Sau Brexit là Frexit?

15/10/2016 06:55

Việc ai trở thành Tổng thống Pháp trong năm 2017 sẽ quyết định xem nước này có tổ chức trưng cầu dân ý về việc nên ở lại EU hay không.

Sau Brexit là Frexit?

Việc ai trở thành Tổng thống Pháp trong năm 2017 sẽ quyết định xem nước này có tổ chức trưng cầu dân ý về việc nên ở lại EU hay không.

Tháng 4/2017, nước Pháp sẽ bước vào một cuộc bầu cử tổng thống vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hiện đại của nước này.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1958 tới nay, cả 2 đảng lớn của Pháp là Xã hội và Cộng hòa sẽ tổ chức bầu cử nội bộ để chọn ra ứng viên đại diện. Đây cũng là lần đầu tiên vị tổng thống đương nhiệm Francois Hollande có tỷ lệ tín nhiệm xuống thấp như hiện nay là 16%, và một cựu tổng thống Nicolas Sarkozy quay lại tranh cử. Và đáng lo nhất là đây cũng là lần đầu một đảng chống EU đang dẫn đầu các cuộc khảo sát: đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của ứng viên Marine Le Pen.

Vào đầu tháng 9/2016, bà Le Pen đã hứa hẹn nếu đắc cử thì sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Pháp có nên ở lại EU hay không, tương tự như nước Anh đã làm hồi tháng 6/2016. Khi đó, 52% dân Anh đã chọn việc rời khỏi EU (Brexit). Tại Pháp, tỷ lệ dân chúng ủng hộ EU chỉ có 38%, theo khảo sát đầu năm 2016 của Pew, thấp hơn cả mức ở Anh. Một khảo sát hồi tháng 6/2016 cũng cho thấy 45% dân chúng muốn có trưng cầu dân ý, so với 44% phản đối.

Do đó, nếu bà Le Pen trở thành Tổng thống thì kịch bản nước Pháp rời khỏi EU (còn gọi là Frexit, hoặc Fraurevoir) có nguy cơ trở thành hiện thực hơn bao giờ hết.

Bầu cử tổng thống Pháp được chia làm 2 vòng: vòng 1 vào ngày 23/4/2017, sau đó 2 ứng viên dẫn đầu vòng 1 sẽ bước vào vòng 2, diễn ra vào ngày 7/5/2017. Giờ đây, các cuộc bầu cử nội bộ của đảng Cộng hòa (tháng 11/2016) và đảng Xã hội (tháng 1/2017) sẽ ảnh hưởng không nhỏ lên kết quả sau cùng của cuộc bầu cử Tổng thống. Hiện tại, gần như chắc chắn là bà Marine Le Pen sẽ lọt vào vòng 2 của cuộc bầu cử, vậy nên câu hỏi duy nhất là người đối đầu với Le Pen sẽ là đại diện của đảng Cộng hòa hay Xã hội.

Từ trái sang: ông Alain Juppe, ông Nicolas Sarkozy, bà Marine Le Pen, ông Francois Hollande. Ảnh: ouest-france.fr

Kịch bản mà các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều nhất là ứng viên trung dung Alain Juppe, cựu Thủ tướng Pháp dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, sẽ trở thành người đại diện cho đảng Cộng hòa, và trở thành người khả dĩ nhất có thể đánh bại được Marine Le Pen. Còn nếu ông Sarkozy trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa, cánh tả Pháp có thể sẽ lại dồn phiếu cho ông Hollande, đưa ông vào vòng 2. Khi đó, dự báo cho thấy ông Hollande sẽ chỉ giành được 46% phiếu bầu, mang lại chiến thắng cho Le Pen.

Nếu ông Sarkozy trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa, thì Marine Le Pen sẽ bỏ xa mọi ứng cử viên khác. Ảnh: Bloomberg

Là nền kinh tế lớn thứ 3 của EU và thứ 6 của thế giới, việc nước Pháp sẽ đi theo chiều hướng nào là điều không thể bỏ qua. EU sẽ khó mà tồn tại được nữa, khi có tới 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất khối đều không còn là thành viên.

Nếu ông Juppe trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa, ông sẽ là người duy nhất có tỷ lệ ủng hộ ngang bằng Marine Le Pen. Ảnh: Bloomberg

Ông Gilles Moec - trưởng kinh tế gia cho khu vực châu Âu tại chi nhánh London của Bank of America Merrill Lynch nhận xét: “Có thể kết quả bất lợi cho thị trường sẽ không xảy ra, nhưng không thể loại trừ khả năng đó. Gần đây, có rất nhiều chuyện lẽ ra không nên xảy ra thì rốt cuộc lại trở thành sự thật”.

>Brexit: Tiếp theo sẽ là ai?

>Brexit - đòn đau cần thiết cho EU

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau Brexit là Frexit?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO