Mong muốn của Mỹ sau thỏa thuận NAFTA 2

LÊ PHAN| 13/10/2018 06:00

Những ngày cuối tháng 9, Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận về sửa đổi Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), sau nhiều lần bị trì hoãn và rơi vào bế tắc. Với diễn tiến mới nhất, NAFTA sửa đổi được kỳ vọng sẽ sớm thông qua, khi mà Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận trước đó không lâu.

Mong muốn của Mỹ sau thỏa thuận NAFTA 2

Theo giới phân tích, tác động của NAFTA 2 đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ là không đáng kể. Ảnh: Wall Street Journal

Sự thổi phồng quá mức

Được biết thỏa thuận đạt được ngay trước thời hạn chót vào nửa đêm ngày 30/9, sau khi Canada nhất trí mở rộng hơn thị trường các sản phẩm sữa của nước này cho các công ty Mỹ. Đổi lại, Canada sẽ tránh được việc Mỹ áp thuế bổ sung lên xe hơi xuất khẩu.

Thỏa thuận thương mại mới mà chính quyền Trump đã đồng ý với Canada và Mexico sẽ bao trùm toàn bộ thương mại giữa ba nước, nhưng "trái tim" của NAFTA vẫn là những điều khoản ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô, mà bản thân Tổng thống Trump và các cố vấn của ông coi là một ngành công nghiệp trọng điểm, có tính kinh tế và chính trị.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã đổ lỗi cho NAFTA, vốn có hiệu lực từ năm 1994 và ông đã gọi là "thương vụ tồi tệ nhất trong lịch sử", lấy mất 4,1 triệu việc làm của người Mỹ, trong đó thiệt hại lớn nhất là ngành công nghiệp ô tô. Và trong gần 25 năm qua, các nhà sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ đã chuyển dịch nhà máy sang Mexico, nơi mà tiền lương công nhân chỉ bằng 1/4 tại Mỹ.

Với thỏa thuận thương mại mới được đổi tên thành Thỏa thuận Hoa Kỳ - Canada -  Mexico (U.S.C.M.A), hay còn gọi là NAFTA 2, trong khi các nhà sản xuất ô tô lo ngại về việc phải thay đổi chuỗi cung ứng hiện tại, thì ông Trump đã hào hứng tuyên bố: "Một khi được phê duyệt, đây sẽ là một buổi bình minh mới cho ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và cho công nhân Mỹ. Chúng ta sẽ lại trở thành một cường quốc sản xuất ô tô, và lấy lại chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp này,vốn đã được chuyển ra bên ngoài do các hiệp định thương mại không công bằng".

Cụ thể, theo những điều khoản được sửa đổi, thì các nhà sản xuất xe ô tô tại Bắc Mỹ phải có tỷ lệ nội địa cao hơn để xe thành phẩm đủ điều kiện được miễn thuế giữa ba quốc gia này. Nó cũng bao gồm các yêu cầu được dựa trên chi phí lao động cũng như phải tuân theo những giới hạn về xuất khẩu từ Mexico và Canada sang Mỹ. Mối đe dọa của việc thay đổi quy định đang khiến các nhà sản xuất ô tô tại khu vực trên phải đẩy nhanh nguồn nhập khẩu xe ô tô lẫn các linh kiện phụ tùng trước khi NAFTA 2 có hiệu lực.

Nhắm đến điều gì?

Dù vậy, theo giới phân tích trong ngành công nghiệp ô tô, tác động của sự thay đổi các điều khoản là không lớn. Đơn cử như điều khoản yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 75%, tức các linh kiện, phụ tùng, công đoạn sản xuất tại ba nước Bắc Mỹ phải chiếm 75% của mỗi chiếc xe hoàn chỉnh thì mới đủ điều kiện cho mức thuế bằng 0, chỉ cao hơn chút ít so với con số 62,5% theo quy định NAFTA cũ.

Tuy nhiên, việc xác định tỷ lệ nội địa hóa là phụ thuộc vào cách đến như thế nào, bởi vì ngành công nghiệp ô tô trong khu vực đã đảm bảo được chuỗi cung ứng khoảng 70% là từ Bắc Mỹ. Vì vậy, quy định mới được cho là không tác động quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong khu vực, mà chỉ là cách để Washington có thể loại bỏ các bộ phận xe ô tô và xe ô tô hoàn chỉnh của Trung Quốc vào Mỹ qua ngõ Mexico.

Định hướng là bảo vệ sản xuất trong nước đủ lớn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, vì thế phải có NAFTA 2 cũng không khuyến khích các nhà sản xuất sẽ trả lương cao hơn cho công nhân Mexico hoặc tổ chức lại chuỗi cung ứng, thay vào đó họ có thể sẵn sàng chịu mức thuế phạt này, vì nó ít tốn kém hơn so với giải pháp tăng lương, và càng ít tốn kém hơn so với việc di chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ - tác động mà ông Trump kỳ vọng thúc đẩy sản xuất trong nước. Thái Lan hay Indonesia đều có chính sách vậy và họ dùng các công cụ thuế để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ trong nước

Trong khi đó, điều kiện thứ 2 để được miễn thuế là 40% thành phần của xe phải có nguồn gốc từ các nhà máy "lương cao", tức đảm bảo trả lương cho công nhân tối thiểu 16USD/giờ. Quy định này buộc các nhà máy hầu hết đang đặt tại Mexico phải tăng lương cho công nhân Mexico, hoặc dịch chuyển nhà máy về Mỹ và đảm bảo nguồn thu nhập cao cho công nhân nước này.

Tuy nhiên, mức thuế phạt đối với xe nhập khẩu không đáp ứng được mục tiêu này là rất nhỏ, chỉ 2,5%. Chính vì vậy, quy định này cũng không khuyến khích các nhà sản xuất trả lương cao hơn cho công nhân Mexico hoặc tổ chức lại chuỗi cung ứng, thay vào đó họ có thể sẵn sàng chịu mức thuế phạt này, vì nó ít tốn kém hơn so với giải pháp tăng lương, và càng ít tốn kém hơn so với việc di chuyển sản xuất sang Mỹ - tác động mà ông Trump kỳ vọng.

Theo NAFTA 2, tổng số xe có thể nhập khẩu miễn thuế từ Canada và Mexico sẽ được giới hạn ở mức 5,2 triệu chiếc. Bất kỳ lượng tăng thêm nào cũng sẽ chịu thuế ở mức 2,5% và có khả năng tăng thêm 25% ở giai đoạn sau. Tuy nhiên con số 5,2 triệu xe này đang cao hơn 1 triệu xe so với quy định hiện tại, do đó sẽ không có nhiều tác động đến ngành công nghiệp ô tô, chủ yếu là vì các mục tiêu mà NAFTA 2 đặt ra đã nằm trong phạm vi hiện tại.

Một vấn đề lớn khác là làm thế nào các yêu cầu mới sẽ được thực thi. Nếu việc tuân thủ được để lại cho các công ty sản xuất ô tô tự nguyện thi hành thì họ sẽ tìm giải pháp để lách các quy định. Nếu chính phủ Liên bang thực hiện công việc này với các cách thức kiểm toán phù hợp và các hình phạt nghiêm khắc cho các hành vi sai trái, thì có thể phải tạo ra một cơ quan hoàn toàn mới để đảm nhận. Tuy nhiên, cho đến nay, Nhà Trắng đã không có dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng thực thi công việc giám sát này.

Chính vì vậy, dù ông Trump không ngớt "ca tụng" về những thỏa thuận của NAFTA 2, nhưng tác động của nó gần như là không đáng kể và cũng khó có thể thay đổi tình trạng hiện nay, ngoài việc ngăn chặn lượng xe từ Trung Quốc tuồn vào Mexico và xuất sang Mỹ để tránh các quy định về xuất xứ và được miễn thuế.

Tuy nhiên, với việc sớm hoàn tất sửa đổi thỏa thuận NAFTA, giữ vững được hai đối tác thương mại láng giềng là Mexico và Canada, ông Trump sẽ có nhiều nguồn lực và "đạn dược" hơn, cũng như tập trung được sự quan tâm hơn cho cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà theo dự báo sẽ tiếp tục leo thang trong giai đoạn kế tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mong muốn của Mỹ sau thỏa thuận NAFTA 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO