Nước mắt Putin

LAM HỒNG| 06/03/2012 00:13

Con đường trở lại điện Kremlin của Putin không còn trải hoa hồng vì giấc mơ Nga đã bắt đầu thay đổi. Nhưng không ai khác ngoài Putin có thể biến giấc mơ đó thành hiện thực.

Nước mắt Putin

Con đường trở lại điện Kremlin của Putin không còn trải hoa hồng vì giấc mơ Nga đã bắt đầu thay đổi. Nhưng không ai khác ngoài Putin có thể biến giấc mơ đó thành hiện thực.

Ông Putin đã rơi lệ khi chiến thắng trong vòng bầu cử Tổng thống 2012

Vòng bầu cử thứ nhất Tổng thống Nga 2012 kết thúc với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Vladimir Putin, mở đường cho ông trở lại nhiệm kỳ tổng thống thứ ba sau bốn năm làm Thủ tướng.

Ủy ban Bầu cử nói, kết quả ban đầu sau khi số phiếu tại 37% khu vực bầu cử được kiểm cho thấy ông Putin giành được 64,4% số phiếu, đủ để ông chiến thắng ngay trong vòng đầu với đối thủ gần nhất Gennady Zyuganov đạt 17%. Chiến thắng đủ nhọc nhằn và hồi hộp khiến cựu sĩ quan an ninh Putin phải rơi lệ...

Cách đây ba năm, khi Hạ viện Nga bỏ phiếu tán thành một dự luật sửa đối Hiến pháp cho phép kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên thành 6 năm, có hiệu lực kể từ năm 2012, Vladimir Putin như chắc chắn sẽ thênh thang quay trở lại lãnh đạo nước Nga.

Nhưng kết quả bầu cử cho thấy con đường trở lại nắm quyền của ông không còn dễ dàng. Mặc dù chiến thắng nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ dành cho đảng Nước Nga Thống Nhất (UR) của ông đã giảm rất nhiều, từ 64% năm 2007 xuống 50% trong cuộc bầu cử Hạ viện.

Thậm chí, trước ngày bầu cử, phe đối lập đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống ông Putin và đảng Nước Nga Thống Nhất. Người biểu tình cho rằng đã có nhiều hiện tượng gian lận xảy ra. Họ cũng bày tỏ lo ngại sự tập trung quyền lực sẽ đi đôi với tham nhũng.

Bài xã luận của Financial Times trích dẫn một cuộc thăm dò, theo đó, hơn một nửa số người được hỏi cho rằng tình trạng tham nhũng ở nước Nga giờ còn tệ hơn những năm 1990. Theo Trung tâm nghiên cứu xã hội Levada, số người không còn tin tưởng ông Putin đã tăng lên 40%.

Tuy nhiên, trong thời gian ông Putin cầm quyền vừa qua, người ta không thể phủ nhận có nhiều thay đổi tích cực so với hai thập niên trước, lúc đất nước Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn khi công cuộc perestroika bắt đầu.

Sergei Petrushenko, 52 tuổi, nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ Volodya (Vladimir Putin), vì ông ta là người hiểu biết, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, lại hết lòng quan tâm đến người dân”. Theo ông Sergei, Putin “đã vực nước Nga dậy từ vũng bùn sau thời kỳ perestroika.

Quan trọng nhất hiện nay là sự ổn định, nước Nga có thể vươn mình đứng đúng tầm vóc của nó. Để người khác cầm quyền lại xảy ra cảnh lộn xộn ngay”. Sự ổn định là một trong các cam kết mạnh mẽ nhất của Vladimir Putin và đảng của ông trong cuộc bầu cử lần này.

Putin đã đề cập lý do vì sao ông muốn tái tranh cử chức tổng thống: “Củng cố nền móng cho hệ thống chính trị và các thể chế dân chủ, tạo điều kiện cho việc phát triển nền kinh tế năng động và đa dạng hóa nền kinh tế trên một cơ sở mới, cũng như các điều kiện để tăng chất lượng cuộc sống người dân là những gì chúng tôi sẽ làm”.

Dù có những bất đồng, các cuộc thăm dò trước kỳ bầu cử cho thấy 80% người Nga tin rằng ông Putin sẽ trở lại chiếc ghế tổng thống, 57% vẫn tin tưởng ông là nhà lãnh đạo đất nước, cho dù về mặt chính thức, ông Dmitry Medvedev là tổng thống.

Khi Thủ tướng Putin giữ hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông đạt được một số thành tựu đáng nể: ổn định xã hội, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, khôi phục được niềm tự hào của nước Nga.

“Tôi biết ông Putin là người có hành động thực tế chứ không chỉ nói suông”, cử tri là một hưu trí viên tên Zinaida Bykova, ở thành phố cảng miền đông Vladivostok, nói sau khi bỏ phiếu bầu cho Putin.

Chuyên mục Chính trị bí mật, tờ Komsomolskaya Pravda (Nga) xuất bản ngày 1/2 đã dành cả hai trang để đăng tải bài viết lý giải tại sao Washington muốn nhanh chóng kết thúc thời đại Putin.

Theo cách nói của học giả người Mỹ Frederick William Engdahl thì “Washington không muốn Moscow xuất hiện kẻ mạnh. Sự trở lại của Putin sẽ trở thành chướng ngại lớn nhất của Mỹ và châu Âu”. Đây cũng là yếu tố bên ngoài châm mồi lửa cho những nhóm người chống Putin trong cuộc bầu cử lần này.

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu tại Nga cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với những nhà điều hành đất nước. Họ thể hiện điều đó bằng các cuộc biểu tình để gây sức ép cho các nhà lãnh đạo. Khi ông Putin lần đầu tiên lên nắm quyền, cử tri Nga tương đối đồng nhất về thu nhập cũng như nguyện vọng.

Theo CSR (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Moscow), thời điểm đó, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 15% dân số. Đến cuối năm 2000, tầng lớp này chiếm khoảng 25% dân số và gần 40% lực lượng lao động.

Nước Nga giàu lên, nhiều người dân đủ điều kiện đi mua sắm ở IKEA, ăn trong nhà hàng và đi nghỉ ở châu Âu. Thói quen, mong đợi và cả nguyện vọng chính trị của họ bắt đầu thay đổi và họ cất tiếng nói là điều dễ hiểu.

Nhà phân tích Sergei Glebov nhận định: “Ngay cả trường hợp Putin đắc cử, ông sẽ là một tổng thống không giống như trước. Ông không thể nhận mình được tuyệt đại đa số nhân dân tín nhiệm giống như năm 2004. Năm đó, ông Putin được 71% phiếu bầu.

Năm nay, tỷ lệ người ủng hộ ông có lúc xuống đến mức 40%. Liệu ông có nên mạnh tay hay nhượng bộ để có những thay đổi nhằm chiếm lại cảm tình của nhân dân?”.

Rõ ràng, nước Nga cần có các cải cách lớn trong chính trị, luật pháp và truyền thông, và nền kinh tế phải được đa dạng hóa. Nhưng Putin sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình trong một vị thế mạnh mẽ, ổn định và thịnh vượng.

Nga không có các xung đột lớn nào. Thậm chí cuộc chiến Nga - Grudia vào năm 2008 không cản trở bước chân của Nga tiến vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Nga lại thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn như ExxonMobil, Coca-Cola và Disney.

Vì thế, ai cũng nhận thấy, chỉ có Putin mới đủ quyền lực và cơ hội để tiến hành các cải cách lớn này nhằm hiện thực hóa giấc mơ Nga.

Năm ứng viên trong danh sách bầu cử năm nay có: Thủ tướng Vladimir Putin, Chủ tịch đảng Cộng sản Gennady Zyuganov, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky, Chủ tịch đảng Nước Nga Công bằng Sergei Mironov và một ứng viên tự do - tỷ phú Mikhail Prokhorov. Người chiến thắng trong vòng một sẽ nhậm chức tổng thống vào đầu tháng 5 tới và Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev sẽ bàn giao quyền lực.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước mắt Putin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO