Trường học nhận học phí bằng... rác thải nhựa

13/06/2019 05:27

Ngoài cặp sách và ba lô, mỗi sáng, học sinh đến trường Akshar, Ấn Độ còn mang theo những chiếc túi to, chứa toàn rác thải nhựa.

Trường học nhận học phí bằng... rác thải nhựa

Các học sinh mang theo rác thải nhựa đến trường tại Akshar.

Rác thải nhựa là một trong những vấn đề nhức nhối của Ấn Độ, với khối lượng thải ra hằng ngày lên đến 26.000 tấn. Tại nhiều nơi, như huyện Pamohi, bang Assam, người dân vẫn thường đốt rác để sưởi ấm trong những ngày mùa đông khắc nghiệt dưới chân núi Himalaya.

Song, ba năm trước, ngôi trường Akshar, do Parmita Sarma và Mazin Mukhtar sáng lập, đã khởi xướng một ý tưởng táo bạo. Đó là để phụ huynh trả học phí cho con bằng rác thải nhựa. 

Cùng nhau, Parmita và Mazin đã phát triển ý tưởng về một ngôi trường dành cho cộng đồng, với mục tiêu đào tạo các em học sinh thành những người đủ khả năng tự kiếm sống và có trách nhiệm với xã hội. Không giới hạn học sinh bằng chương trình giảng dạy cố định, Akshar luôn chú trọng thúc đẩy tư duy sáng tạo của học sinh.

Để khuyến khích các bậc phụ huynh khó khăn về kinh tế gửi con đến trường thay vì đưa chúng đến làm việc trong các mỏ đá, Akshar đã cho phép phụ huynh học sinh nộp rác thải nhựa thay cho học phí. Mỗi học sinh được yêu cầu mang đến ít nhất 25 món rác thải/tuần.

Link bài viết

Đồng thời, học sinh lớn có thể dạy cho học sinh nhỏ tuổi hơn và nhận tiền đồ chơi từ trường. Càng học lên, mức tiền này càng cao. Hiện tại, Akshar có hơn 100 học sinh.

Việc chấp nhận rác thải nhựa thay học phí không chỉ giúp tạo hiệu ứng tích cực với môi trường, mà còn cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình, góp phần xóa nạn sử dụng lao động trẻ em tại các mỏ đá.

“Ở những mỏ đá, các em được trả 150 - 200 rupee/ngày (khoảng 2,5 USD). Chúng tôi không thể trả cao như thế, thay vào đó, chúng tôi đề xuất mô hình dạy một kèm một, nơi những em lớn sẽ kèm các em nhỏ và nhận tiền đồ chơi có thể dùng để mua quần áo, giày dép, quà bánh, đồ chơi” - cô Parmita cho biết.

Như vậy, gia đình có thể cho con dành thời gian ở trường lâu hơn. Bên cạnh học cách quản lý tiền bạc, học sinh còn hiểu được học tốt sẽ giúp mang lại nhiều tài chính hơn.

Mặc dù Akshar được vận hành chủ yếu bằng các khoản đóng góp hảo tâm, song việc nhận học phí bằng rác thải nhựa đã giúp cho cộng đồng tại đây gắn bó hơn với ngôi trường, với ý nghĩa rằng, họ cũng đang đóng góp một phần vào việc học của con em.

Theo Phó hiệu trưởng Priyongsu Borthakur, học sinh bắt đầu thu gom rác thải nhựa trong vùng từ cuối năm ngoái, phân loại và tái sử dụng chúng theo nhiều cách. Ý tưởng của nhà trường là giúp các em biết cách sống thân thiện với môi trường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trường học nhận học phí bằng... rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO