Tái tạo năng lượng mặt trời: Sức nóng từ Trung Quốc

KIM THỦY| 18/04/2017 04:26

Các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu đang ngạt thở trước sức nóng đầu tư đến từ Trung Quốc.

Tái tạo năng lượng mặt trời: Sức nóng từ Trung Quốc

Các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu đang ngạt thở trước sức nóng đầu tư đến từ Trung Quốc.

Đọc E-paper

Trung Quốc hiện là cường quốc đứng đầu thế giới về nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời. Reuters dẫn báo cáo của Cục Quản lý năng lượng quốc gia (NEA) Trung Quốc ước tính, trữ lượng nguồn năng lượng mặt trời của nước này trong năm 2016 đã tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Bóng Trung Quốc đổ dài

Theo Bloomberg New Energy Finance, Trung Quốc được biết đến là nhà đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo trong nước với mức đầu tư 102 tỷ USD trong năm 2015 - cao gấp đôi so với số vốn đầu tư trong nước của Mỹ và gấp 5 lần so với Anh.

Diện tích lãnh thổ rộng lớn là một trong những lợi thế giúp Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp tương lai này. Hôm 13/3, Trung Quốc đã chi 890 triệu USD để xây dựng Công viên Năng lượng mặt trời Longyangxia trên cao nguyên Tây Tạng. Đây được xem là "cánh đồng" năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, trải rộng trên 27km2 với 4 triệu tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt.

Không dừng lại ở các khoản đầu tư trong nước, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Năm 2016, Bắc Kinh đã thông qua 13 dự án đầu tư nước ngoài trị giá hơn 1 tỷ USD, trong đó có hai khoản đầu tư tại Úc, hai tại Đức, hai tại Brazil và các giao dịch ở Chile, Indonesia, Ai Cập, Pakistan và Việt Nam.

Nếu như trước kia Đức tự hào là quốc gia tiên phong tạo ra thị trường pin năng lượng mặt trời thì nay "miếng bánh" này đang bị Trung Quốc chiếm lĩnh, khiến giá pin năng lượng trên thị trường rẻ đi rất nhiều. Sự đổi ngôi này khiến nhiều người dân, đặc biệt tại các nước phương Tây, không còn mặn mà với sản phẩm nội địa dù được hưởng mức giá trợ cấp từ chính phủ.

Được biết, hai phần ba sản lượng pin mặt trời hiện nay trên thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây cũng là quốc gia tiêu thụ một nửa lượng pin mặt trời mới. Do đó, "việc Trung Quốc kiểm soát thị trường này là điều hoàn toàn dễ hiểu", New York Times bình luận.

Thống kê cho thấy, chỉ trong 5 năm (từ 2007 - 2012), năng lực sản xuất năng lượng mặt trời tại Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần nhờ sự trợ giúp đắc lực của chính phủ. Hiện sáu trong 10 nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong giai đoạn 2012 - 2013, Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhiều lần cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá sản phẩm, buộc họ phải áp lệnh giới hạn nhập khẩu tấm pin mặt trời. Dù vậy, các quan chức chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc trên.

Huffington Post nhận định, năm 2017 sẽ là một năm hứa hẹn cho sự nhảy vọt của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, trước cơn bão tăng trưởng từ Trung Quốc, Patrick Pouyanné - Chủ tịch, Tổng giám đốc của công ty dầu khí khổng lồ Total (Pháp) nói ngành công nghiệp này "đang phải đối mặt với một mùa đông mới", theo CNBC.

>>Năng lượng mặt trời: Đói đầu tư

Vị đắng từ quả ngọt

Dưới góc độ môi trường, New York Times nhận định “sức nóng” từ năng lượng mặt trời Trung Quốc lại rất tốt cho thế giới. Cụ thể, giá pin năng lượng mặt trời đã giảm 90% trong hơn thập kỷ qua. Rất nhiều khoảnh sân ở các gia đình Mỹ cũng như nhà máy năng lượng điện mặt trời đang lắp đặt tấm pin năng lượng giá rẻ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với ngành năng lượng mặt trời, sự khuếch trương quy mô này đồng nghĩa với việc mở ra kỷ nguyên hàng giá rẻ và mất việc làm đối với nhiều người.

Cây bút Keith Bradsher từng đoạt giải báo chí Pulitzer có bài bình luận trên New York Times hôm 8/4 chỉ ra, các tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc chính là "hung thủ" giết chết hàng triệu việc làm ở Đức, Mỹ.

Keith phân tích, việc các nhà sản xuất Trung Quốc cắt giảm một phần tư giá pin mặt trời đã đẩy mức giá chung trên toàn cầu giảm mạnh. Các doanh nghiệp đối thủ ở Đức và Mỹ, vì không thể cạnh tranh nổi, đã tiến hành sa thải hàng loạt nhân công. Nhưng cũng nhờ vậy mà Trung Quốc lại trở thành nơi làm việc lý tưởng, thu hút 3,5 triệu trên tổng số 8,1 triệu việc làm trong ngành năng lượng sạch thế giới.

Báo Pháp Libération dẫn nhận xét của chuyên gia nghiên cứu Gabrielle Desarnaud thuộc Trung tâm Năng lượng thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI): "Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho phép Bắc Kinh thu hút nguồn nhân lực bị cắt giảm từ ngành than, đồng thời giảm bớt các khó khăn kinh tế mà quốc gia này đang phải đối mặt".

Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã đề xuất cắt giảm 40% trợ cấp đối với các dự án năng lượng mặt trời sau nhiều năm gia tăng đầu tư về công suất. Reuters dẫn tin từ Thời báo Chứng khoán Thượng Hải cho biết, Cơ quan Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) Trung Quốc đang vật lộn để trả hàng tỷ Nhân dân tệ trợ cấp cho các công ty điện tái tạo. Cũng trong năm 2016, các nhà phát triển phải đối mặt với khả năng thâm hụt 60 tỷ Nhân dân tệ do chính phủ nợ thanh toán trợ cấp.

Tuy khó khăn là thế nhưng các đối thủ phương Tây vẫn thấy các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc mạnh tay rót tiền cho các doanh nghiệp nước này, bất chấp khả năng thu hồi vốn cực kỳ thấp, theo New York Times. Trong giai đoạn 2016 - 2020 tới, Bắc Kinh cho biết sẽ trợ cấp cho các nhà sản xuất pin mặt trời bằng việc cho vay vốn ít nhất 18 tỷ USD với lãi suất thấp, đồng thời khuyến khích chính quyền địa phương trợ cấp đất giá rẻ nhằm mở rộng quy mô.

Bloomberg New Energy Finance dự báo, đến năm 2025, năng lượng mặt trời sẽ là lựa chọn tiết kiệm nhất và rẻ nhất toàn cầu. Đây sẽ là lợi thế vô cùng lớn đối với Trung Quốc khi năng lượng tái tạo đang là một trong bảy ngành công nghiệp được Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm trong chiến lược Made in China 2025. Rõ ràng, sức nóng từ năng lượng mặt trời Trung Quốc đang lan ra toàn cầu.

>>Israel xây tháp năng lượng mặt trời cao nhất thế giới giữa sa mạc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái tạo năng lượng mặt trời: Sức nóng từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO