Những điểm nhấn của Fintech châu Á năm 2016

07/01/2017 06:49

Không chỉ phát triển mạnh mẽ, cộng đồng khởi nghiệp còn nhận được sự chú ý từ chính phủ nhiều nước và các thể chế tài chính lớn trong năm 2016.

Những điểm nhấn của Fintech châu Á năm 2016

Theo báo cáo "The Pulse of Fintech" do tập đoàn tư vấn và kiểm toán KPMG hợp tác cùng hãng CB Insights thực hiện, trong quý III/2016, vốn đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tại châu Á sụt giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Dù vậy, với tổng vốn đầu tư từ 880 triệu USD quý II lên 1,2 tỷ USD vào quý III, châu Á vẫn vượt mặt Mỹ (900 triệu USD) và châu Âu (200 triệu USD). KPMG cũng nhận xét thị trường fintech chịu nhiều tác động từ các sự kiện thế giới như Brexit hay cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng trong quý IV, mọi thứ đã dần đi vào quỹ đạo ổn định trở lại.

Dưới đây là những điểm nhấn của các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ (fintech) châu Á năm 2016 do trang tin Tech in Asia đánh giá.

Dịch vụ tài chính tiêu dùng trực tuyến

Trung Quốc là nơi chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào các dịch vụ tài chính tiêu dùng trực tuyến, hay còn gọi là cho vay ngang hàng (peer-to-peer landing). Nổi bật nhất nền tảng thanh toán trực tuyến Ant Financial của ông lớn Alibaba đã kêu gọi thành công đến 4,5 tỷ USD vào tháng 4. Đây được xem như kỷ lục về tiến vốn đầu tư của một công ty công nghệ tiêu dùng.

>>Fintech châu Á: Singapore so găng Hong Kong

Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩm nhiều rủi ro khi công ty tài chính qua mạng Ezubao đã lừa đảo đến 900.000 nhà đầu tư với tổng số tiền 7,6 tỷ USD. Điều này khiến chính phủ Trung Quốc phải thực hiện nhiều bước điều tiết và tăng cường kiểm soát để thị trường phát triển bền vững hơn.

Sự vào cuộc của chính phủ

Chính phủ Singapore rất chú trọng hỗ trợ phát triển fintech và điều này đã tạo cảm hứng cho nhiều quốc gia khác làm theo. Với vai trò trung tâm thương mại và tài chính trong khu vực, đảo quốc sư tử muốn trở thành trung tâm fintech tạo nên đối trọng với London - nơi được xem đi đầu về tài năng và ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ.

Để tháo gỡ những rào cản với fintech, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã tạo ra thuật ngữ "hộp cát trong luật" (regulatory sandbox). Điều này cho phép những dự án khởi nghiệp được hoạt động trong môi trường luật "dễ thở" hơn với các ưu đãi dành riêng, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ các thể chế tài chính. Chính phủ còn tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, với môi trường đầu tư thông thoáng và thu hút.

>>27 startup fintech “kỳ lân” có giá trị nhất thế giới

Thái Lan và Hong Kong cũng đang học hỏi Singapore để tạo ra những "sandbox" phù hợp với đặc thù quốc gia và tình hình kinh tế. Trong khi đó, Nhật Bản đã điều chỉnh những quy định về giao dịch tiền tệ kỹ thuật số, nâng mức sở hữu cổ phần của ngân hàng tại các công ty vượt 5%, hỗ trợ đầu tư vào công ty fintech.

Bùng nổ thanh toán di động

Năm 2016 chứng kiến ​​sự tăng trưởng và cơ hội phát triển cho các công ty tập trung số hóa dịch vụ ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ tận dụng tốt xu hướng thương mại điện tử, các dự án khởi nghiệp giúp người dân tiếp cận nhiều dịch vụ ngân hàng ngay trên các thiết bị di động, thu hút nguồn vốn đầu tư.

Một số mô hình nổi bật như Omise (Thái Lan), Coda Payments và 2C2P (Singapore) hay OnOnPay (Việt Nam). Ant Financial (Trung Quốc) mở rộng sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á bằng cách hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Ascend Money ở Thái Lan và đầu tư vào mô hình giao dịch đa tiền tệ M-Daq ở Singapore.

Cơ hội cho fintech năm 2017

Những công nghệ mới như phân tích dữ liệu mới (Big Data) hay Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT) sẽ ứng dụng nhiều hơn vào fintech ở lĩnh vực bảo hiểm. Còn trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và tự động hóa phân tích (Machine Learning) tác động nhiều trong phân khúc quản lý tài sản và tư vấn đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điểm nhấn của Fintech châu Á năm 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO