Hàng loạt quốc gia tích vàng phòng cơ

HẢI ĐỖ (THEO LES ECHOS, TTX)| 17/12/2014 08:42

Hàng loạt quốc gia đã tăng tích trữ vàng tạo nên một kỷ lục chưa từng có kể từ năm 1964 do lo ngại những biến động ở khu vực châu Âu.

Hàng loạt quốc gia tích vàng phòng cơ

Hàng loạt quốc gia đã tăng tích trữ vàng tạo nên một kỷ lục chưa từng có kể từ năm 1964 do lo ngại những biến động ở khu vực châu Âu.

Đọc E-paper

Bất chấp xung đột và khủng hoảng địa - chính trị tại một số quốc gia sản xuất dầu lửa, giá vàng đen giảm hơn 20% từ tháng 6 đến đầu tháng 10/2014. Trong lịch sử năng lượng toàn cầu, cứ mỗi lần đồng USD tăng giá, thì giá dầu thô lại giảm. Giá vàng cũng chịu áp lực của các đợt biến động mạnh của giá dầu.

Giá vàng thế giới cũng giảm 1,7%, mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 7/2014. Trong đợt giảm giá lịch sử của dầu mỏ đang diễn ra, thị trường vàng cũng đang diễn ra những xu hướng "lạ”: các ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng.

Chỉ riêng trong năm 2013, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào gần 500 tấn vàng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới "đây là một kỷ lục chưa từng có từ năm 1964".

Hàng loạt quốc gia có động thái gây chú ý là đột nhiên lấy lại vàng gửi tại Mỹ, Thụy Sĩ và các nước phương Tây trong nhiều thập kỷ qua.

Chẳng hạn, Hà Lan đã chuyển 120 tấn vàng từ Mỹ về Amsterdam.

Tại Đức, ngày càng có nhiều yêu cầu đưa về nước phần lớn kho vàng quốc gia đang được cất giữ trong nhà kho của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tại New York. Nhưng dưới áp lực ngoại giao của Mỹ, Berlin đã phải từ bỏ ý định đưa 300 tấn vàng về nước.

Tháng 5, Áo cũng đòi kiểm kê kho vàng quốc gia ở trong nước và nước ngoài. Cuối tháng 11, Đảng Dân túy UDC của Thụy Sĩ đòi trưng cầu dân ý để ngân hàng trung ương phải thu vàng được cất giữ ở Mỹ, Anh và Canada...

Theo nhận định chung, khủng hoảng tài chính khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng quan tâm đến vàng hơn bao giờ hết và tìm mọi cách để tăng trữ lượng vàng quốc gia.

Đáng chú ý, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nắm giữ khối vàng hơn 1.000 tấn, tương đương với 1,6 % khối dự trữ ngoại tệ của nước này. Tuy nhiên lượng vàng này của Trung Quốc còn nhỏ so với hơn 8.000 tấn của Mỹ, và 3.500 tấn của Đức.

Trong năm 2013 Trung Quốc đã mua vào hơn 1.000 tấn vàng và trong vỏn vẹn hai năm, Bắc Kinh đã mua vào một lượng vàng tương đương với lượng vàng mà Ngân hàng Trung ương Pháp đang cất giữ.

Nắm giữ lượng vàng khổng lồ, Bắc Kinh không che đậy tham vọng giúp đồng nhân dân tệ đủ sức cạnh tranh với USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang từng bước thay thế khoản dự trữ USD bằng vàng. Vàng được coi là ổn định hơn và dễ sử dụng hơn một khi đồng nhân dân tệ được chuyển đổi.

Trong khi đó, nhiều nước vội vàng kiểm, thu vàng khi lo ngại kinh tế châu Âu chao đảo, trước khả năng Anh từng bước rút lui khỏi EU. Một số khác cho rằng, đồng USD đang mất dần vai trò trên thị trường tài chính thế giới nên chế độ bản vị vàng sẽ được tái lập.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang kiểm soát 1/5 khối lượng vàng của thế giới cho dù là từ năm 1973, chế độ bản vị vàng đã bị xóa bỏ.

Đối với hầu hết đơn vị tiền tệ trên thế giới, không còn một đồng tiền nào được cột chặt vào vàng.

Nhưng theo ông Didier Bruneel, cựu nhân viên Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France) và là tác giả cuốn sách Những bí mật của vàng, vàng luôn là "biểu tượng của sức mạnh, sự giàu có và vẫn luôn được coi là phương tiện thanh toán sau cùng được quốc tế công nhận trong mọi trường hợp.

Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970 cho tới khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008. Khi khủng hoảng nổ ra, giá vàng lại được đẩy lên cao.

Đó cũng là lý do mà Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp yêu cầu Ngân hàng Trung ương Pháp kiểm kê lượng vàng quốc gia và lo ngại nước này có dễ dàng huy động vàng để bảo đảm ổn định tài chính và kinh tế trong trường hợp cấp thiết hay không.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Gael Giraud thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp nhận định, nợ tư nhân trong Eurozone đang bùng nổ và đây sẽ là "quả bom nổ chậm" đe dọa cả khu vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, trở lại với bản vị vàng là điều không tưởng vì những lý do chính trị: Trở lại với bản vị vàng, có nghĩa là gián tiếp trao cho cho các quốc gia có những mỏ vàng lớn nhất trên thế giới như Venezuela, Nga, Trung Quốc, Nam Phi,... trọng trách "in tiền" cho thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng loạt quốc gia tích vàng phòng cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO