Obama đến châu Á - chuyến đi chông gai nhất?

Nguồn Dân Trí| 14/11/2009 08:10

Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du 9 ngày châu Á, mang theo khẩu hiệu “Mỹ đã trở lại” ...

Obama đến châu Á - chuyến đi chông gai nhất?

Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du 9 ngày châu Á, mang theo khẩu hiệu “Mỹ đã trở lại” và quyết tâm đối diện với một chuyến đi chông gai nhất của người đứng đầu Nhà Trắng trong bối cảnh Mỹ không còn giữ vị trí độc tôn ở nơi này.

Tổng thống Obama đã đến Nhật Bản, mở đầu chuyến thăm châu Á

Điều Obama biết...

Bước lên máy bay ngày 12/11, Obama chắc chắn mang theo ý nghĩ rằng chính châu Á sẽ quyết định tương lai của Mỹ. Washington hiểu rằng điều này đã được củng cố suốt một năm qua, khi Obama lên nắm quyền, với một loạt sự kiện – từ liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến vấn đề an ninh thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tận dụng dịp này để nhấn mạnh cam kết của Washington đối với khu vực, đồng thời nhằm tăng cường nỗ lực tìm kiếm một lập trường chung với Trung Quốc về một hiệp ước mới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Chặng dừng chân đầu tiên của ông Obama là Nhật Bản, đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng lại đang có khuynh hướng né tránh tối đa ảnh hưởng của Mỹ. Ông cũng sẽ đến thăm hai thành phố của Trung Quốc, một quốc gia đang ngày càng có tiếng nói quan trọng trong việc định hình các vấn đề khu vực. Sau đó, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông có cuộc họp cấp cao Mỹ-ASEAN lần đầu tiên – nơi ông sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết mới của ông với khu vực. Chặng dừng chân cuối cùng là Hàn Quốc.

Tới Nhật Bản, nơi từng được coi là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, Obama sẽ bước chân vào bầu không khí không thể nói là ấm cúng và đương đầu với những thay đổi lớn về quan điểm ở nước này, phải đặt nền móng củng cố mối quan hệ truyền thống ở châu Á. Ở Trung Quốc, Obama phải tranh thủ sự hợp tác của Bắc Kinh trong giải quyết loạt vấn đề lớn như hạt nhân của Triều Tiên, Iran, vấn đề biển đổi khí hậu toàn cầu. Đến Singapore, Tổng thống Mỹ phải tìm cách nào đó, hay đưa ra những động thái cụ thể để tìm cách mở rộng và và thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và ASEAN.

Obama có bài phát biểu về chính sách với châu Á tại Nhật Bản và theo các quan chức Mỹ thì qua chuyến công du này Obama muốn phát đi thông điệp khẳng định cam kết của Mỹ đối với những người bạn cũ cũng như các đối tác mới, hứa hẹn góp sức duy trì an ninh và thịnh vượng cho châu Á - một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua.

... và phải đối diện

Ngoài việc phải đối mặt như nỗ lực khôi phục vai trò hàng đầu của Mỹ đối với vấn đề tự do hóa thương mại toàn cầu và khu vực cũng như tháo gỡ bế tắc liên quan đến việc Triều Tiên vẫn đang tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân, Obama còn phải đối mặt với một thực tế mới là châu Á đang trở thành tâm điểm và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khi các nước Đông Á đang hướng tới thành lập các thể chế, đề ra các tiêu chuẩn và ký các hiệp định thương mại mà không cần có sự tham gia của Mỹ.

Nhật Bản được xem là chặng dừng chân khó khăn nhất với Obama, dù đây là nơi tập trung đông nhất lực lượng Mỹ ở nước ngoài và những căn cứ quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Á. Nhật Bản là đồng minh tin cậy lâu dài của Mỹ, nhưng tân Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama đã bắt đầu xem xét lại liên minh Mỹ-Nhật, có những lập trường khác Washington về tương lai của căn cứ không quân Futenma ở Okinawa của lính thuỷ đánh bộ Mỹ và đề xuất thành lập cộng đồng Đông Á mà ban đầu là không có Mỹ.

Tại Trung Quốc là ngờ vực xung quanh những căng thẳng thương mại. Một trong những nhiệm vụ chính của ông Obama sẽ là tạo dựng lòng tin giống như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có với cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Nói về chặng dừng chân ở Trung Quốc, Giám đốc phụ trách nghiên cứu châu Á của Elizabeth Economy nói ông Obama cần nghe lời bài hát của Elvis Presley: “Dừng lại. Nhìn. Và Nghe”. Bà nhận xét: “Mục tiêu quan trọng nhất của chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Obama tới Trung Quốc phải là nghe càng nhiều tiếng nói của người Trung Quốc càng tốt”.

Hàn Quốc sẽ là nước cuối cùng ông Obama tới thăm và Scott Snyder, chuyên gia Triều Tiên nói ông sẽ được chào đón nồng nhiệt. Nhưng vấn đề nổi bật sẽ là phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên và những đóng góp của Hàn Quốc tại Afghanistan. Hai mục tiêu này, để thu được kết quả như Washington mong muốn, là thách thức tiếp theo.

Thành quả hy vọng là...

Sau những cuộc di chuyển và tiếp xúc liên tục, Obama cần đạt được những mục tiêu: Bảo đảm một quan hệ hợp tác tốt đẹp với tân Thủ tướng Yukio Hatoyama, cần thu được quan điểm cởi mở với Mỹ từ các quốc gia Đông Nam Á và tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Mỹ cần hoan nghênh sáng kiến về Cộng đồng Đông Á của Nhật Bản và giữ vững đồng minh này là một điểm khởi đầu quan trọng trong chính sách châu Á của ông. Tiếp đến là ASEAN, đây là thời điểm thích hợp cho Mỹ đưa ra những sáng kiến có ý nghĩa, tạo tiếng vang trong khu vực và châu Á. Một trong những sáng kiến đó có thể là kêu gọi tự do thương mại hơn nữa.

Đến Bắc Kinh, Obama phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc bởi Mỹ và Trung Quốc đang dần trở thành những tiếng nói quyết định với cuộc khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu cũng như nhiều vấn đề toàn cầu khác. Trung Quốc đã có mối quan hệ nồng ấm với ASEAN trong suốt thập kỷ qua và Mỹ cần đưa ra được một lựa chọn khác thuyết phục cho các nước này.

Tổng thống Obama đang có cơ hội để bảo đảm rằng châu Á tiếp tục xem Mỹ là một yếu tố quan trọng trong khu vực: cởi mở hơn, hữu ích hơn trước đây. Nếu đạt được điều đó, những chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama sẽ có lợi cho Mỹ và châu Á.

Obama vẫn đang phải chật vật với chương trình chăm sóc y tế trong nước cũng như vấn đề biến đổi khí hậu trước thềm Hội nghị Copenhaghen. Chính vì thế, có lo ngại rằng chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama sẽ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, trong khi ông này phải “giữ sức” cho các cuộc chiến khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Obama đến châu Á - chuyến đi chông gai nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO