng chống lại ông. Theo Willy Lam, một giáo sư trợ giảng tại Đại học TQ của Hồng Kông: "Đây có lẽ là nỗ lực cuối cùng của ông Bạc để bảo vệ tương lai chính trị của mình với hy vọng sẽ trở lại chính trường".

Lịch sử TQ từng chứng kiến Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cải cách kinh tế TQ, cũng từng bị thanh trừng nhiều lần dưới thời Mao Trạch Đông, nhưng vẫn tìm cách quay lại chính trường. Chính cha của ông Bạc là Bạc Nhất Ba, hoạt động cùng thời với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, nắm giữ những chức vụ cao cấp trong thập niên 1980 và 1990, cũng từng bị tống giam và tra tấn trong thời Cách mạng văn hóa vì bị cáo buộc là "tẩu tư phái" (chịu áp lực của tư sản và có thiên hướng đưa cách mạng theo con đường tư bản chủ nghĩa).

Bạc Hy Lai

Trong khi đó, Joseph Cheng, Giáo sư chính trị học tại Đại học City University Hong Kong, nhận định rằng phiên tòa này không nhất thiết đem lại công lý, mà chỉ là một dàn xếp. Theo giáo sư này, Bạc Hy Lai bị trừng phạt khi cổ xúy "mô hình Trùng Khánh" và tìm cách lấy lòng dân chúng đi theo con đường dân túy mang màu sắc của Mao. Chính sách này có nguy cơ khiến TQ phải kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế hiện tại, thay đổi mô hình phát triển hiện tại.

Trong khi đó, ông Bạc có kế hoạch biến Trùng Khánh, một thành phố lớn có 32 triệu dân thuộc tỉnh Tứ Xuyên, thành một thành trì mới của chủ nghĩa Mao khi ông nỗ lực làm sống dậy các bài ca thịnh hành trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Họ Bạc muốn dùng Trùng Khánh làm bàn đạp để vận động chân ủy viên Thường trực Bộ Chính trị vào dịp đại hội thứ 18.

Trong ba thập niên qua, TQ đang đi theo chính sách của Đặng Tiểu Bình, theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế để trở thành siêu cường. Nhưng trong nội bộ lãnh đạo cấp cao vẫn có những quan điểm cho rằng chính sách này đang đi quá đà và biến TQ thành một nền kinh tế tư bản, phân chia giai cấp sâu sắc. Nhóm này muốn quay trở lại nhiều chính sách thời Mao, chú trọng tính quân bình chủ nghĩa... Nhóm này hiện nay trở thành một lực lượng chính trị có khả năng tranh chấp quyền lãnh đạo.

Thậm chí, để cân bằng quyền lực và không chia rẽ nội bộ, trong việc bầu thế hệ lãnh đạo mới, Hồ Cẩm Đào cũng đã bố trí Lý Khắc Cường có khuynh hướng dân sinh bên cạnh Tập Cận Bình để làm yên lòng dư luận. Tuy nhiên, thế lực và ảnh hưởng của họ Bạc thực sự là điều lo ngại cho những người không muốn quay trở lại học thuyết Maoist.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xét xử Bạc Hy Lai: Phiên tòa cấp thượng tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO