Thị trường hàng không: Trâu buộc ghét trâu ăn

MINH VŨ| 02/12/2011 00:03

Khi Air Asia mở đường bay giá rẻ đầu tiên trong khu vực vào năm 2001, mô hình kinh doanh dựa trên tính đơn giản và hiệu quả này đã thay đổi hoàn toàn tính kinh tế và môi trường cạnh tranh của lĩnh vực hàng không.

Thị trường hàng không: Trâu buộc ghét trâu ăn

Khi Air Asia mở đường bay giá rẻ đầu tiên trong khu vực vào năm 2001, mô hình kinh doanh dựa trên tính đơn giản và hiệu quả này đã thay đổi hoàn toàn tính kinh tế và môi trường cạnh tranh của lĩnh vực hàng không. Sự khác biệt giữa các hãng hàng không cung cấp dịch vụ đầy đủ và các hãng giá rẻ cũng theo đó ngày càng mờ nhạt.

Sau cuộc họp mới nhất của Hiệp hội Các hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), các chuyên gia nhận định sự đột phá, sáng tạo của các hãng hàng không châu Á hứa hẹn sẽ thay đổi ngành vận tải hàng không toàn cầu, trong khi những động thái phòng thủ của các hãng hàng không phương Tây sẽ tạo ra nhiều lực cản.

Điều quan trọng là những mẫu máy bay sản xuất ở phương Tây được đánh giá là có khả năng thay đổi diện mạo của ngành hàng không cũng đang có xu hướng chuyển về phương Đông.

Nếu như Singapore Airlines là hãng hàng không đầu tiên khai thác thương mại mẫu máy bay Airbus A380, thì mẫu 787 Dreamliner của Boeing chính là lựa chọn của Nippon Airways, hãng máy bay hàng đầu Nhật Bản.

Hầu hết các hãng hàng không phương Tây gặp khó khăn do tốc độ tăng trưởng hành khách đang chậm lại, cơ sở hạ tầng cũ kỹ và đợt biến động tài chính mới trên toàn thế giới.

Ngược lại, các hãng hàng không châu Á đang tăng trưởng hết sức nhanh chóng, chiếm một phần tư lượng vận tải hành khách toàn cầu và 40% tổng lượng hàng hóa chuyên chở.

Theo AAPA, các hãng hàng không của châu Á, không tính của Trung Quốc, đã vận chuyển 16 triệu hành khách vào tháng 9 vừa qua, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Ở thái cực ngược lại, các hãng hàng không châu Âu và Mỹ lại chứng kiến sự suy giảm nhu cầu vận chuyển đến 6,5% so với thời điểm tháng 9/2010.

Theo ông Andrew Herdman, Tổng giám đốc AAPA, các hãng liên doanh, đặc biệt là các liên doanh giữa mô hình truyền thống và giá rẻ, cũng hứa hẹn mang lại nhiều đột phá mới.

Đứng trước các quy định và biện pháp hạn chế của mỗi quốc gia về quyền sở hữu, các hãng hàng không lâu đời của châu Á đang noi theo mô hình thành công của Air Asia, mở ra nhiều thương hiệu mới nhằm chiếm lĩnh và mở rộng các thị trường mới nổi, trong đó bao gồm việc tung ra các tuyến bay đường dài giá rẻ đến các thành phố ở Mỹ và châu Âu, những đường bay từng do các hãng hàng không phương Tây thống trị.

Singapore Airlines, một trong những hãng hàng không cao cấp nhất thế giới, tháng 4 vừa qua đã cho ra đời một công ty con mang tên Scoot, chuyên khai thác các tuyến bay đường dài giá rẻ.

Không chịu thua kém, Thai Airways cũng thông báo về sự xuất hiện của Thai Smile, một hãng hàng không quốc tế giá rẻ chính thức hoạt động vào tháng 7/2012 nhằm lấp khoảng trống giữa hai phân khúc giá rẻ và cao cấp hiện nay.

Tuy nhiên, sự phát triển của hàng không châu Á đang đối mặt với rủi ro lớn từ chính sách bảo hộ của Mỹ và châu Âu.

Một số nước phương Tây như Đức, Áo và Anh đang nâng mức các loại thuế và phụ thu áp dụng cho lĩnh vực hàng không thông qua chiêu bài gọi đó là những hành động khuyến khích bảo vệ môi trường, nhằm khiến chi phí cho mỗi chuyến bay từ châu Á sang châu Âu trở nên đắt đỏ hơn.

Ngoài ra, các khoản phí “cấp phép du lịch” có hình thức tương tự visa nhập cảnh đang xuất hiện ngày một phổ biến tại Mỹ, quốc gia hiện miễn visa cho nhiều nước ở châu Á.

Hiện chi phí “cấp phép” này vào khoảng 14 USD, tuy không cao nhưng cũng khiến giá vé máy bay đắt đỏ hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến các hãng hàng không giá rẻ châu Á.

Trước động thái của Mỹ và châu Âu, một số nước châu Á đe dọa sẽ có những biện pháp đáp trả, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa lĩnh vực hàng không của phương Đông và phương Tây.

Thông qua tiếng nói của tổ chức đại diện AAPA, các hãng hàng không châu Á cho biết EU cần nhận thấy họ đang lạm quyền khi ban hành những khoản thuế mới kia.

“Thay vì dựng lên quá nhiều rào cản, quý vị cần nhìn nhận một thực tế rằng lĩnh vực hàng không chính là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo việc làm thông qua các dịch vụ lữ hành, du lịch,” ông Andrew Herdman cho biết.

Ông Brian Simpson, Ủy viên trong Ủy ban Giao thông thuộc Nghị viện châu Âu, cũng cảnh báo, những biện pháp này “là một trò chơi nguy hiểm” mà trong đó, “châu Âu và phần còn lại của thế giới đang bước vào xung đột, tiền đề của một cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực hàng không trong thời gian tới.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường hàng không: Trâu buộc ghét trâu ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO