![]() |
Sau khi có báo cáo của Thượng viện Mỹ cáo buộc Ngân hàng HSBC tiếp tay cho các giao dịch bất hợp pháp, chủ tịch ngân hàng lớn này đã nói lời xin lỗi trong buổi điều trần trước Thượng Viện ngày 17/7, đồng thời một trong sáu người đứng đầu ngân hàng cũng đã xin từ chức.
HSBC đối mặt với án phạt tài chính rất lớn
![]() |
Trong buổi điều trần, ông David Bagley đã thành thật xin lỗi và xin từ chức. Ảnh: Bloomberg |
David Bagley, người đứng đầu bộ phận giám sát pháp lý của HSBC từ năm 2002 đến nay, thừa nhận sai lầm và tuyên bố từ chức.
Ông nói: “Thời điểm này là thích hợp cho cả tôi và ngân hàng tìm người mới để thay thế vị trí giám đốc bộ phận giám sát pháp lý”. Đây được xem như một phần động thái xoa dịu và rửa sạch tên tuổi cho HSBC sau vụ bê bối lớn lần này.
Tất cả các giám đốc điều hành cũng đứng ra xin lỗi vì những hành vi sai phạm trong quá khứ của ngân hàng và hứa hẹn sẽ có những cải cách đáng kể.
Bà Irene Dorner, giám đốc điều hành các hoạt động của HSBC tại Mỹ nói mình đã nỗ lực để thay đổi văn hóa ở ngân hàng.
Hiện HSBC đang trong quá trình đóng 20.000 tài khoản ở đảo Cayman vì cuộc điều tra.
Bà Dorner cũng cho biết “chúng tôi có cách để lấy lại lòng tin của nhà quản lý và công chúng, chúng tôi đang đốt “những cây cầu” để đảm bảo rằng không có ai có thể trở lại “lối mòn cũ” như trước”.
Trong khi đó, ông Christopher Lok, cựu giám đốc bộ phận tiền giấy của HSBC, được cho là đã “ép” những người đồng cấp khác mở tài khoản cho một ngân hàng ẢRập Saudi bị nghi ngờ là có quan hệ với Al Qaeda.
Tại buổi điều trần, ông Lok nói: “Có một số trường hợp tôi liên lạc với các đồng nghiệp theo những cách không mấy tích cực và khắt khe. Những thông tin liên lạc này là chưa chuyên nghiệp và tôi lấy làm tiếc vì điều đó”.
Chủ tịch Ủy ban điều tra thường trực của Thượng viện Mỹ, Carl Levin, hoan nghênh những nỗ lực sửa sai của lãnh đạo HSBC. Tuy nhiên, ông cho rằng sai lầm mang tính hệ thống của ngân hàng khổng lồ này có thể ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống ngân hàng Mỹ.
Ông nói: “Những lời xin lỗi và cam kết củng cố lại quy định giao dịch hoàn toàn được khuyến khích. Tuy nhiên, uy tín, cái quan trọng nhất, đã bị đánh mất”.
Ông Thomas J. Curry, trưởng Văn phòng kiểm soát tiền tệ tài chính, cho rằng "Cơ quan này đã quá chậm trong việc phản ứng và giải quyết các điểm yếu đáng kể và các hành vi vi phạm. Trong tương lai, ông hy vọng cơ quan này sẽ hành động nhanh hơn và làm hoàn chỉnh bức tranh của hoạt động của ngân hàng”.
Cổ phiếu HSBC ngày 17/7 đóng cửa ở mức thấp hơn 1,7% trong thương mại ở London. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Mediobanca của Ý, HSBC đang phải đối mặt với án phạt tài chính rất lớn nhưng rủi ro chính trị có thể là mối đe dọa lớn hơn.
Những nhà phân tích này cho biết "Hậu quả quan trọng nhất là ngân hàng lớn này sẽ là tâm điểm chú ý và bị đem ra soi dưới “kính hiển vi”… tại thời điểm bất lợi khi các ngân hàng được sử dụng như con dê tế thần bởi các chính trị gia toàn cầu”.
Phản ứng từ ngân hàng Mexico
Những nhà quản lý ngân hàng của Mexico đã bảo vệ vai trò của mình trong vụ bê bối lần này của HSBC và cho biết đã nhiều lần đề xuất với HSBC cải thiện kiểm soát lỏng lẻo các quỹ đáng ngờ.
Chỉ trong hai năm 2007-2008, chi nhánh Mexico đã chuyển 7 tỉ USD vào các hoạt động của chi nhánh tại Mỹ. Cả các nhà chức trách Mexico và Mỹ đều cho rằng con số này là gắn liền với thu nhập bất hợp pháp từ các băng nhóm ma túy.
Ông Guillermo Babatz, người đứng đầu ngân hàng và ủy ban chứng khoán ở Mexico (CNBV), cho biết từ năm 2002, cơ quan giám sát đã nhận thấy “điểm yếu” trong khâu kiểm soát rửa tiền của HSBC.
Trong những năm sau đó, CNBV đã nhiều lần tổ chức họp với các giám đốc điều hành HSBC từ khắp nơi trên thế giới để đưa ra cách cải thiện kiểm soát chống rửa tiền. Bản thân ông cho rằng lỗi nằm ở khâu hành chính.