Hoa Vi: Hoa nhỏ thành hoa độc

LAM HỒNG| 19/10/2012 06:52

Từ một cái tên không ai biết tới, sau chưa đầy ba thập kỷ, Huawei (Hoa Vi) có thể gieo rắc nỗi sợ hãi cho cả thế giới.

Hoa Vi: Hoa nhỏ thành hoa độc

Từ một cái tên không ai biết tới, sau chưa đầy ba thập kỷ, Huawei (Hoa Vi) có thể gieo rắc nỗi sợ hãi cho cả thế giới.

Đọc E-paper

Đòn thù bảo hộ?



Sau khi được thành lập vào năm 1987, Hoa Vi nhanh chóng trở thành câu chuyện thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông. Sau gần ba thập niên, giá trị của Hoa Vi tăng từ 5.000 USD lên tới 32 tỷ USD với 140.000 nhân công và phục vụ khách hàng ở 140 nước.

Hãng này đánh bại cả các đối thủ sừng sỏ như Alcatel-Lucent, Ericsson và Cisco Systems với những sản phẩm giá rẻ. Ở châu Âu, hơn một nửa thiết bị viễn thông 4G là do Hoa Vi cung cấp.

Chỉ đến năm 2000, mới bắt đầu nhảy vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động nhưng năm nay, Hoa Vi dự kiến sẽ tăng gấp ba doanh số bán smartphone, lên 60 triệu sản phẩm, thông qua việc mở rộng thị trường tại Mỹ với các sản phẩm giá dưới 200 USD, như MetroPCS và Cricket.

Năm ngoái, hãng thắng thầu hợp đồng cung cấp cho AT&T điện thoại Impulse với giá chỉ 29 USD. T-Mobile cũng đang thảo luận việc đặt Hoa Vi sản xuất hai mẫu điện thoại mới MyTouch...

Sự thành công của Hoa Vi trong một thị trường khổng lồ gieo rắc sự sợ hãi cho cả thế giới chứ không chỉ cho các đối thủ cạnh tranh. Do một sĩ quan về hưu thành lập, Hoa Vi được cho là có quan hệ quá chặt chẽ với quân đội Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, sự thành công nhân chóng của Hoa Vi cũng nhờ các khoản trợ cấp bí mật của chính phủ cũng như Quân giải phóng Trung Quốc.

Vì thế, các nước phương Tây lo ngại mạng lưới viễn thông mà Hoa Vi đang xây dựng ở khắp nơi trên thế giới có thể bị tận dụng để trở thành công cụ gián điệp từ phía Trung Quốc. Vì thế, hàng loạt các hoạt động chống lại Hoa Vi được dựng lên khắp thế giới.

Hồi đầu năm, Úc đã bác phương án thuê Hoa Vi xây dựng mạng viễn thông băng thông rộng tại Úc. Hoa Vi cũng vấp phải nhiều khó khăn trong việc mở rộng thương mại tại Ấn Độ. Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu (EC) đang tiến hành các cuộc điều tra và nhiều người nghi ngờ Hoa Vi nhận được sự trợ giúp lớn của Chính phủ Trung Quốc để có thể thực hiện các hoạt động gián điệp.

Trong bản phúc trình sơ bộ do Ủy ban Tình báo Mỹ tiết lộ ngày 7/10/2012 “Hoa Vi có thể là công cụ của chính quyền Trung Quốc, phục vụ mục tiêu gián điệp quân sự và công nghiệp. Các tác giả đề nghị chính phủ cấm Hoa Vi và hãng viễn thông Trung Hưng Thông Tấn (ZTE) phát triển thêm tại Hoa Kỳ và khuyến cáo hành pháp không mua trang thiết bị của hai công ty điện tử này”.

Hoa Vi phản ứng lại và cho rằng “đây là luận điệu của chủ nghĩa bảo hộ nhằm đánh bại các tập đoàn mới nổi có được sự phát triển vượt bậc”.

William Plummer, phát ngôn viên của Hoa Vi, nhận định: “Quốc hội Mỹ đang tung đòn đánh phá uy tín Trung Quốc khi lên án Hoa Vi đe dọa an ninh nước Mỹ”. Đặc biệt trong bối cảnh cả đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng viên Tổng thống Mitt Romney đang chịu sức ép phải gây áp lực lên Trung Quốc trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Nỗi sợ hãi có thật

Tuy nhiên, lo lắng về an ninh trong lĩnh vực viễn thông vấn là điều hợp lý: những báo cáo gần đây cho thấy các hacker Trung Quốc đã cố gắng ăn cắp bí mật thương mại của các công ty phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ một vụ tấn công “Trân Châu cảng” trên mạng do các tin tặc tiến hành. Ông Panetta đã lấy điển hình Nga và Trung Quốc là các quốc gia với “năng lực mạng tiên tiến” và nói rằng Iran cũng đang có các nỗ lực để biến không gian mạng thành lợi thế của họ.

Ông Panetta nói thêm rằng, trong các viễn cảnh bị thiệt hại nặng nề nhất, Mỹ có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng diễn ra cùng lúc và có thể phá hủy hệ thống hạ tầng then chốt và các hệ thống quân sự và mạng lưới truyền thông quan trọng.

Năm 2011, Hoa Vi đã bán ra trên thị trường Hoa Kỳ 1,3 tỷ USD hàng hóa và mua lại 6,6 tỷ USD linh kiện của Mỹ. Vì vậy, cấm Hoa Vi tham gia vào các hợp đồng thương mại cũng có thể là sai lầm và gây ra thiệt hại dây chuyền.

Bởi vì, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc nói chung và các thiết bị viễn thông của Hoa Vi sản xuất góp phần thúc đẩy cạnh tranh và tăng trưởng trên toàn thế giới. Các sản phẩm có giá rẻ nhưng hiệu quả của Huawei là nhân tố quan trọng dẫn đến sự thành công của cuộc cách mạng viễn thông ở châu Phi.

Hiện nay, các nhà sản xuất Trung Quốc đã trở thành một phần không thể tách rời của chuỗi sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu. Nếu như Hoa Vi hay ZTE bị cấm trong khi các hãng lớn khác như Alcatel-Lucent hay Ericsson được phép hoạt động tự do, thì tình hình liệu có khả dĩ hơn?

Cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ khiến cạnh tranh bị bóp méo và giá cả tăng lên mà thôi. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp ở đây là các hoạt động phải được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các doanh nghiệp chứ không riêng gì các công ty của Trung Quốc.

Chính phủ các nước nên quy định rõ ràng những điều kiện mà các công ty viễn thông cần phải có để hoạt động. Các thiết bị cũng cần được đảm bảo an toàn cho dù được sản xuất bởi bất cứ ai.

Nhưng đây cũng là bài học cho các nền kinh tế duy trì mô hình doanh nghiệp nhà nước kiểu Trung Quốc. Cấu trúc sở hữu không rõ ràng của những tập đoàn như Hoa Vi sẽ luôn gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Nếu không minh bạch và cởi mở hơn thì trước sau những công ty, tập đoàn dạng này cũng gặp rắc rối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoa Vi: Hoa nhỏ thành hoa độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO