Trung Quốc và những dấu hỏi trước thềm G20

THÁI BẢO| 31/08/2016 06:40

Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới là lúc Trung Quốc muốn tiếp tục chứng tỏ sức ảnh hưởng đối với thế giới, nhưng còn đó nhiều vấn đề khó xử mà Bắc Kinh phải đối diện.

Trung Quốc và những dấu hỏi trước thềm G20

Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới là lúc Trung Quốc muốn tiếp tục chứng tỏ sức ảnh hưởng đối với thế giới, nhưng còn đó nhiều vấn đề khó xử mà Bắc Kinh phải đối diện.

Đọc E-paper

Từ ngày 31/8, thành phố Hàng Châu của Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc họp quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20. Trong đó trọng tâm sẽ là ngày 4 và 5/9, thời điểm diễn ra cuộc họp giữa các lãnh đạo G20, gồm nhiều nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi...

Tham vọng quản trị toàn cầu

Là một trong những nước sáng lập G20 từ năm 1999, Trung Quốc không giấu tham vọng tận dụng cuộc gặp gỡ của lãnh đạo, quan chức tài chính và ngân hàng này để gia tăng sức ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu. Tân Hoa xã ngày 25/8 đăng bài bình luận về G20, khẳng định dù kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn trước, nhưng vẫn giữ ở mức 6,7% trong nửa đầu năm 2016. Quan trọng hơn, với hàng loạt chương trình lớn, điển hình là sáng kiến "một vành đai, một con đường", Trung Quốc tiếp tục cho thấy vai trò quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.

Vai trò trong quản trị kinh tế toàn cầu cũng chính là điều mà Trung Quốc đang muốn sử dụng để gia tăng sức ảnh hưởng tại G20 năm nay. Bài viết ngày 19/8 trên Open Canada (Canada) chuyên về quan hệ quốc tế khẳng định, từ sau khi góp công chống lại đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc bắt đầu bước vào "giai đoạn trọng tâm trong quản trị kinh tế toàn cầu", tức phối hợp giữa các chính phủ, dùng quy chế quốc tế để cùng giải quyết các vấn đề của từng nước, mà bản thân nước đó khó làm được.

Như vậy, năm 2016 với những biến động lớn chính là thời cơ và thách thức cho tham vọng làm "anh cả” của Trung Quốc. Lấy ví dụ từ việc Liên hiệp Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của cả Anh lẫn EU, nên sự chia rẽ này sẽ tác động rất lớn tới kinh tế thế giới và châu Âu nói riêng.

Dự kiến Trung Quốc cũng sẽ chủ trì những cuộc thảo luận về chính sách kinh tế xoay quanh giá dầu đã bị ảnh hưởng không nhỏ của việc hai lần trong năm ngoái Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Né tránh nhiều vấn đề

Hãng tin Bloomberg ngày 24/8 cho rằng cách Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự và tài chính cũng một phần nhằm né tránh các vấn đề của chính họ. Bắc Kinh một mặt muốn chứng tỏ sức ảnh hưởng trong quản trị toàn cầu, một mặt lại "hở sườn" chính trong những vấn đề ấy.

Trung Quốc có vẻ tự tin là nền kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng các chính sách cải cách kinh tế của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn về lâu dài, chưa kể cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ dẫn tới nhiều biến động trong nội bộ nước này.

Sức mạnh của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới là điều Trung Quốc muốn chứng tỏ, bằng cách "thay da đổi thịt" thành phố Hàng Châu - nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh G20, đồng thời cho ngưng việc sản xuất thép ở nhà máy cách đó 300km. Theo báo Financial Times (Anh), động thái này nhằm ngăn bớt sự ô nhiễm mà ngành công nghiệp Trung Quốc mang lại, tuy nhiên việc ngưng sản xuất cũng sẽ hứa hẹn một đợt tăng giá thép đáng kể vào cuối năm nay. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn "khó ăn khó nói" với các cáo buộc bán phá giá thép.

Vấn đề quan trọng về mặt đối ngoại của Trung Quốc rất có thể là Biển Đông. Hồi đầu tháng này, báo chí Ấn Độ rộ tin Trung Quốc đã cố thuyết phục Thủ tướng Nerendra Modi không đề cập tới vấn đề Biển Đông tại G20, nhưng chuyên san The Diplomat cũng như giới quan sát nhìn nhận  New Delhi sẽ không thỏa hiệp.

Biển Đông và những quy tắc ứng xử quốc tế - một phần của quản trị toàn cầu, chính là điểm yếu của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng lãnh thổ. Yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc đã bị Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ, gây bất lợi cho Bắc Kinh. Việc Trung Quốc tiếp tục không chấp thuận quyền tài phán của PCA đã khiến họ mất uy tín trên trường quốc tế.

Tại G20 tới đây, các động thái của Mỹ, EU hay Ấn Độ về phán quyết trên sẽ là tâm điểm để đo lường mức độ đóng góp của Trung Quốc vào các vấn đề quốc tế.

>BRICS kêu gọi G20 tăng cường hợp tác kinh tế

>G20: Khi cuộc họp trở thành “cuộc thảo luận suông"

> G20 giữ cam kết tăng trưởng GDP toàn cầu 2% năm 2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc và những dấu hỏi trước thềm G20
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO