Lao động di cư: Mạnh mẽ hơn cả tự do hóa thương mại

THỤY KHA| 06/12/2012 00:52

Tự do hóa lao động di cư có thể tác động rất lớn đến sản lượng toàn cầu.

Lao động di cư: Mạnh mẽ hơn cả tự do hóa thương mại

Tự do hóa lao động di cư có thể tác động rất lớn đến sản lượng toàn cầu.

Đọc E-paper

"Dọn dẹp hôi thối khỏi Hy Lạp" là khẩu hiệu gay gắt của Golden Dawn - một phong trào chống người nhập cư ngày càng phổ biến tại Hy Lạp.

Không chỉ Hy Lạp, trong tình hình kinh tế khó khăn, Thủ tướng Anh đã kiên quyết cam kết giảm một nửa số người nhập cư vào nước Anh vào năm 2015. Trong khi đó, trong cuộc bầu cử mới đây, nước Mỹ cũng bị chia rẽ sâu sắc trong vấn đề cắt giảm số lượng người nhập cư.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu được tập hợp trên tờ The Ecomist, thay đổi quan điểm chính trị về vấn đề nhập cư là rất cần thiết. Bởi vì,  lưu thông trong vấn đề nhập cư có thể giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu tương tự như thúc đẩy thương mại tự do.

Dòng chảy thông suốt của lao động xuyên biên giới có thể nâng cao sản lượng, khuyến khích sự phát triển của hàng hóa và ý tưởng mới...

Hàng triệu người có thể chuyển từ nghèo sang giàu nếu có cơ hội tự do di chuyển tìm kiếm việc làm. Thực tế, một sự bùng phát của làn sóng nhập cư có thể tạm thời làm giảm tiền lương của người dân bản địa, nhưng nếu điều chỉnh hợp lý dòng lao động di cư sẽ không gây ra bất kỳ sự xáo trộn tiền lương nào đối với nền kinh tế của cả nơi đến và nơi đi.

Nghiên cứu của John Kennan, Đại học Wisconsin-Madison, ước tính một biên giới mở toàn cầu có thể nâng cao mức lương trung bình của người lao động từ các nước đang phát triển 10.100 USD một năm. Lẽ dĩ nhiên, thu nhập tăng sẽ tạo sức tăng trưởng cho GDP toàn cầu.

Các nghiên cứu khác tìm thấy tác động thậm chí còn lớn hơn. Một bài báo năm 2007 của hai nhà kinh tế Paul Klein, Đại học Simon Fraser, và Gustavo Ventura, Đại học bang Arizona, đã ước tính dịch chuyển lao động có thể tăng sản lượng toàn cầu lên đến 122%.

Nhà nghiên cứu Lant Pritchett của Đại học Harvard ước tính, chỉ cần tăng 3% trong lực lượng lao động thông qua di cư sẽ mang lại lợi ích hằng năm lớn hơn so với việc lọai bỏ các rào cản thương mại còn lại.

Người dân tại các nước giàu lo lắng lao động nhập cư sẽ "cướp" công việc và tiền lương của người bản xứ. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát của Đại học Cornell ,thấy rằng lao động nhập cư có rất ít tác động tiêu cực.

Trong một bài báo gần đây của Đại học California, nhập cư khuyến khích người dân địa phương hướng đến các công việc phức tạp hơn và tạo ra cơ hội tăng khoảng 0,6% tiền lương cho người dân bản địa, gấp đôi so với lao động nhập cư.

Các nền kinh tế tiên tiến cũng có thể lo lắng ngân sách khi phải chịu sức ép nhập cư. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, những người nhập cư có thể gây sức ép cho các dịch vụ xã hội nhưng họ có thể đóng góp nhiều thuế hơn so với những gì họ được hưởng.

Những người khác lo lắng rằng  những tài năng di cư có thể làm tổn thương các nền kinh tế mà họ để lại phía sau. Tuy nhiên, khả năng di chuyển tạo ra cơ hội cho người dân tại các thị trường mới nổi trong đầu tư vào giáo dục.

Xuất khẩu lao động cũng tạo ra dòng tiền lớn chuyển về quê nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên quốc gia. Vì thế, trong vấn đề lao động nhập cư, nếu các nhà hoạch định chính sách có thể nhìn qua nỗi sợ hãi, nguồn lợi mang về có thể là rất lớn.

Chính vì vậy, dù còn tranh cãi nhưng để gia tăng lực lượng lao động trong các lĩnh vực công nghệ và khoa học, Tổng thống Barack Obama chấp thuận cấp thêm 55.000 thẻ xanh cho lao động nhập cư. Bởi vì, theo thống kê, gần 25% các công ty công nghệ tại Mỹ đều do lao động nhập cư sáng lập.

Các công ty này tuyển dụng 560 ngàn lao động Mỹ và tạo ra doanh thu 63 tỷ USD. Rõ ràng, động lực lớn của nền kinh tế Mỹ vẫn là những người... ngoài nước Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lao động di cư: Mạnh mẽ hơn cả tự do hóa thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO