Tiền chảy về châu Á

THANH TÂM| 01/10/2009 07:24

Danh sách xếp hạng các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới cho thấy sự rượt đuổi ngoạn mục của những thành phố mới nổi tại châu Á.

Tiền chảy về châu Á

Danh sách xếp hạng các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới cho thấy sự rượt đuổi ngoạn mục của những thành phố mới nổi tại châu Á.

Theo kết quả bầu chọn của Z/Yen Group, London là trung tâm tài chính số một thế giới, vượt lên trên New York. Bên cạnh khảo sát của các chuyên gia tài chính toàn cầu, Z/Yen Group còn đưa ra đánh giá này dựa trên những tiêu chí: văn phòng cho thuê, sân bay, thuế của thành phố. Theo đó, London đứng đầu các trung tâm tài chính thế giới với 790/1.000 điểm, New York hạng nhì với 744/1.000 điểm.

Mặc dù vậy, cả hai thành phố này đang dần bị các trung tâm tài chính châu Á qua mặt. Trong lần công bố gần đây nhất, Hồng Kông tăng vọt 45 điểm (729/1.000 điểm) và Singapore tăng 32 điểm, lên mức 719/1.000 điểm, giữ hai vị trí 3 và 4. Tiếp sau đó, Thâm Quyến đứng thứ 5 với 695 điểm, Tokyo và Thượng Hải lần lượt đứng thứ 7 và thứ 10 với 674 và 655 điểm.

Cuối năm ngoái, City of London còn công bố một báo cáo về sức mạnh của những thành phố tài chính đang lên tại châu Á đã, đang và sẽ đe dọa vương vị của London và New York. Hơn thế nữa, báo cáo còn khuyến nghị cơ quan tài chính cùng DN ở London và New York nên “kết thân” với châu Á để có lợi về sau. Thành quả của Hồng Kông là tất yếu sau những nỗ lực suốt 10 năm qua. Từ những năm 1990, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Tăng Âm Quyền đã nghiên cứu chiến lược phát triển công nghệ thông tin cho thị trường tài chính.

Nhóm 10 thành phố là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới: London, New York, Hồng Kông, Singapore, Thâm Quyến, Zurich, Tokyo, Chicago, Geneva và Thượng Hải.

Ông Tăng đã nhìn thấy hạ tầng kỹ thuật, công nghệ truyền thông hiện đại là nền tảng cho tương lai. Theo đó, ông đã kêu gọi chính quyền chống quan liêu, chung tay hợp lực với DN tư nhân để xây dựng thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, mạng lưới an ninh ngân hàng... làm tiền đề phát triển kinh tế. Sau khi ổn định hạ tầng cơ sở, Hồng Kông kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, xóa bỏ những rào cản tài chính để tiền tệ lưu hành rộng rãi. Và vài năm trở lại đây, khi 70 trong 100 ngân hàng hàng đầu thế giới đặt văn phòng tại xứ mình, Hồng Kông ngày càng vững tiến...

Trong khi đó, điểm mạnh của đảo quốc Singapore là kinh doanh dầu, sản phẩm ngành năng lượng và tiền tệ. Người lao động Singapore có thể nói tiếng Anh, Trung Quốc, Malaysia và nhiều ngôn ngữ khác. Đó cũng là một trong những điểm thu hút các công ty đối tác. Một trung tâm tài chính nổi bật khác của châu Á là Tokyo, với thị trường trái phiếu và cổ phiếu lớn nhất khu vực. Tuy có nền tảng vững chắc, nhưng do trì trệ suốt 15 năm nay, Tokyo ngày càng mờ nhạt, mất dần những lợi điểm...

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một xu hướng nổi bật hiện nay là sự dịch chuyển hoạt động kinh doanh tài chính hướng tới các thị trường đang phát triển nhanh, đặc biệt tại châu Á. Các thị trường này chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các trung tâm tài chính hàng đầu của châu Âu và Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, tính cạnh tranh của các thành phố châu Á lại tăng nhanh "một cách đáng ngạc nhiên" cả về tốc độ và quy mô. Các chuyên gia kinh tế đánh giá điểm mạnh nhất của châu Á là việc các trung tâm tài chính như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải... vừa cạnh tranh, vừa kết nối thành mạng lưới vững chắc, ngày càng phát triển.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền chảy về châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO