Những trường hợp "phép màu" khi nạn nhân bị mắc kẹt nhiều ngày vẫn sống sót

PHƯƠNG VŨ| 05/07/2018 06:50

Đội bóng đá nhí Thái, thợ mỏ Chile hay thủy thủ tàu ngầm Nga là những trường hợp nạn nhân sống sót gây kinh ngạc sau nhiều ngày mắc kẹt.

Những trường hợp

Đội cứu hộ Thái Lan vui mừng sau khi nghe tin đội bóng đá nhí đã được tìm thấy. Ảnh: AFP

Ngày 2/7, thợ lặn phát hiện đội bóng đá nhí Thái Lan sống sót sau 9 ngày mắc kẹt trong hang Tham Luang. Trường hợp được ví như "phép màu" này khiến nhiều người liên tưởng đến những chiến dịch giải cứu nạn nhân mắc kẹt dưới biển hay trong lòng đất trước đây, theo AFP.

Gramat, Pháp năm 1991

7 người chuyên thám hiểm hang động bị mắc kẹt trong một hệ thống hang ở Vitarelles, Tây Nam nước Pháp trong 10 ngày sau khi bão lớn gây ra ngập lụt vào tháng 11/1991.

Các chuyên gia cứu hộ đã nỗ lực khoan vách hang từ bên ngoài để tìm kiếm những nạn nhân mắc kẹt. Sau khi chui vào lỗ khoan lớn, đội cứu hộ tìm thấy những người bị mắc kẹt vào ngày 22/11/1991.

Những người này đã ăn dè sẻn thực phẩm mang theo để sống sót. Họ vẫn còn đủ nước và đèn chiếu sáng trong 2 ngày khi được giải cứu. Tất cả đều có sức khỏe tốt.

Bán đảo Kamchatka, Nga năm 2005

Tàu ngầm cỡ nhỏ Priz của Nga ngày 4/8/2005 gặp sự cố và mắc kẹt ở độ sâu 190m dưới biển ngoài khơi bán đảo Kamchatka. Sau 3 ngày gặp nạn, 7 thủy thủ trên tàu sắp hết dưỡng khí nhưng không thể thoát ra ngoài.

Sự cố này gây liên tưởng đến tai nạn tàu ngầm Kursk của Nga 5 năm trước, vốn kết thúc trong bi kịch với cái chết của tất cả 118 thành viên thủy thủ đoàn.

May mắn đã đến với thủy thủ đoàn tàu Priz khi một robot dưới biển của Anh đã giúp tàu thoát khỏi tình thế bị mắc kẹt. Tổng thống Nga Vladimir Putin trao huy chương cho đội giải cứu Anh. Moskva còn mua một số robot dưới nước đã được sử dụng trong cuộc giải cứu.

Copiapo, Chile năm 2010

33 thợ mỏ bị mắc kẹt ở độ sâu 600m dưới mặt đất sau một vụ sập hầm ngày 5/8/2010. Sau 17 ngày, một máy dò được gửi xuống qua một lỗ khoan đã phát hiện vị trí của họ.

Các thợ mỏ sống sót chỉ với 15 hộp cá ngừ. "Ban đầu, chúng tôi ăn một thìa cà phê mỗi 24 giờ, sau đó cứ 48 giờ chúng tôi mới ăn một lần. Cuối cùng sau mỗi 72 giờ chúng tôi mới ăn. Thật kinh khủng".

Vài tuần sau khi phát hiện những người bị mắc kẹt, đội cứu hộ mới có thể đưa các thợ mỏ lên mặt đất. Họ đã phải sống trong lòng đất gần 70 ngày.

Ica, Peru năm 2012

9 thợ mỏ mắc kẹt ở độ sâu 250m dưới mặt đất sau một vụ sập hầm ở Nam Peru ngày 7/4/2012. Hoạt động cứu hộ gặp khó khăn do giới chức lo ngại đá sẽ tiếp tục sụp xuống khi họ đào bới.

Trong quãng thời gian bị mắc kẹt, các thợ mỏ tán gẫu và tập thể dục để giữ tinh thần tích cực. Khi lực lượng cứu hộ đưa họ ra ngoài, họ phải choàng chăn và đeo kính đen để bảo vệ mắt sau nhiều ngày không thấy ánh sáng mặt trời.

"Khoảnh khắc này giống như được tái sinh vậy", một trong những người được cứu thoát nói khi đoàn tụ gia đình.

Untersberg, Đức năm 2014

Những trường hợp "phép màu" khi nạn nhân bị mắc kẹt nhiều ngày vẫn sống sót

Johann Westhauser được giải cứu năm 2014. Ảnh: AFP

Hơn 700 nhân viên phản ứng nhanh đã nỗ lực giải cứu Johann Westhauser, 52 tuổi, sau khi ông bị chấn thương đầu vì đá rơi khi thám hiểm một hệ thống hang tại Đức ngày 8/6/2014.

Một bạn đồng hành của Westhauser đã lên mặt đất để gọi trợ giúp trong khi một người khác ở lại để chăm sóc Westhauser. Chấn thương khiến ông không thể di chuyển. Nhân viên cứu hộ và chuyên gia y tế từ 5 quốc gia đã làm việc để đưa ông lên từ vị trí sâu 1.000m dưới mặt đất.

Những người cứu hộ phải đối mặt với nguy hiểm và nhiệt độ gần như đóng băng khi vượt qua mạng lưới hầm, hồ ngầm và những thác nước lạnh giá. Cuối cùng, Westhauser được đưa ra khỏi hệ thống hang trên một cái cáng sau 11 ngày. Giới chức địa phương nói rằng họ đã nghĩ cuộc giải cứu "không thể thực hiện được".

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những trường hợp "phép màu" khi nạn nhân bị mắc kẹt nhiều ngày vẫn sống sót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO