Sức ép đủ đường chờ Triều Tiên

THÁI BẢO| 12/09/2017 01:37

Đợt thử nghiệm bom khinh khí (bom H) của Triều Tiên đã đẩy căng thẳng trong khu vực này lên một nấc thang mới. Đất nước của lãnh đạo Kim Jong-un có thể đối diện với sự cô lập khắc nghiệt hơn.

Sức ép đủ đường chờ Triều Tiên

Đợt thử nghiệm bom khinh khí (bom H) của Triều Tiên đã đẩy căng thẳng trong khu vực này lên một nấc thang mới. Đất nước của lãnh đạo Kim Jong-un có thể đối diện với sự cô lập khắc nghiệt hơn. 

Đọc E-paper

Không như lo ngại của giới quan sát, tuần trước Triều Tiên đã không phóng tên lửa nhân ngày quốc khánh 9/9 của nước này. Thay vào đó, lãnh đạo Kim Jong-un đã tươi cười trong một buổi tiệc lớn, được tổ chức để ăn mừng và nhân sự kiện thử nghiệm vũ khí hạt nhân thành công.

Gia tăng sức ép

Không khí vui vẻ tại Bình Nhưỡng dẫu sao cũng không thay đổi một sự thật rằng, sau lần thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu vừa qua, Triều Tiên đã tạo ra làn sóng phản đối mới nơi Mỹ và các đồng minh.

Mỹ đã yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 11/9 để quyết định các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Đây là một trong những biện pháp ngoại giao khẩn cấp Washington muốn sử dụng để phản đối Bình Nhưỡng, nhưng kết quả đi đến đâu thì còn phải chờ. Giới quan sát trước đó cũng có vẻ hoài nghi về kế hoạch đánh vào "yết hầu" của Triều Tiên, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ cho nước này.

Thực tế, chuyện Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân ngay sau quãng thời gian có vẻ "êm xuôi" với Mỹ và Hàn Quốc đã tạo ra một cú sốc. Khả năng về một cuộc đụng độ quân sự đã được nhắc tới rất nhiều sau lần Triều Tiên phóng tên lửa bay ngang lãnh thổ Nhật Bản, và đe dọa sẽ tấn công lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một dòng trạng thái trên trang Twitter đã khẳng định không xem việc đàm phán với Triều Tiên là một đáp án giải quyết vấn đề. Trung Quốc, trong khi đó đã phần nào tỏ ra cứng rắn hơn với Triều Tiên ít nhất là trên câu chữ.

Giữa lúc căng thẳng leo thang, lần đầu tiên sau thời gian dài người ta thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đả động trực tiếp tới tình hình Triều Tiên. Trả lời BBC cuối tuần qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Triều Tiên "hành xử liều lĩnh" và sẽ phải nhận sự phản đối toàn cầu trong đó có NATO. Tổ chức này hoàn toàn có thể kích hoạt Điều 5, cho phép các thành viên triển khai quân sự hỗ trợ nhau, tức là NATO có thể "tham chiến" nếu có đụng độ. Dù vậy theo ông Stoltenberg, đó không phải là điều ông nghĩ đến vào lúc này.

>>Những tín hiệu "lạ" từ lãnh đạo Triều Tiên

Nguy cơ cô lập rộng rãi

Dẫu thường xuyên có những tuyên bố bất nhất giữa ông Trump và các quan chức Nhà Trắng về Triều Tiên, có thể thấy chính sách của Washington lúc này vẫn là sử dụng các kênh ngoại giao để dồn Triều Tiên vào đường cùng - một hình ảnh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "không nên" để diễn ra.

Hôm 8/9, Philippines thông báo đã cắt quan hệ thương mại với Triều Tiên trong một động thái liên quan tới vụ thử nghiệm hạt nhân nêu trên. Manila vẫn là một trong những đối tác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) duy trì quan hệ với Bình Nhưỡng lâu nay. Việc cắt đứt quan hệ này cho thấy Triều Tiên đang ngày càng đối diện với sức ép lớn hơn, trong bối cảnh ASEAN vẫn mở một "cửa" với Triều Tiên, thể hiện qua việc các phái đoàn Triều Tiên vẫn tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) để hợp tác.

Trước đó một ngày, Mexico cũng tuyên bố đã yêu cầu Đại sứ Triều Tiên Kim Hyong Gil rời khỏi nước này "trong vòng 72 giờ", cũng lấy lý do Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Nhưng theo hãng tin Reuters, việc Mexico - một nước thường bỏ qua các mâu thuẫn ngoại giao - có thái độ cứng rắn với Triều Tiên như vậy, rất có thể là một biểu hiện có sự ảnh hưởng từ Mỹ. Mexico bị cho muốn thuyết phục Mỹ để chính quyền của ông Trump không rút khỏi hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trong khi Mỹ thường bị Trung Quốc và Nga phản đối về việc đơn phương trừng phạt Triều Tiên, những trường hợp như Mexico có thể là phương thức khéo léo để Washington dồn Triều Tiên vào thế phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Tầm ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh mạnh mẽ về kinh tế như Úc và Anh có thể tiềm ẩn nguy cơ cô lập ngày càng tăng cho Triều Tiên.

Tuần này, rất có thể người ta sẽ chứng kiến giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chốt quyết định về Bình Nhưỡng.

Lo lắng về một cuộc chạy đua vũ trang đang dần hiện rõ. Dư luận Hàn Quốc tuần trước đã kêu gọi nước này gia cố khả năng hạt nhân để ứng phó Triều Tiên, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ bán thêm vũ khí tinh vi cho Nhật và Hàn Quốc...

>>Bí ẩn thành quả kinh tế Triều Tiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức ép đủ đường chờ Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO