Vì sao Trung Quốc chưa tham gia TPP?

25/09/2012 05:28

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ thiết lập môt nền tảng toàn diện về pháp lý, thúc đẩy quá trình hội nhập và tạo môi trường bền vững cho hoạt động thương mại của khu vực và quốc tế. Nhưng sự vắng mặt của Trung Quốc đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Vì sao Trung Quốc chưa tham gia TPP?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ thiết lập môt nền tảng toàn diện về pháp lý, thúc đẩy quá trình hội nhập và tạo môi trường bền vững cho hoạt động thương mại của khu vực và quốc tế. Nhưng sự vắng mặt của Trung Quốc đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Sự vắng mặt của "người khổng lồ"

Khởi đầu với chỉ ba quốc gia (New Zealand, Singapore và Chile) vào năm 2002, TPP hiện nay đã nhận được sự quan tâm của tất cả các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương. Đặc biệt, nền kinh tế dẫn đầu thế giới - Hoa Kỳ cũng đang tham gia vào quá tình đàm phán xây dựng TPP.

Tuy nhiên, một sân chơi lớn đầy tiềm năng như TPP lại vắng bóng gã khổng lồ Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á và là "công xưởng" lớn nhất của thế giới.

TPP là một cấu trúc hợp tác kinh tế hoàn toàn mở, mà bất kỳ một quốc gia nào đáp ứng được những yêu cầu của nó đều có thể gia nhập. Hiệp định này hướng đến xóa bỏ những rào cản thương mại và đầu tư, không chỉ về thuế quan và hàng rào kỹ thuật, mà còn ở các vấn đề minh bạch hóa đầu tư công, luật sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, quy hoạch nguồn lao động...

Ngoài Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ - Hàn được ký kết vào ngày 15/3 vừa qua, hiếm có một khuôn khổ hợp tác kinh tế nào đặt ra những đòi hỏi mang tính toàn diện cao như TPP. Những khuôn khổ mà TPP mong muốn đạt đến, theo như nhận định của nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Schott, "khó lòng được Trung Quốc được chấp nhận".

Bài phỏng vấn học giả Zhu Wenhui, đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 28/5/2012, đã đưa ra quan điểm xem TPP như một "mạng lưới quyền lực mềm mà Hoa Kỳ đang phủ quanh Trung Quốc".

Theo học giả này, với vị thế là đối tác lớn nhất trong Hiệp định, Hoa Kỳ đang phát triển TPP thành một tổ chức có sức ảnh hưởng cao trong khu vực; đồng thời chịu sự chi phối lớn từ phía Hoa Kỳ. Qua đó, học giả này đưa ra lời cảnh báo, những áp lực trong tương lai về hợp tác kinh tế khu vực sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP và sẽ bị kìm hãm trên nhiều lĩnh vực thông qua những khuôn khổ ràng buộc và luật chơi do Hoa Kỳ đặt ra.

Cũng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, số đăng ngày 30/7/2012, tác giả Zhou Zhongfei đã đưa ra nhận định về TPP như một phần trong chiến dịch "trở lại Châu Á" của Washington. Người viết lập luận rằng, TPP sẽ góp phần cân bằng vị thế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với nền kinh tế châu Á, gây ảnh hưởng lên quá trình hội nhập kinh tế của châu Á, buộc nền kinh tế này sát nhập vào khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đang chi phối.

Bên cạnh đó, với việc mời Đài Loan gia nhập vào TPP. Qua đó, kéo người đồng minh Đài Loan trở lại gần hơn với Hoa Kỳ. Giới chức Đài Loan cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia vào TPP nếu "không muốn bị bỏ lại và đánh mất lợi thế cạnh tranh". Có thể nói, trong tương lai, TPP sẽ là một thách thức lớn đối với vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế khu vực.

Trung Quốc giữ sân chơi châu Á

Tuy nhiên, theo nhận định của một học giả, mặc dù không tham gia vào TPP, Trung Quốc vẫn đang khẳng định vị thế trung tâm trong mọi hoạt động thương mại tại châu Á". Những yếu tố về địa lý và tiềm năng của thị trường luôn là các tác nhân chi phối mọi hoạt động thương mại của một châu Á đang phát triển. Với các lợi thế về vị trí, lãnh thổ và sự năng động, Trung Quốc vẫn luôn giữ một lực hút khổng lồ đối với nền kinh tế các quốc gia trong khu vực.

Trong khoảng 20 năm trở lại, Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập những khuôn khổ hợp tác kinh tế nhằm khẳng định tiếng nói của mình trong khu vực, mà điển hình là Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) Trung Quốc - ASEAN chính thức có hiệu lực vào năm 2010.

Bắc Kinh cũng thông báo sẽ chính thức bước vào quá trình đàm phán ký kết FTA với các nền kinh tế lớn của khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm nay. Theo nhận định của học giả Yan Dong, công tác tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đây là nền tảng để Bắc Kinh "hướng đến việc thiết lập một Hiệp định Thương mại Tự do của Đông Á".

Sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các hoạt động kinh tế của Châu Á là quá rõ rệt. Điển hình là việc Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ và EU, nổi lên thành đối tác thương mại lớn nhất của cộng đồng ASEAN. Đến năm 2010, Trung Quốc đã chiếm gần 20% tổng giá trị trao đổi thương mại của khối các quốc gia ASEAN.

Tận dụng tối đa lợi thế về chi phí thấp và sự nhanh chóng trong vận chuyển hàng hóa, cùng với khả năng tiêu thụ hàng hóa cũng như năng lực sản xuất khổng lồ của mình, Trung Quốc đã thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia xung quanh với một tốc độ chóng mặt. Ngay cả với Ấn Độ, mặc dù Trung Quốc hiện nay vẫn chưa có một Hiệp định Thương mại Tự do song phương, nhưng cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của quốc gia này.

Mọi hiệp định hợp tác thương mại đều đòi hỏi ở các thành viên tham gia sự đánh đổi nhất định để đạt được thành công, vậy liệu chăng TPP sẽ là một "cái bẫy" kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc hay sẽ tạo điều kiện cho quốc gia này củng cố và phát triển vị thế của mình trong nền kinh tế khu vực? Lúc này đây, như lời của Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand - Murray McCully về khả năng Trung Quốc gia nhập TPP trong tương lai: "cánh cửa vẫn luôn để ngỏ". Chắc chắn, Trung Quốc vẫn đang xem xét kỹ lưỡng về "về những hệ lụy và tiềm năng của TPP, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tham gia vào khuôn khổ hợp tác này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Trung Quốc chưa tham gia TPP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO