Sự khiêm nhường của "những gã khổng lồ" Mỹ tại Trung Quốc

04/08/2016 06:55

Đã qua rồi những ngày chỉ cần mang đến thứ gì mới mẻ là có thể thắng ở Trung Quốc”, Tom Birtwhistle – chuyên gia đến từ PricewaterhouseCoopers nói.

Sự khiêm nhường của

Cách đây không lâu, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ vẫn coi Trung Quốc là một “mỏ vàng”.

Đất nước này có 1,4 tỷ dân, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh và đặc biệt yêu thích văn hóa Mỹ, từ bộ phim Titanic hay Friends đến âm nhạc của Michael Jackson. Người Trung Quốc cũng có xu hướng cho rằng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ có chất lượng tốt hơn, cao cấp hơn.

Tuy nhiên, bức tranh này đang được vẽ lại mà đỉnh điểm là cuộc chiến giữa Uber và Didi Chuxing vừa ngã ngũ. Sau cuộc chiến đắt đỏ mà cả hai bên đều đã tiêu tốn hàng tỷ USD, CEO Travis Kalanick của Uber đã đồng ý bán Uber Trung Quốc cho Didi để đổi lấy một ghế trong hội đồng quản trị của công ty Trung Quốc. Thương vụ này được chốt chỉ 1 năm sau khi anh tuyên bố rằng Trung Quốc, thị trường đi chung xe lớn nhất thế giới, là mục tiêu quan trọng nhất của mình.

Nói cách khác, Kalanick đã phải đầu hàng.

>>5 lý do Uber "bán mình" tại Trung Quốc

Zennon Kapron – giám đốc điều hành của công ty tư vấn Kapronasia đã chỉ ra điểm yếu khiến Uber thất bại ở Trung Quốc. “Đối với tất cả các thị trường, Uber luôn dùng phương pháp tiếp cận khá kiêu căng ngạo mạn, từ coi thường miệt thị các quy tắc của những hãng taxi nội địa đến đe dọa của truyền thông. Tuy nhiên, chính thái độ này khiến Uber rất khó thành công ở Trung Quốc”.

Trường hợp của Uber có một điểm đặc biệt: để giành được thị phần, Uber phải vượt qua đối thủ vừa nhanh nhẹn lại vừa được hai ông lớn công nghệ là Alibaba và Tencent “chống lưng”, Didi Chuxing. Tuy nhiên, vụ này cũng phản ánh một thực tế mà hai ông lớn của thung lũng Silicon là Amazon và Apple đang phải đối mặt: Trung Quốc là một thị trường cạnh tranh rất khốc liệt và thị hiếu của người tiêu dùng ở đây luôn thay đổi chóng mặt.

“Đã qua rồi những ngày chỉ cần mang đến thứ gì mới mẻ là có thể thắng ở Trung Quốc”, Tom Birtwhistle – chuyên gia đến từ PricewaterhouseCoopers – nói.

Cũng đã qua rồi cái thời người tiêu dùng và các doanh nghiệp Trung Quốc hài lòng với những thứ không hoàn hảo. Quan sát cách mà Huawei, Xiaomi và Oppo đánh bại Apple có thể thấy thành công đến từ những tuyệt chiêu marketing và công nghệ không hề thua kém.

“Hãy nhìn vào những chiếc điện thoại thông minh: trước đây các nhà sản xuất Trung Quốc nổi tiếng với điện thoại giá rẻ nhưng có chất lượng tồi, còn bây giờ thì chúng vừa rẻ lại vừa có chất lượng tốt. Trong quá khứ họ thường gặp vấn đề với marketing còn bây giờ công nghệ làm thương hiệu cũng đã đuổi kịp phương Tây”.

Thung lũng Silicon đã trở nên tự mãn sau những thành công ở châu Âu, nơi Google đang chiếm vị trí số 1 và đang phải đối mặt với những cáo buộc độc quyền. Tuy nhiên, theo Duncan Clark, tác giả của cuốn Ngôi nhà mà Jack Ma đã xây nên, thì thị trường Trung Quốc là chuyện khác. Ở Trung Quốc, chính phủ sẵn sàng bảo vệ doanh nghiệp nội địa và buộc các công ty phải tuân theo các quy định của họ.

Thỏa thuận giữa Uber và Didi cũng khiến người ta nhớ lại thỏa thuận tương tự giữa Yahoo và Alibaba năm 2005. Ebay phải chứng kiến sự thất bại ở Trung Quốc khi Alibaba tìm được những cách tốt hơn để lôi kéo người tiêu dùng trong môi trường kém tin cậy, sử dụng bên thứ ba để thu tiền thay vì yêu cầu thanh toán trước. Google cũng phải ra đi năm 2010, thay vì chấp nhận những yêu cầu về kiểm soát nội dung của Bắc Kinh.

>>Rakuten, Alibaba và Amazon - "Cuộc chiến giữa các vì sao"

Nói một cách công bằng thì những ông lớn của thung lũng Silicon cũng không ra đi tay trắng. Dù thị trường ngày càng bão hòa và cạnh tranh gay gắt hơn, Apple đã bán được một lượng lớn sản phẩm ở Trung Quốc.

Thị phần của Apple bị thu hẹp dẫn đến lợi nhuận giảm, nhưng hãng cũng đã giành được khách hàng cho hệ sinh thái phần cứng, phần mềm và ứng dụng của mình, điều mà các đối thủ khó có thể làm được. Cũng nhờ Apple mà Foxconn và các nhà sản xuất khác có được hàng trăm nghìn việc làm. Đây là điểm cộng lớn trong mắt các nhà quản lý.

Vẫn có những lĩnh vực mà các công ty nước ngoài chiếm ưu thế, đặc biệt ở những thị trường mà vệ sinh an toàn thực phẩm và công nghệ tiên tiến đóng vai trò then chốt như sữa bột cho trẻ sơ sinh, ô tô, máy bay, bộ vi xử lý máy tính…

Trong khi Google, Yahoo, Ebay và Uber đã từ bỏ Trung Quốc hoặc giảm bớt tham vọng, một số hãng như Microsoft, Qualcomm và Apple vẫn đang kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc.

Facebook đã từng được phép hoạt động ở Trung Quốc, trước khi bị cấm năm 2009. Trong những năm gần đây, CEO Mark Zuckerberg đã lộ rõ tham vọng. Để thu hút được sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc, Zuckerberg học tiếng Trung, đăng hình chạy bộ xuyên qua màn sương mù khói bụi ở Bắc Kinh, đọc quyển sách do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết để hiểu thêm về đất nước này…

Tuy nhiên theo Kapron, tất cả những điều trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu như Facebook không đạt được thỏa thuận về kiểm duyệt nội dung. “Nếu không thì cậu ấy chỉ đang húc đầu vào tường mà thôi”, Kapron nói.

Quan trọng hơn, liệu người dùng Trung Quốc có cần đến Facebook khi mà họ đã có WeChat?

Sự nổi lên của các ông lớn công nghệ Trung Quốc không phải là điều gì mới. Andy Mok, giám đốc điều hành của Red Pagoda Resources ở Bắc Kinh, chia sẻ về chuyện khán giả Trung Quốc đang ảnh hưởng đến quyết định tuyển chọn diễn viên của các nhà làm phim Hollywood như thế nào. Khi mà tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng lớn, các nhà sản xuất phải dựa vào nhu cầu của họ để đưa ra quyết định.

Elliot Ng, hiện là giám đốc quản lý sản phẩm của Google, quay trở lại California năm 2015 sau 4 năm làm việc ở Trung Quốc. Ông nghĩ rằng các công ty công nghệ của thung lũng Silicon Valley sẽ phải lựa chọn giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

“Hầu hết các công ty phải quyết định có nên đồng ý với các điều khoản mà Trung Quốc đưa ra hay bỏ qua thị trường này để tập trung vào 40, 70, 190 quốc gia khác”.

Mặc dù có thể CEO Kalanick đã đánh giá sai triển vọng của Uber ở thị trường Trung Quốc, nhưng anh đã có một dự đoán đúng về quốc gia này. Tại một hội thảo được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 1, anh đã nói rằng trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ là nơi có nhiều sáng tạo, cải tiến và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hơn cả ở thung lũng Silicon.

Và, sau khi bán Uber cho Didi Chuxing, Kalanick vừa chứng minh rằng nhận định ấy là đúng.

>>Bí quyết thành công của Taobao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự khiêm nhường của "những gã khổng lồ" Mỹ tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO