Vì sao Trung Quốc hay sao chép ý tưởng?

VÂN THẢO| 03/06/2015 04:13

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc chọn cách sao chép sản phẩm nước ngoài bởi họ biết chắc chắn chúng sẽ mang lại thành công.

Vì sao Trung Quốc hay sao chép ý tưởng?

Thực tế trong thế giới phẳng cho thấy việc sao chép ý tưởng / sản phẩm của người khác và cải tiến để chúng trở nên tốt hơn là con đường an toàn và dễ dẫn tới thành công. Trung Quốc là một dẫn chứng rõ ràng cho điều này.

Trong bối cảnh các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Trung Quốc nhiều như "nấm mọc sau mưa", người nghĩ ra ý tưởng thường không thành công bằng người tận dụng chúng một cách tốt nhất.

Tác giả C.Custer của trang Tech in Asia nhận định, tại thị trường Trung Quốc, việc trở thành người tiên phong thậm chí còn là một điều bất lợi mà trong đó Fantou là ví dụ điển hình.

Fantou là trang tiểu blog (microblogging) đầu tiên tại Trung Quốc. Khi mới ra mắt, nó đã đánh bại tất cả các đối thủ cả trong và ngoài nước trên thị trường. Sau một thời gian hoạt động rầm rộ, website này đã bị buộc phải đóng cửa khi Chính phủ nước này lo ngại tiềm năng phát triển của mô hình trên có khả năng lan truyền những quan điểm bất đồng và chống đối nhà nước.

Rủi ro Fantou lại trở thành cơ hội cho một số công ty khác như Sina và Tencent. Họ đã tranh thủ thời gian cải tiến sản phẩm của Fantou, đồng thời thuyết phục Chính phủ Trung Quốc gạt bỏ mối lo lắng không đáng có.

Kết quả là sau một thời gian, khi những quy định của chính phủ đã rõ ràng và Fantou được cấp phép hoạt động trở lại thì mọi thứ lại trở nên quá muộn: Các đối thủ cạnh tranh của hãng đã cho ra đời những dịch vụ cao cấp hơn, như Sina Weibo chẳng hạn.

“Nếu có một công ty khác cùng làm lại một ý tưởng, ra mắt muộn hơn vài tháng nhưng lại có những trải nghiệm tốt hơn thì họ mới là người chiến thắng”, C.Custer khẳng định.

Rất nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc chọn cách sao chép sản phẩm của các hãng phương Tây, bởi họ biết chúng sẽ mang lại lợi nhuận.

Bởi hệ sinh thái internet của nước này vốn kém phát triển hơn ở Mỹ nên việc bắt chước những công ty công nghệ thành công của Mỹ giống như nhìn vào tương lai của Trung Quốc: Một mô hình thành công ở Mỹ hoàn toàn có khả năng áp dụng tại Trung Quốc.

Hội thảo"Tập huấn về Không gian Chính sách và Phát triển Công nghiệp” tổ chức ở TP.HCM, ông Rick Rowden – đại diện của Tổ chức quốc tế chống đói nghèo tại Việt Nam (Actionaid Việt Nam – AAV) chia sẻ: "Việc “sao chép một cách bất hợp pháp” những sản phẩm mang tính trí tuệ thực ra là một giai đoạn của quy trình sản xuất. Ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Singapore,… cũng từng tìm tòi, học hỏi bằng cách “mượn tạm” công nghệ của nhau trước khi Quyền sở hữu trí tuệ (IPRs) được ban hành".

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng chưa có bất kỳ công ty công nghệ nào nhái hay sao chép nguyên gốc sản phẩm lại thành công tuyệt đối tại Trung Quốc.

Lý do không khó nhận ra của điều này là người dùng mỗi nước có thói quen và mong muốn khác hẳn với các quốc gia khác.

Vì vậy, các công ty Trung Quốc "mượn" ý tưởng / sản phẩm từ những ở các hãng công nghệ Mỹ phải thay đổi ít nhiều để phù hợp "khẩu vị" của người dùng trong nước.

Sina Weibo là một ví dụ. Tại thời điểm vừa ra mắt, nó bị gọi là "bắt chước" Twitter (giống như Fantou ngày trước). Tuy nhiên thực tế, sản phẩm này đã phải cải tiến rất nhiều mới trở thành dịch vụ thành công nhất hiện nay, bao gồm: Tạo ra 10 biểu tượng mang ý nghĩa Trung Quốc, cho phép bình luận trực tiếp trên các dòng tweet để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm nhiều hơn của khách hàng,…

“Từ việc sao chép những sản phẩm công nghệ cao của các nước phát triển, các công ty ở nước kém phát triển hơn sẽ nghiên cứu, phát triển chúng với chi phí thấp nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cách làm này vốn là một phần trong quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm ở nhiều nước trên thế giới”, ông Rowden cho biết.

>Công nghệ rẻ từ Trung Quốc: đâu là điểm dừng?

>Rò rỉ thông tin qua thiết bị cá nhân

>Vì sao Wikileaks có nhiều thông tin nhạy cảm?

>Samsung: "Apple cũng sao chép để tạo ra iPad"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Trung Quốc hay sao chép ý tưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO