Myanmar: nỗi đau chồng chất

28/03/2011 08:23

Đã có 130 người chết, 230 người bị thương do động đất, chỉ tính riêng tại ba địa phương Talerh, Monglin và Jakuni - theo báo Shan Herald.

Myanmar: nỗi đau chồng chất

Đã có 130 người chết, 230 người bị thương do động đất, chỉ tính riêng tại ba địa phương Talerh, Monglin và Jakuni - theo báo Shan Herald.

Một nạn nhân động đất được điều trị ở Bệnh viện Tachilek - Ảnh: Reuters
Một em bé được chăm sóc y tế do bị thương trong trận động đất ở Tachilek - Ảnh: Reuters

Số người chết lên đến 130 và 230 người bị thương chỉ sơ bộ tại ba địa phương Talerh (Talay), Monglin và Jakuni của Myanmar sau khi trận động đất 6,8 độ Richter xảy ra ở miền đông bắc nước này, theo báo Shan Herald của Myanmar ngày 26/3.

Cảnh đổ nát tại Tachilek ngày 25/3 - Ảnh: Reuters

Nhiều hiện tượng khó lý giải đã xảy ra. Suối nước nóng nổi tiếng ở làng Nampong, tây Tachilek sau động đất đã trở nên khô cạn, không còn một giọt nước! Ngược lại, ở một dòng suối cạn chảy vào sông Maehok ở Maesai, thường ngày mực nước chỉ đến đầu gối thì sau động đất mực nước cao đến ngang hông người lớn.

Công trình xây dựng không chống được động đất

Hơn 5.000 ngôi nhà ở 23 khu thị tứ và làng xã của trên 6.500 người dân sống ở vùng tây nam tỉnh Vân Nam bị hư hại vì động đất, theo công bố của bộ trưởng dân chính Trung Quốc ngày 26-3.

Theo Bangkok Post, chỉ riêng thủ đô Bangkok đã có đến 2.700 tòa nhà có thể bị hư hại do động đất và các dư chấn trong tương lai. Chính quyền Thái Lan trước đây đã soạn thảo một dự luật về tăng khả năng chống chịu động đất của các tòa nhà. Theo đó, nhà cao trên 23m hoặc diện tích nền từ 10.000m2 trở lên phải đủ điều kiện chống được động đất 5 độ Richter. Chủ đầu tư sẽ được trừ thuế nếu áp dụng kỹ thuật xây dựng chống động đất.

Rõ ràng các tòa nhà ở Myanmar, Thái, Lào và Trung Quốc khi thi công đã không tính toán đến tình huống xảy ra động đất.

Tuy nhiên vẫn chưa có thống kê đầy đủ về số thương vong do những nơi thiệt hại nặng nề đều nằm ở các vùng xa xôi hẻo lánh.

Trong khi đó, truyền hình nhà nước Myanmar chưa công bố thêm số liệu thương vong mới.

Tuy nhiên, người dân ở Talerh cho biết vẫn còn nhiều dân làng mất tích. Tờ Mizzima tường thuật: trên đường đi về Talerh, hàng chục chiếc quan tài để hai bên vệ đường, cảnh tượng rất thương tâm. Một người dân nói dân chúng rất sợ ngủ trong nhà vào tối qua.

Một dư chấn lúc 6g25 ngày 26/3 khiến mọi người một lần nữa chạy tán loạn. Cây cầu duy nhất nối liền hai địa phương Tachilek và Keng Tung hư hại nặng, chính quyền đã phong tỏa khu vực này và cấm người dân qua cầu.

Lực lượng cứu hộ đang gặp khó khăn khi nỗ lực tiếp cận các vùng hẻo lánh nằm sâu trong vùng tâm chấn. Do địa hình, đường sá hiểm trở và các quy định về an ninh, việc đi đến các vùng bị nạn xa xôi gặp nhiều khó khăn.

Điện, nước và mạng lưới viễn thông lại bị gián đoạn ở nhiều khu vực, đặc biệt là những vùng như Mong Ko và Mak Kur Se. Một viên chức chính quyền cho biết: “Chúng tôi đang cố đến những vùng sâu vùng xa nằm trong khu vực tâm chấn nhưng đường sá vẫn đang bị cô lập”.

Người dân quá sợ hãi bởi trận động đất vẫn chưa dám về nhà mà ngủ qua đêm ở sân chùa hay nhà thờ.

Văn phòng của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức cứu hộ quốc tế đã gửi nhân viên đến 20 ngôi làng ở Talerh và Monglin, mang theo thực phẩm, nước uống để trợ giúp người dân trong vùng tâm chấn.

Hội Chữ thập đỏ Myanmar cũng đặc phái 20 tình nguyện viên đi thu thập thông tin về những nhu cầu khẩn thiết cần giúp đỡ nhất từ những vùng bị nạn.

300 binh sĩ đã được điều đến vùng Talerh và Monglin để cứu hộ nạn nhân. Bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát và đội khảo sát cũng đã có mặt ở vùng động đất.

Trận động đất ở Myanmar được coi là một thảm họa kép nếu tính luôn trận bão dữ tràn vào vùng Irrawaddy ngày 15/3. Đến nay, 4.000 ngư dân vẫn đang còn mất tích. Theo ông Win Kyaing - Tổng thư ký Hiệp hội Nghề cá Myanmar, các ngư dân này rất ít có hi vọng sống sót. Trước đó mới chỉ có gần 4.000 ngư dân trở về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Myanmar: nỗi đau chồng chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO