Liệu FED có tăng lãi suất?

LÊ PHAN| 21/03/2019 06:05

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có cuộc họp chính sách từ ngày 19 đến 21/3. Đây là cuộc họp lần thứ hai trong năm nay, sau cuộc họp lần đầu vào cuối tháng 1. Hiện các nhà đầu tư đều rất quan tâm liệu FED có tăng lãi suất trong cuộc họp lần này, khi mà cùng thời điểm này năm ngoái FED đã tăng thêm 0,25%.

Liệu FED có tăng lãi suất?

Tác động từ chính trị và thương mại

Theo lộ trình tăng lãi suất được chia sẻ trong họp báo sau cuộc họp chính sách hồi tháng 12/2018, các quan chức FED gợi ý sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, theo giới phân tích dự báo thì khả năng sẽ chỉ có một lần hoặc thậm chí là không có lần tăng nào trong năm 2019 này.

Hiện tại, lãi suất cơ bản USD đang ở vùng 2,25 - 2,5%, và theo công cụ FedWatch của CME thì xác suất tăng lãi suất hiện nay là 0%, xác suất giữ nguyên lên đến 98,7% và thậm chí còn có xác suất giảm với tỷ lệ 1,3%.

Về mặt chính trị, Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua tiếp tục chỉ trích kịch liệt chính sách tăng lãi suất của FED. Hồi đầu tháng này, ông Trump phát biểu đồng USD đã quá mạnh đồng thời "đá xéo" người đứng đầu FED khi nói "Chúng ta có một quý ông thích tăng lãi suất và làm cho đồng USD mạnh ở FED". Ông cũng nói rằng vấn đề duy nhất mà nền kinh tế Mỹ đang gặp phải chính là FED.

Rõ ràng vị Tổng thống Mỹ này luôn kiên định lập trường không muốn có đồng USD mạnh, mà có thể khiến Mỹ chịu thiệt trong quan hệ thương mại với các đối tác, cũng như thất thế trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khi mà Bắc Kinh thời gian qua chủ ý phá giá đồng nhân dân tệ để giảm thiểu thiệt hại từ các hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại đang vào giai đoạn quyết liệt, trong đó một cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ diễn ra để chốt các điều khoản và ký kết chính thức. Tuy nhiên, trong trường hợp mọi việc không như dự kiến, không chỉ chứng khoán toàn cầu mà chứng khoán Mỹ có thể lao dốc mạnh. Nếu cộng thêm việc FED tăng lãi suất thì sẽ không biết mọi chuyện còn tồi tệ đến đâu.

Những tín hiệu phát ra gần đây từ Ngân hàng trung ương Mỹ là "sẽ kiên nhẫn hơn nữa" đối với vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phù hợp với tính toán của các ngân hàng trung ương khác.

Ông Trump luôn lấy thước đo của thị trường chứng khoán như là thành tích điều hành của mình, dĩ nhiên ông không muốn việc FED tăng lãi suất sẽ đẩy ông vào thế khó trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, vì Bắc Kinh có thể tận dụng mối e ngại thị trường giảm điểm của ông để lấn át các điều khoản thỏa thuận trong đàm phán. Chính vì vậy, việc giữ cho FED không tăng lãi suất sẽ giúp Mỹ mạnh dạn hơn với các thỏa thuận thương mại.

Nhiều yếu tố không chắc chắn

Về phần mình, FED đã thận trọng hơn khi tính toán tăng lãi suất bởi có quá nhiều yếu tố liên quan và tác động lẫn nhau trong suốt thời gian qua, từ sự bất ổn thương mại, việc chính phủ đóng cửa, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và sự biến động mạnh của các thị trường tài chính.

Vì vậy, dễ hiểu khi những tín hiệu phát ra gần đây từ ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này là "sẽ kiên nhẫn hơn nữa" đối với vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ. Định hướng này cũng phù hợp với tính toán  của các ngân hàng trung ương khác. Mới đây nhất, ECB đã cam kết giữ nguyên lãi suất thấp cho đến hết năm nay bên cạnh duy trì chương trình nới lỏng, dù trước đó cơ quan tiền tệ quyền lực nhất châu Âu này đã nhiều lần úp mở về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại trong năm 2019.

Đáng lưu ý là không chỉ các thành viên của FED ngày càng có những phát biểu ôn hòa hơn, mà ngay cả Chủ tịch FED là ông Jerome Powell, ngày 10/3 tuyên bố lãi suất cơ bản đồng USD đang ở mức hợp lý, do đó FED không cảm thấy vội chút nào trong việc điều chỉnh lãi suất và đang theo dõi xem liệu sự giảm tốc kinh tế toàn cầu sẽ có ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế Mỹ.

Thực tế là những số liệu kinh tế gần đây khá bi quan, không chỉ từ Trung Quốc hay châu Âu, mà ngay cả trong chính nền kinh tế số 1 thế giới. Báo cáo Beige Book của FED công bố hôm 7/3 cho thấy triển vọng kinh tế bi quan với 10 trong số 12 ngân hàng dự trữ tại các bang chỉ tăng từ "nhẹ đến trung bình", do ảnh hưởng từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa trong giai đoạn trước đó.

Cần biết rằng, báo cáo Beige Book thể hiện tình hình hiện tại cũng như về đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ, dựa trên hoạt động kinh tế của 12 ngân hàng dự trữ bang của FED, luôn được FED sử dụng trong cuộc họp với Ủy ban Thị trường mở (FOMC) để thiết lập chính sách lãi suất.

Lạm phát liên tiếp giảm và ngày càng rời xa mục tiêu 2% của FED, nên cơ quan này cũng không có động lực buộc phải tăng lãi suất. Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ tiếp tục giảm từ mức 1,6% trong tháng 1 xuống 1,5% trong tháng 2 vừa qua. Không chỉ lạm phát suy yếu, thị trường việc làm cũng có dấu hiệu sụt giảm chứ không còn quá nóng như giai đoạn trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liệu FED có tăng lãi suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO