Hàn Quốc cần một mô hình phát triển mới

HOÀNG ĐĂNG (Theo The Economist)| 02/12/2011 09:44

Sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ lâu đã là hình mẫu cho các nước đang phát triển. Nhưng đã đến lúc HQ tìm hướng đi mới sau khi bắt kịp các nước phát triển.

Hàn Quốc cần một mô hình phát triển mới

Sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc (HQ) từ lâu đã là hình mẫu cho các nước đang phát triển. Nhưng đã đến lúc HQ tìm hướng đi mới sau khi bắt kịp các nước phát triển.

Hiệu quả nhưng cần thay đổi

Nửa thế kỷ trở về trước, HQ là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người tương đương những khu vực nghèo nhất của châu Phi.

Vậy mà chỉ 50 năm sau, quốc gia này đã hoàn toàn “lột xác”, giàu hơn chuẩn trung bình của châu Âu. Dự báo, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người tính theo phương pháp sức mua tương đương của HQ vào năm 2012 sẽ đạt 31.750USD, cao hơn đôi chút so với ngưỡng trung bình 31.550USD của châu Âu.

Cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái toàn cầu nhưng HQ phục hồi nhanh hơn các nước giàu khác.

Tăng trưởng GDP của HQ đạt 6% trong năm 2010 và dự báo giảm còn 4% trong năm nay với tỷ lệ thất nghiệp được duy trì thành công ở mức 3%, một con số lý tưởng đối với các nước phát triển, nhờ kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng ổn định cùng với các chương trình xây dựng công và chậm thu thuế thu nhập.

Để duy trì những thành quả ấn tượng này, HQ cần những chiến thuật mới. “Đi tắt đón đầu” là điều HQ cũng như các doanh nghiệp HQ đã làm rất tốt trong thời gian qua.

Hyundai đã vượt qua Toyota để trở thành hãng xe giá rẻ, hiệu dụng và đáng tin cậy nhất thế giới; trong khi ngành công nghiệp đóng tàu của HQ hiện tại hoàn toàn không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới về tính kinh tế dựa trên quy mô.

Tuy nhiên, đây vẫn là chiến thuật của những nước đi sau. HQ phiên bản 1960-2010 vẫn là mô hình lý tưởng cho các nước đang phát triển noi theo, nhưng một khi đã vươn mình lên hàng ngũ những nước giàu, phát triển, HQ cần tự tìm một lối đi riêng cho mình.

Cách mạng về lao động

Trung bình, một công nhân HQ làm việc 2.200 giờ/năm, nhiều hơn 50% so với những công nhân Hà Lan hay Đức. Tuy nhiên, khi nỗ lực làm thêm giờ của người công nhân đã giúp quốc gia leo lên nhóm những quốc gia giàu nhất thế giới, thật khó có thể hy vọng yếu tố này sẽ tiếp tục mang lại các bước nhảy vọt mới.

HQ là một trong những quốc gia có chất lượng giáo dục cao nhất thế giới, tương đương Phần Lan, Singapore và các nước giàu thuộc khối OECD, cũng như đầu tư nhiều nhất cho giáo dục đại học.

Tuy nhiên, theo chuyên gia cố vấn Yeong Kwan Song, thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển HQ, các công ty nước này đang lo ngại về chất lượng của sinh viên tốt nghiệp. Họ thiếu những kỹ năng công nghiệp dù được trang bị nền tảng cơ bản rất tốt.

Dù là một nước giàu thuộc khối OECD, nhưng tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 25 - 54 tham gia lực lượng lao động của HQ chỉ đạt 62%, thuộc mức thấp trong khối OECD, dù phụ nữ nước này thường có nền tảng giáo dục tốt hơn nam giới.

Chính vì giờ làm việc dài nên phụ nữ thường có xu hướng ở nhà lo cho con cái hơn là đi làm như nam giới. Vì thế, theo chuyên gia Richard Freeman của Đại học Harvard, Mỹ, rút ngắn giờ làm, chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng giờ làm việc có thể là giải pháp đưa nhiều lao động nữ có trình độ, tay nghề trở lại lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, nền giáo dục HQ cần thay đổi trọng tâm đào tạo, chuyển từ giáo dục phổ thông sang đào tạo một lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề phù hợp với những ngành công nghiệp mũi nhọn của nước này.

Thoát khỏi chaebol

Chaebol hiện chiếm khoảng 25% lực lượng lao động và hơn một nửa GDP của HQ. Nhiều chaebol lớn của HQ đang có vị thế quan trọng trên thương trường quốc tế.

Lấy Samsung làm ví dụ, số lượng smartphone mà Samsung Electronics, một trong 83 bộ phận của chaebol này, bán ra trên toàn thế giới hiện đã vượt qua cả Apple.

Mặc dù vậy, việc phụ thuộc quá nhiều vào chaebol lại giống như một con dao hai lưỡi. Còn nhớ, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, hơn một nửa số tập đoàn lớn nhất HQ phải phá sản, nhiều công ty có tỷ lệ nợ trên tài sản lên đến 500%, khiến cho nền kinh tế trì trệ trong một thời gian dài.

Hơn nữa, do phần lớn chaebol ở HQ hoạt động theo mô hình gia đình, nên rủi ro sẽ phát sinh vào những giai đoạn thế hệ lãnh đạo đi trước chuyển giao quyền lực cho thế hệ con cháu của họ.

Theo ông Hasung Jang, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh thuộc Đại học HQ, sự bành trướng của các chaebol vô tình lại hạn chế khả năng sáng tạo và tinh thần tự doanh của các doanh nghiệp non trẻ ở HQ.

Kết quả là ngoài một số công ty triển vọng trong lĩnh vực internet và thiết kế trò chơi, HQ hiếm khi có những doanh nghiệp mới thành lập, với những phát minh hay kỹ thuật đột phá có khả năng thách thức vị thế của những ông lớn như ở các nước phát triển khác, điển hình là Mỹ.

Chú trọng doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu như các công ty sản xuất, xuất khẩu của HQ, tiêu biểu là các chaebol, đã đạt trình độ của một nước phát triển thì lĩnh vực dịch vụ, vốn tập trung nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn ở trình độ của một nước thuộc thế giới thứ ba.

Trong hai năm 2008-2009, chính phủ HQ gia tăng ngân sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này từ 6 ngàn tỷ won (hơn 5,31 tỷ USD) lên hơn 10 ngàn tỷ won (gần 8,86 tỷ USD).

Khoản đảm bảo tín dụng của chính phủ cũng tăng từ 33 ngàn tỷ won (hơn 29,2 tỷ USD) lên 60 ngàn tỷ won (53,14 tỷ USD) trong cùng giai đoạn.

Năm ngoái, chính phủ còn yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vay vốn. Tuy nhiên, theo chuyên gia Randall Jones của OECD, những chính sách này nếu được áp dụng trong bối cảnh thiếu tính cạnh tranh trên thương trường trong nước thì không chỉ kém hiệu quả, mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay, so với các nước giàu, HQ chưa có công ty nào đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàn Quốc cần một mô hình phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO