“Giải cứu binh nhì Hy Lạp”

LAM HỒNG| 07/05/2010 06:09

Châu Âu đang vội vàng ngăn không cho cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp lan rộng hơn vì một cuộc vỡ nợ tại quốc gia có mức GDP nhỏ bé này lại đồng nghĩa với một sự đổ vỡ có tính dây chuyền tại lục địa.

“Giải cứu binh nhì Hy Lạp”

Châu Âu đang vội vàng ngăn không cho cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp lan rộng hơn vì một cuộc vỡ nợ tại quốc gia có mức GDP nhỏ bé này lại đồng nghĩa với một sự đổ vỡ có tính dây chuyền tại lục địa.

Hy Lạp đã lâm nguy

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou hôm 29/4 đã phải dùng đến cụm từ “đất nước lâm nguy” để nói về cuộc khủng hoảng nợ mà nước này đang cố thoát ra nhưng không được. Hôm 8/4, lãi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 10 năm đã vọt lên mức 7,5% từ mức 6,5% cách đó ba ngày.

Biếm họa về khủng hoảng nợ tại Hy Lạp

Do vậy, chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ của Hy Lạp cũng leo lên mức kỷ lục. Với chi phí vay vốn từ thị trường trái phiếu tăng từng ngày, Chính phủ Hy Lạp đang mất dần những cơ hội cuối cùng để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

“Vấn đề lúc này không còn là khả năng thanh khoản nữa, mà là nguy cơ vỡ nợ đã quá cận kề”, ông Stephen Jen, một chuyên gia kinh tế từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện đang làm chiến lược gia tại Công ty Quản lý quỹ BlueGold Capital Management có trụ sở ở London, nhận định.

Tình thế của Hy Lạp buộc châu Âu và IMF vào cuộc. “Cứu Hy Lạp không phải là việc khó, vì Hy Lạp chỉ chiếm có 3% GDP của châu Âu. Nhưng đây không còn là vấn đề tài chính nữa mà đã trở thành vấn đề về chính trị và chủ nghĩa dân tộc. Đây cũng thực sự là một trở ngại đối với những ai từng tin tưởng vào một châu Âu nhất thể”, ông Paul De Grauwe, một nhà kinh tế học đang là cố vấn cho Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, phát biểu trên tờ New York Times.

Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp làm nổi rõ thực tế: các quốc gia châu Âu hiện đang là con nợ với các khoản tiền vay khổng lồ. Nhà kinh tế học Steen Jakobsen thuộc nhóm Limus Capital, có trụ sở tại Copenhagen, nhận xét: “Khu vực sử dụng đồng euro là một ngôi nhà được xây dựng không có móng”.

Theo ông, châu Âu thiếu một bộ tài chính chung có khả năng đưa ra các quyết định cho toàn bộ khối này. Điều nguy hiểm là, nếu để Hy Lạp sụp đổ, hiệu ứng tan vỡ dây chuyền cũng sẽ diễn ra.

Liệu Hy Lạp có bị phá sản và cuộc khủng hoảng Hy Lạp có lan sang các nước khác không? Cuối năm 2008, vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers gần như đã làm cả hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo. Trước đó một thập kỷ, khủng hoảng nợ tại Nga cũng làm sụp đổ quỹ đầu tư lớn nhất tại Mỹ là Long Term Capital. Khủng tại Hy Lạp, hay có thể nói là khủng hoảng nợ tại châu Âu, cũng đang tiến dần đến ngưỡng nguy hiểm tương tự.

Được các nước châu Âu và IMF hỗ trợ, nguy cơ phá sản trước mắt có thể không xảy ra, nhưng trong tương lai vài năm tới, Hy Lạp vẫn phải đối mặt với tình thế rất khó khăn. Kinh tế gia trưởng của ngân hàng tư nhân Pháp Oddo tiên đoán, để cải thiện tình hình, “Hy Lạp sẽ không thể nào tránh khỏi việc tái cấu trúc các khoản nợ”.

Cùng chung tình trạng với Hy Lạp, tại châu Âu còn có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Ailen. Điều lo ngại nhất là trong trường hợp Hy Lạp được giải cứu bằng một khoản vay với lãi suất “hời”, thì các nước khác cũng đang chịu thâm hụt ngân sách lớn như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng sẽ đòi hỏi được hưởng sự giúp đỡ tương tự.

Để tránh khủng hoảng Hy Lạp lan ra khắp châu Âu, việc đưa nước này ra khỏi đồng euro cũng đã được các nghị sĩ Đức đặt ra. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là trên lý thuyết, vì một kịch bản như vậy đã không được dự kiến trong các hiệp định khung của khu vực đồng euro. Mặt khác, nếu có làm như thế, những khó khăn của Hy Lạp sẽ chỉ tăng lên gấp bội.

Ngăn vết dầu loang

Chính vì vậy, hôm 28/4, Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đã lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng khoảng tại Hy Lạp có thể lan rộng ra khắp châu Âu. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Merkel đã thúc giục Tổng thống Mỹ Barack Obama về sự cần thiết phải "hành động đúng lúc" để giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ.

Nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng Hy Lạp lan ra toàn châu lục, Tổng giám đốc IMF và Ngân hàng châu Âu đã hội kiến khẩn cấp với Thủ tướng Đức và các nghị sĩ Đức tại Berlin với mục tiêu thuyết phục Đức, nước lưỡng lự nhất, trong việc thông qua kế hoạch giải ngân cứu Hy Lạp. Sau cuộc họp này, kết quả có vẻ khả quan: EU và IMF thông qua thỏa thuận cho Hy Lạp vay 146,2 tỷ USD trong ba năm.

Đại diện của châu Âu nói rõ là để nhận được tài trợ, Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp cải tổ mạnh, trong từng giai đoạn theo lịch trình thỏa thuận. Tổng số tín dụng mà châu Âu và IMF sẽ giúp Hy Lạp trong năm 2010 có thể lên tới 45 tỷ euro. Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng này, châu Âu lại phải đối mặt với những thông tin Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha có thể cũng sẽ gặp khó khăn trầm trọng về tài chính.

Tất cả xuất phát từ việc các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế vừa hạ điểm của hai nước này. Tại nhiều nước châu Âu đang nổi lên cuộc tranh luận về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế. Phủ tổng thống Pháp cũng tuyên bố, thái độ của các công ty thẩm định tài chính là "tội ác".

Cụ thể là Công ty Standard and Poors đã đánh tụt hạng ba quốc gia Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chỉ trong vòng hai ngày đầu tuần này. Việc các công ty thẩm định tài chính đưa ra tràn lan các nhận định về thực trạng tồi tệ của các nước này làm tăng sự ngờ vực của các nhà đầu tư đối với các công phiếu của các quốc gia thuộc khu vực đồng euro.

Tổng giám đốc IMF nói thẳng là “không nên quá tin vào các công ty thẩm định tài chính”. Trong khi đó, ông Michel Barnier, thanh tra châu Âu về thị trường nội địa và các dịch vụ, nhận định, các công ty thẩm định tài chính bị thao túng bởi một số nhóm, vì thế cần tính đến việc thành lập một tổ chức thẩm định tài chính độc lập của châu Âu.

Với tình cảnh nhiều rối ren như hiện nay, Hy Lạp dù có tránh khỏi một cuộc vỡ nợ quốc gia thì cũng còn rất lâu mới hồi phục được, khi nào mà khó khăn của quốc gia này không còn là món trục lợi của người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Giải cứu binh nhì Hy Lạp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO