Facebook mắc kẹt trong "vòng xoáy" kiểm duyệt

KIM THỦY| 26/07/2016 06:58

Không thể phủ nhận áp lực mà Facebook đang phải đối mặt trong việc hạn chế tốc độ lan truyền thông tin cực đoan, nhưng gã khổng lồ này đã đi quá xa trong việc kiểm soát nội dung và bị mắc kẹt trong đó.

Facebook mắc kẹt trong

Facebook đang trở thành một trong những nhà phân phối tin tức hàng đầu thế giới nhưng liên tục bị chỉ trích do không kiểm soát được những nội dung có liên quan tới tình trạng bạo lực, trong khi lại chặn quá nhiều trang cá nhân của người theo đạo Hồi.

Đọc E-paper

Liên tục bị chỉ trích...

Tờ The Guardian ngày 19/7 cho biết, Facebook đang chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân Ấn Độ, đặc biệt từ những người theo đạo Hồi, khi có động thái kiểm duyệt hàng chục bài viết và tài khoản người dùng đăng tải thông tin có liên quan đến cái chết của Burhan Wani, 22 tuổi, người đứng đầu nhóm ly khai nổi tiếng Hizbul Mujahideen tại Kashmir, sau một cuộc đọ súng với quân đội Ấn Độ diễn ra vào ngày 8/7.

Rizwan Sajid, một người dùng Facebook, cho biết tài khoản của mình đã bị khóa sau khi người này lấy hình Wani làm ảnh đại diện trên trang cá nhân. "Tại sao chỉ tài khoản của những người Hồi giáo mới bị khóa? Trong khi những người khác được quyền nói bất cứ thứ gì họ muốn thì tiếng nói của những người theo đạo Hồi lại bị chặn" - Sajid bức xúc. Anh cho rằng hành động này của Facebook chẳng khác nào chủ nghĩa căm ghét đạo Hồi (Islamophobia) và không phải là cách thể hiện của phe trung lập.

Trước đó, phóng viên Mubashir Bukhari của tờ báo địa phương Kashmir Monitors cho hay, video có nội dung một nhà lãnh đạo ly khai khác tại Ấn Độ lên án cái chết của Wani trên trang Facebook của tờ báo này đã bị gỡ bỏ, trong khi trước đó chưa từng xảy ra điều tương tự.

Huma Dar, một nghiên cứu sinh người Kashmiri sinh sống tại California, Mỹ cũng cho biết sau khi đăng hình ảnh đám tang của Wani hôm 16/7, tài khoản của cô đã bị chặn mà không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ Facebook. "Tôi sống cách trụ sở của Facebook tại Mỹ chỉ khoảng một dặm rưỡi, và chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra với mình" - cô cho biết.

Trong một tuyên bố mới đây, Facebook cho biết: "Trên Facebook không có chỗ cho những nội dung ca ngợi hay ủng hộ kẻ khủng bố, tổ chức khủng bố, phong trào khủng bố. Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận về những đối tượng này, nhưng bất kỳ nội dung liên quan nào được đưa ra cũng cần thể hiện một cách rõ ràng sự lên án các hoạt động bạo lực. Trong thời gian qua, đã có một số nội dung bị xóa do nhầm lẫn nhưng bây giờ chúng đã được khôi phục".

Tuy nhiên, gần đây nhất, Facebook bị nghi ngờ can thiệp vào chính trị khi người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không thể truy cập vào Facebook cũng như một số mạng xã hội khác vào thời điểm quân đội nước này tiến hành cuộc đảo chính hôm 16/7.

Một số người dùng tại đây đã dùng dịch vụ ẩn danh để phát video trực tuyến tường thuật tình hình thông qua Facebook Live, trong khi tổng thống nước này - ông Tayyip Erdogan sử dụng tính năng FaceTime trên iPhone để kêu gọi người dân xuống đường chống lại phe đảo chính. Khác với YouTube, Facebook lẫn Twitter vẫn chưa đưa ra bình luận nào trước sự việc trên.

... Và mất kiểm soát

Trong một diễn biến khác, Facebook bị lên án mạnh mẽ ở tính năng phát sóng trực tiếp (Facebook Live) khi không kiểm soát được những nội dung có liên quan tới tình trạng bạo lực. Theo thống kê của Bloomberg, trong năm 2015, tại Mỹ đã có ít nhất 5 người bị bắn khi đang sử dụng Facebook Live.

Mới đây, ngày 6/7, một sĩ quan cảnh sát tại bang Minnesota, Mỹ đã nổ súng vào một người đàn ông tên Castile khiến người này gục tại chỗ trong khi vợ ông nhanh chóng mở Facebook Live quay lại cảnh hấp hối của chồng và bĩnh tĩnh thuật lại mọi chuyện trong tiếng kêu la thảm thiết của cô con gái 4 tuổi kế bên. Ngày hôm sau, tại Dallas, Mỹ, một người dùng Facebook tên Bautista đã phát video trực tiếp cảnh nhiều cảnh sát ngã gục trước các tay súng bắn tỉa trong một cuộc biểu tình ôn hòa.

Điều đáng nói, cả hai video này đã thu hút hàng triệu lượt "view" trước khi tạm thời biến mất khỏi mạng xã hội với lý do "trục trặc kỹ thuật" và sau đó được đăng tải lại với lời cảnh báo bạo lực từ Facebook. Cách xử lý tạm thời trên không che giấu được sự bất lực của Facebook trong việc kiểm duyệt nội dung video được phát sóng trực tiếp.

Với hơn 1,65 tỷ người dùng và hơn một nửa trong số đó đăng nhập tài khoản mỗi ngày, Facebook Live được đánh giá là chiếm ưu thế hơn hẳn so với các đối thủ khác như Periscope của Twitter, hay Live Stream của YouTube. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết, nhiều người đang đặt câu hỏi về tính pháp lý và đạo đức của mạng xã hội này.

Theo Jonathan Zittrain, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Harvard, Facebook đang giữ một vị trí quyền lực, tuy nhiên, trong một số trường hợp, gã khổng lồ này cần tắt chế độ hiển thị phát sóng trực tiếp để đảm bảo không gây phát tán virus.

Chia sẻ với báo giới hồi đầu năm ngoái, Giám đốc Sản phẩm Chris Cox của Facebook cho biết, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho tính năng phát sóng trực tiếp vốn rất phức tạp và hiện quá trình kiểm duyệt các nội dung vẫn đang được tiến hành. Nếu một đoạn phát sóng hay cảnh quay bị người dùng báo cáo không phù hợp, chúng sẽ ngay lập tức được gửi đến một trong bốn trung tâm kiểm duyệt nội dung của Facebook có trụ sở tại Menlo Park, Austin, Dublin và Hyderabad. Tại đây, các nhà quản lý sẽ cân nhắc phạm vi ảnh hưởng của nội dung phát sóng đó trước khi can thiệp video đang phát nếu chúng vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng.

Không thể phủ nhận áp lực mà những công ty truyền thông xã hội như Facebook đang phải đối mặt trong việc hạn chế tốc độ lan truyền thông tin cực đoan, nhưng theo The Guardian, gã khổng lồ này đã đi quá xa trong việc kiểm soát nội dung và bị mắc kẹt trong đó. 

>Chiến lược mạng xã hội của tỉ phú Richard Branson

>Truyền thông truyền thống bị mạng xã hội soán ngôi?

>Facebook thử nghiệm tính năng bảo mật mới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Facebook mắc kẹt trong "vòng xoáy" kiểm duyệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO