Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu chip AI vào ngày 15/5
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét bãi bỏ một số quy định kiểm soát xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) từng được ban hành dưới thời Tổng thống Joe Biden, với mục tiêu tái định hình chính sách thương mại toàn cầu trong ngành bán dẫn.
Các quy định hiện tại, đặc biệt là quy tắc “phân tán AI” (AI diffusion rule), đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều tập đoàn công nghệ lớn và chính phủ các quốc gia đối tác. Họ cho rằng các biện pháp này gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm suy giảm hợp tác quốc tế và cản trở đổi mới công nghệ.
Theo thông tin từ Bloomberg, quy tắc “phân tán AI”, dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/5/2025 sẽ không được thực thi. Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Trump đang soạn thảo một khuôn khổ mới, tập trung vào đàm phán song phương với các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi.
Được công bố vào cuối nhiệm kỳ của chính quyền Biden, quy tắc “phân tán AI” phân loại thế giới thành ba nhóm quốc gia nhằm kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến từ các công ty Mỹ như Nvidia. Mục tiêu là hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ AI thông qua các quốc gia trung gian, đồng thời yêu cầu các nước đối tác phải đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt.
Quy định này đặt ra giới hạn xuất khẩu cho các nước như UAE và Ả Rập Saudi, vốn đã cần sự phê duyệt từ phía Mỹ kể từ năm 2023, đồng thời mở rộng phạm vi kiểm soát sang nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Malaysia và Ba Lan.

Tuy nhiên, theo Bộ Thương mại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đánh giá rằng quy tắc hiện hành “quá rườm rà, mang tính quan liêu và làm suy yếu sức cạnh tranh công nghệ của Mỹ”.
Chính quyền mới dự kiến thay thế bằng một cơ chế đơn giản hơn, thúc đẩy đổi mới trong nước và bảo vệ vị thế dẫn đầu toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực AI. Cách tiếp cận này sẽ ưu tiên đàm phán song phương, cho phép các quốc gia thỏa thuận trực tiếp với Mỹ về quyền tiếp cận công nghệ chip, dựa trên các yếu tố đầu tư, quan hệ ngoại giao và thương mại.
Dù dự kiến hủy bỏ quy tắc “phân tán AI”, chính quyền Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Cả hai chính quyền Biden và Trump đều chia sẻ lo ngại rằng công nghệ chip và AI có thể bị khai thác cho mục đích quân sự. Gần đây, lệnh cấm bán chip H20 của Nvidia cho Trung Quốc đã gây tổn thất ước tính khoảng 5,5 tỷ USD cho doanh nghiệp này.
Việc không thực thi quy tắc nói trên mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia ngoài Trung Quốc, đặc biệt là các quốc gia đang tăng tốc phát triển năng lực AI nội địa như UAE và Ả Rập Saudi. Hai quốc gia này từng phản đối mạnh mẽ các hạn chế trước đây và hiện có thể tìm kiếm các điều kiện thuận lợi hơn thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp. Đáng chú ý, vấn đề chip AI dự kiến sẽ là trọng tâm trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump từ ngày 13 - 16/5/2025.
Trong khi đó, các quốc gia như Malaysia và Thái Lan có thể sẽ đối mặt với các hạn chế mới nếu bị nghi ngờ có hành vi chuyển hướng công nghệ sang Trung Quốc. Trong thời gian chuyển tiếp, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và duy trì các biện pháp kiểm soát hiện hành.

Động thái của chính quyền Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Nvidia - nhà sản xuất chip chủ lực phục vụ đào tạo mô hình AI từ lâu đã phản đối quy tắc “phân tán AI”, cho rằng các hạn chế này đẩy các quốc gia thứ ba xích lại gần Trung Quốc. CEO Jensen Huang từng dự báo rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường chip AI trị giá 50 tỷ USD trong vài năm tới và kêu gọi Washington nới lỏng chính sách.
Ngay sau thông tin từ Bloomberg, cổ phiếu Nvidia tăng 3,1%, trong khi chỉ số Bán dẫn Philadelphia – thước đo chính của ngành – tăng 1,7%. Nvidia khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh định hướng chính sách mới. Việc bãi bỏ quy tắc 'phân tán AI' sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho đổi mới, tạo việc làm chất lượng cao và hỗ trợ cán cân thương mại.”
Oracle Corp. cũng là bên hưởng lợi trực tiếp. Công ty này đang triển khai kế hoạch mở rộng trung tâm dữ liệu tại Malaysia, một quốc gia nằm trong danh sách bị kiểm soát theo quy tắc “phân tán AI”. Việc tạm dừng quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dự án này.
Tuy vậy, giới quan sát cảnh báo rằng việc đàm phán song phương với hàng chục quốc gia sẽ là một thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ hình thành một mạng lưới phức tạp các chính sách riêng biệt mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Ngoài ra, chính quyền Trump vẫn giữ nguyên lập trường kiểm soát chặt chẽ với các quốc gia bị nghi ngờ làm trung gian chuyển giao công nghệ.