“Mua hàng Trung Quốc”: Thêm dầu vào lửa bảo hộ

THỤY KHA| 24/06/2009 00:17

Trung Quốc (TQ) vừa lên tiếng bênh vực cho chỉ thị được gọi là “Mua hàng TQ”. Đây là một quy định do chính Bắc Kinh đề ra để dành cho các công ty TQ quyền ưu tiên, và gần như là độc quyền trong các hợp đồng về những dự án thuộc kế hoạch kích cầu trị giá gần 600 tỷ USD.

“Mua hàng Trung Quốc”: Thêm dầu vào lửa bảo hộ

Khi Chính phủ Hoa Kỳ xem xét tới việc thêm vào kế hoạch kích thích kinh tế quy định “Mua hàng Mỹ”, TQ đã cực lực phản đối. Các giới chức ở Bắc Kinh nói rằng, đó là một hành động mang nặng tính chất bảo hộ mậu dịch và có những hậu quả nguy hại. Nhưng giờ đây TQ cũng xúc tiến các hành động nhằm bảo đảm kế hoạch kích cầu của họ mang lại nhiều lợi ích cho các công ty TQ.

Sự thất bại của các nhà sản xuất phong điện hàng đầu thế giới, gồm cả Vestas Wind Systems (Đan Mạch), GE Energy (Mỹ) và Gamesa (Tây Ban Nha), trong các hợp đồng bỏ thầu tại TQ cho thấy, Bắc Kinh đã “đóng cửa” hoàn toàn đối với các công ty nước ngoài.

Chưa kể, hệ thống đường sắt của TQ năm nay sẽ được phân bố khoảng 2 tỷ USD và trong một cuộc phỏng vấn gần đây, các quan chức của ngành này nói rằng một số dự án lớn, như đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, không được phép sử dụng công nghệ nước ngoài. Lý do là TQ muốn xây dựng các công ty trong nước trở thành “những nhà vô địch quốc gia”.

Theo bình luận của báo chí phương Tây, TQ muốn loại các công ty nước ngoài trong gói kích thích kinh tế trị giá gần 600 tỷ USD. Trong chỉ thị đề ngày 1 tháng 6 được các cơ quan truyền thông TQ loan tải, giới hữu trách TQ nói rằng, các dự án đầu tư của chính phủ phải mua các sản phẩm sản xuất trong nước, trừ phi những mặt hàng hoặc dịch vụ đó không thể kiếm được ở TQ.

Chỉ thị này cũng quy định rằng, các kế hoạch nhập khẩu cần phải có sự chấp thuận trước của các cơ quan liên quan trong chính phủ. Vấn đề nằm ở chỗ TQ đã không tham gia Hiệp định về mua sắm cho chính phủ của WTO. Hiệp định này ngăn cấm hành động phân biệt đối xử đối với công ty nước ngoài dự thầu các dự án của chính phủ.

Phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao TQ nói rằng, chỉ thị mua hàng TQ không có tính chất bảo hộ mậu dịch. Mục đích của quy định này là duy trì một “thị trường có cạnh tranh công bằng”. Ông nói thêm, quy định này phù hợp với luật lệ của TQ liên quan tới việc mua sắm cho chính phủ và không có mục đích phân biệt đối xử đối với các công ty hay sản phẩm của nước ngoài.

Trước đây, Bắc Kinh đã cam kết là các mặt hàng trong nước và ngoài nước đều được đối xử bình đẳng trong kế hoạch kích thích kinh tế. Họ cũng hối thúc chính phủ các nước khác hãy hỗ trợ cho tự do thương mại và tránh áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch.

Thực tế cho thấy đúng như cảnh báo, chính sách “Mua hàng TQ” và “Mua hàng Mỹ” đang góp phần thúc đẩy chính sách bảo hộ trên toàn thế giới gia tăng. Thị trưởng các thành phố lớn của Canada vừa thông qua nghị quyết không cho phép doanh nghiệp Mỹ tham gia đấu thầu dự án tại địa phương nhằm đáp trả chính sách “Mua hàng Mỹ” của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Theo hang tin AP, căng thẳng cũng đang leo thang ở EU khi một số nước thành viên tìm cách cứu trợ các công ty nội địa và đảm bảo việc làm cho người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Mua hàng Trung Quốc”: Thêm dầu vào lửa bảo hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO