Giải mã thực nợ của Trung Quốc

MINH VŨ| 08/03/2012 08:31

Theo công bố gần đây của tờ Economist, cuối năm 2011, tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc (TQ) đạt mức 16,3%. So với con số 17% của năm 2010, tỷ lệ này giảm nhẹ, và có vẻ lý tưởng trong bối cảnh nợ công đang khiến các quốc gia từ Âu sang Mỹ, Á phải đau đầu.

Giải mã thực nợ của Trung Quốc

Theo công bố gần đây của tờ Economist, cuối năm 2011, tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc (TQ) đạt mức 16,3%. So với con số 17% của năm 2010, tỷ lệ này giảm nhẹ, và có vẻ lý tưởng trong bối cảnh nợ công đang khiến các quốc gia từ Âu sang Mỹ, Á phải đau đầu.

Theo chỉ số “wiggle-room index” của Economist, vốn đánh giá khả năng nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ của một nước, số điểm của TQ hiện cao thứ ba, chỉ xếp sau Ả rập Saudi và Indonesia.

Theo Economist, TQ không phải chịu sức ép tăng trưởng nhanh như những nền kinh tế mới nổi khác và trong bất kỳ tình huống nào, quốc gia này đều còn nhiều khoảng trống để ứng phó.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đánh giá của Economist có phần quá lạc quan và chưa tính đến “những khoản nợ ẩn” của TQ. Một khi tính toán đầy đủ, tỷ lệ nợ trên GDP của TQ không phải là 16,3%, mà có thể lên đến 90% - 160%, tức xấp xỉ con số 164% của Hy Lạp.

Tình hình càng có vẻ tồi tệ khi hầu hết các nhà kinh tế đều thiên về giả thiết sau.

Nếu giả thiết nêu trên là đúng thì hiện tại, với GDP năm 2011 đạt khoảng 7.000 tỷ USD, tổng nợ của TQ hiện là 6.300 - 11.200 tỷ USD.

Theo Newsweek, khoản nợ hiện tại của TQ chủ yếu là những khoản nợ ẩn, trong đó phần lớn nằm ở dạng nghĩa vụ ngoài sổ sách của chính quyền và ngân hàng tại các tỉnh, thành.

Ngoài ra còn có những khoản nợ khác do chính quyền trung ương, Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh để tài trợ cho các dự án tại các tỉnh, thành phố, tái cấu trúc vốn hệ thống ngân hàng và trợ giá lương thực.

Nguyên nhân của khoản nợ khổng lồ này được cho là bắt nguồn từ gói kích thích kinh tế của chính phủ TQ vào năm 2008, khi kinh tế nước này hạ nhiệt cùng đà suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo tính toán của Newsweek, trị giá gói kích thích này lên đến 1.100 tỷ USD chứ không phải là 600 tỷ USD như công bố, trong khi tại thời điểm đó, quy mô nền kinh tế TQ ở mức 4.300 tỷ USD. Nhờ gói kích thích trị giá bằng 1/4 GDP, kinh tế TQ tăng trưởng 9,1% trong năm 2009 và 10,3% vào năm 2011.

Tuy nhiên, khi nhận được nguồn tiền từ gói kích thích kinh tế, nhiều tỉnh, thành ở TQ đã đầu tư rất lãng phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến sự xuất hiện của những “thành phố ma”, tức những thành phố với hạ tầng hiện đại nhưng hoàn toàn không có người ở do mật độ dân cư thưa thớt, điển hình là Ordos, Nội Mông.

Tổng dân số của thành phố này chỉ là 1,5 triệu người, nhưng chính quyền lại đầu tư xây dựng hơn 64,5 triệu căn hộ, đủ sức làm nơi sinh sống cho 200 triệu người.

Năm 2011, chính quyền Nội Mông cho biết 64,5 triệu căn hộ trên hầu như không sử dụng điện trong hơn 6 tháng liên tục, đồng nghĩa với không có bóng người ở trong những khu dân cư đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng ấy.

Vậy mà chính quyền khu tự trị lại tiếp tục bàn bạc với các công ty xây dựng tư nhân để cất thêm 40-50 triệu căn hộ như thế nhằm theo kịp kế hoạch xây dựng thêm 20 thành phố như Ordos của TQ trong hai thập niên tới.

Phát biểu trên Reuters, Chính phủ TQ cho biết, tổng nợ của nước này đến thời điểm cuối năm 2010 là vào khoảng 10,7 ngàn tỷ nhân dân tệ (NDT) (1.687 tỷ USD), trong đó, tỷ lệ nợ xấu là từ 2,5 - 3 ngàn tỷ NDT (394 - 473 tỷ USD).

Tuy nhiên, ngân hàng Standard Chartered cho biết, khoản nợ xấu có thể lên đến 8 - 9 ngàn tỷ NDT (1.261 - 1.419 tỷ USD), gấp 3 lần con số chính phủ công bố.

Trên thực tế, nền kinh tế của TQ đã bộc lộ nhiều vấn đề trong thời gian qua. Các con số thống kê trong tháng 1 đều cho thấy xu hướng giảm so với tháng trước.

Nếu không có một động thái tích cực nào, kinh tế TQ sẽ tiếp tục ảm đạm cho đến hè năm nay và tình trạng phân phối vốn sai lệch dẫn đến hiện tượng “thành phố ma” như trên vẫn sẽ tiếp diễn.

Đồng NDT đã mạnh trở lại trong thời gian gần đây, nhưng hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng TQ sẽ chấm dứt xu hướng tăng này trong vài tháng tới để giải cứu các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp sản phẩm xuất khẩu rẻ hơn trên thị trường thế giới.

Hệ quả không tránh khỏi của việc phá giá đồng nội tệ, công cụ giúp chính quyền trung ương giảm bớt giá trị các khoản nợ đang một chồng chất, là lạm phát.

Tuy nhiên, một khi lạm phát trở nên nghiêm trọng, sức tiêu dùng của người dân, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, sẽ suy giảm, và kinh tế TQ cũng khó phục hồi. Một vấn đề nan giải đang chờ chính phủ mới của TQ giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải mã thực nợ của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO