M&A - Vũ khí đắc lực giúp Trung Quốc "thâu tóm" thế giới?

03/06/2016 00:49

Việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bỏ tiền mua lại hàng loạt công ty, thương hiệu lớn ở nước ngoài, làm dấy lên mối băn khoăn về khả năng có một ngày Trung Quốc thâu tóm cả thế giới.

M&A - Vũ khí đắc lực giúp Trung Quốc

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, đồng tiền giảm giá cùng với khát vọng vươn ra toàn cầu đang thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc bỏ tiền mua lại hàng loạt công ty, thương hiệu lớn ở nước ngoài, làm dấy lên mối băn khoăn về khả năng có một ngày Trung Quốc "thâu tóm" cả thế giới. 

Sự kiện Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma bỏ ra 1 tỷ USD để nắm cổ phần chi phối Công ty Thương mại điện tử Lazada có trụ sở ở Singapore và chi nhánh tại Việt Nam không làm cho giới quan sát bất ngờ. Vụ Tập đoàn Hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) đầu tư 43 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp và hạt giống hàng đầu thế giới Sygnenta của Thụy Sĩ cũng vậy.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp nước ngoài mà các tập đoàn Trung Quốc đang ráo riết tiến hành trong thời gian gần đây.

Theo thông tin báo chí, thương vụ Alibaba-Lazada coi như đã hoàn tất, vụ ChemChina-Sygnenta có thể hoàn tất vào cuối năm nay, theo ông John Ramsey - Tổng giám đốc Syngenta toàn cầu. Vẫn chưa dừng lại, ChemChina còn đang tiếp cận Tập đoàn Năng lượng Anh BG Group với ý đồ thâu tóm tập đoàn này vào cuối năm nay sau khi hãng Royal Dutch Shell chuẩn bị kết thúc đàm phán mua lại BG Group với giá 52 tỷ USD, hãng tin Reuters ngày 19/4 cho biết.

Ngoài các thương vụ đình đám trên, đáng chú ý còn có vụ Tập đoàn Địa ốc Dalian Wanda, trụ sở ở thành phố Đại Liên, bỏ ra 3,5 tỷ USD để mua cổ phần chi phối nhà sản xuất phim Hollywood Legendary Entertainment; Tập đoàn Bảo hiểm Anbang đặt giá 14 tỷ USD, rồi sau đó rút lui, để mua Tập đoàn Starwood Hotels & Resorts, chủ sở hữu thương hiệu Sheraton toàn cầu, sau khi đã mua khách sạn lừng danh Waldorf Astoria tại New York với giá 1,95 tỷ USD và đang thỏa thuận thôn tính chuỗi khách sạn sang trọng Strategic Hotels & Resorts – chủ hệ thống khách sạn Four Seasons ở Austin và Silicon Valley, hệ thống khách sạn InterContinental ở Miami và Chicago – với giá 6,5 tỷ USD.

Năm ngoái Anbang cũng đã mua lại nhiều khách sạn nhỏ ở Pháp khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu làm cho các tài sản này trở nên rẻ bất ngờ. Tập đoàn Haier có trụ sở ở Thanh Đảo thì thâu tóm bộ phận sản xuất đồ dùng gia đình nổi tiếng của Tập đoàn General Electric Co. với giá 5,4 tỷ USD, cao hơn 2 tỷ USD so với chào giá của Tập đoàn Thụy Điển Electrolux…

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, trong ba tháng đầu năm 2016, các tập đoàn Trung Quốc đã bỏ ra 97,4 tỷ USD để mua lại doanh nghiệp nước ngoài. Con số này tương đương với mức tăng trưởng 237% so với cùng kỳ và bằng 80% tổng đầu tư của cả năm ngoái.

Người Trung Quốc dường như đang mua mọi thứ, từ những chuỗi khách sạn, nhà hàng cho tới trang trại, hầm mỏ – tất cả những gì đồng tiền có thể mua được. “Bảo hiểm Anbang. ChemChina. Dalian Wanda. Alibaba. Haier… Bạn chưa bao giờ nghe nói tới những cái tên này? Vậy hãy bắt đầu làm quen với chúng đi”, một bản tin trên trang BBC viết.

Vì sao đột nhiên người Trung Quốc hứng thú lao vào việc mua lại, thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài, đôi khi với cái giá mà người trong cuộc không ngờ tới được? Các doanh nghiệp Trung Quốc muốn gì?

Tất nhiên mỗi thương vụ có một mục đích riêng, nhưng có những động lực chung thôi thúc làn sóng "thâu tóm" của doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo BBC, sau nhiều năm chiếm lĩnh thị trường nội địa, doanh nghiệp Trung Quốc muốn "ra biển lớn", sánh vai với các "chàng khổng lồ" trên thương trường. Họ mong muốn, trong vài năm nữa, khi bàn tới khách sạn thì phải nói tới Anbang thay vì Hilton, trong nông nghiệp thì nói tới ChemChina thay cho Monsanto….

Tham vọng này của doanh nghiệp Trung Quốc được chính quyền Bắc Kinh ủng hộ và hỗ trợ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần thôi thúc các tập đoàn nước này tiến hành thôn tính doanh nghiệp nước ngoài để giành bí quyết công nghệ và mở rộng thị phần. Giữa giới lãnh đạo chính trị và quản lý doanh nghiệp nước này dường như có sự đồng thuận cao, coi việc thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài là một cách thức thể hiện sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg đưa ra một kiến giải khác: đồng Nhân dân tệ (CNY) ngày càng yếu so với USD khiến các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực "bảo toàn" vốn bằng cách đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài, định giá bằng USD.

Giảm giá CNY là một chính sách của chính phủ Bắc Kinh nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Trung Quốc ra thị trường thế giới, cứu các doanh nghiệp sản xuất đang vật lộn với tình trạng dư thừa công suất, tồn kho cao, nhu cầu yếu và kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Bloomberg cho biết, chỉ số CFETS RMB Index – mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc sử dụng để đo lường giá trị của đồng CNY so với 13 đồng tiền mạnh khác – đã lần đầu tiên giảm xuống mức 98 điểm kể từ năm 2014 bất chấp cam kết của Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên sẽ giữ vững giá trị đồng tiền.

Hiện 1 USD đổi được 6,47 CNY. Nhưng theo khảo sát của Bloomberg với 43 nhà chiến lược kinh tế, trong năm nay đồng CNY sẽ giảm giá 3,3% so với USD, cuối năm 1 USD sẽ đổi được 6,7 CNY và đến cuối năm 2017 sẽ giảm 7%, 1 USD ăn 6,97 CNY.

"Đồng CNY đã mất 6,8% giá trị trong hai năm qua, thúc đẩy các công ty mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại", Bloomberg nhận định. Samson Lo - Trưởng bộ phận M&A châu Á của Ngân hàng UBS cũng đồng ý như vậy: "Xu hướng giảm giá của đồng CNY là động lực cho các vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc, họ đang hối hả mua lại doanh nghiệp vì càng về sau tài sản càng đắt lên".

Zhao Longkai - Phó giáo sư Trường Quản trị Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để "đi ra toàn cầu". "Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cố bảo toàn vốn và đa dạng hóa tài sản ở nước ngoài là giải pháp đúng", ông nói.

Nhưng hoạt động đầu tư M&A ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc cũng gây khó xử cho chính quyền nước này trong lúc họ đang muốn ngăn chặn làn sóng ngoại tệ chảy ra khỏi đất nước, gây áp lực lên chính sách tỷ giá.

Mark Mobius - Giám đốc Quỹ đầu tư Templeton Emerging Markets nhận định, Bắc Kinh đang ở thế tiến thoái lưỡng nan: vừa muốn thực hiện mục tiêu lâu dài là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra thương trường toàn cầu, trở thành những tập đoàn quốc tế, vừa không muốn một lượng ngoại tệ khổng lồ chảy ra khỏi đất nước.

Vậy xu hướng "thâu tóm" này sẽ kéo dài tới lúc nào? BBC cho rằng, thế giới nên sẵn sàng chứng kiến thêm nhiều vụ sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc. Và tất nhiên, không phải thương vụ nào cũng suôn sẻ. Trong năm nước Mỹ bầu cử tổng thống, hoạt động thâu tóm quy mô lớn của Trung Quốc tại Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải những rắc rối chính trị có thể dự đoán được.

Với Việt Nam, xu hướng sáp nhập và thâu tóm của các doanh nghiệp Trung Quốc đang gây lo ngại cho nhiều chủ doanh nghiệp. Các nhà sản xuất Việt Nam đã mất dần thị trường nội địa do hàng Thái Lan tràn ngập hệ thống siêu thị Metro sau khi hệ thống này được chuyển nhượng cho tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC), hàng Hàn Quốc tràn ngập Lotte Mart và hàng Nhật vươn lên chiếm lĩnh hệ thống siêu thị Aeon, Citimart… bây giờ lại càng lo lắng nhiều hơn khi hàng Trung Quốc chất lượng kém, giá rẻ có thêm kênh thương mại điện tử Lazada để tràn vào.

Nguy cơ thua ngay trên sân nhà là mối lo canh cánh của các nhà doanh nghiệp Việt trước xu thế thâu tóm khó chống đỡ của các công ty Trung Quốc.

>Làm ăn với Trung Quốc: Khó chồng lên khó

>Làm ăn với TQ: Cảnh giác với những nghịch lý

>Mỹ lo ngại về đề nghị M&A từ doanh nghiệp Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A - Vũ khí đắc lực giúp Trung Quốc "thâu tóm" thế giới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO