Đường cong lợi suất nghịch: Nỗi lo ngại của thị trường tài chính

KHẢ HÂN| 02/04/2019 08:26

Thị trường tài chính toàn cầu trong tuần cuối tháng 3 rơi vào vòng xoáy bán tháo, khởi đầu bằng đợt lao dốc của chứng khoán Mỹ ngày 22/3, với chỉ số Dow Jones chìm sâu hơn 460 điểm, tương đương 1,8%, trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng rớt lần lượt 1,9% và 2,5%. Hiện tượng đường cong lợi suất nghịch xuất hiện trở lại trên thị trường trái phiếu Mỹ được xem đã kích hoạt tâm lý lo ngại lan rộng khắp toàn cầu. Vậy điều này có ý nghĩa gì?

Đường cong lợi suất nghịch: Nỗi lo ngại của thị trường tài chính

Đường cong lợi suất nghịch là gì?
Về lý thuyết, giá trái phiếu luôn đi ngược chiều với lợi suất trái phiếu, nghĩa là khi giá trái phiếu giảm thì lợi suất của trái phiếu đó sẽ tăng lên, và ngược lại. Thông thường lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài luôn cao hơn kỳ hạn ngắn, do nhà đầu tư nào cũng kỳ vọng lợi suất phải cao hơn khi họ đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn dài hơn, tức phải mất nhiều thời gian nắm giữ hơn.
Một khi lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài rới về mức thấp hơn kỳ hạn ngắn, đó được gọi là đường cong lợi suất nghịch (in-verted yield curve). Điều này hàm ý là nhu cầu đầu tư, nắm giữ trái phiếu kỳ hạn dài tăng mạnh, đẩy giá trái phiếu lên cao, đồng nghĩa với lợi suất của trái phiếu ở kỳ hạn đó giảm nhanh và rớt về mức thấp hơn ở các kỳ hạn ngắn.
Trong phiên giao dịch ngày 22/3, lợi suất của tín phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng nằm tại 2,459%, trong khi lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm chìm sâu về mức 2,437%, tức thấp hơn 22 điểm cơ bản, và hình ảnh đường cong lợi suất nghịch xuất hiện trở lại. Diễn biến trên ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư bán tháo và rút khỏi thị trường, trong khi lực lượng bán khống tranh thủ cơ hội càng đẩy thị trường chìm sâu.
Tiếp đó, đến ngày 27/3, lợi suất kỳ hạn trái phiếu 10 năm tiếp tục rơi về mức 2,38%, đánh dấu sự giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017 và làm sâu sắc thêm tình trạng đảo ngược lợi suất khi so với mức 2,46% của tín phiếu kỳ hạn 3 tháng.
Tại sao đường cong lợi suất nghịch lại xuất hiện?
Trong một nền kinh tế khỏe mạnh, đường cong lợi suất (được nối giữa các điểm lợi suất theo các kỳ hạn) có xu hướng đi lên, tức kỳ hạn càng dài thì lợi suất càng cao, như đã nói. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi các nhà đầu tư nghĩ rằng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ không còn được duy trì tích cực.
Ví dụ như khi một nhà giao dịch nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ trong hai năm tới có thể sản xuất ra được lượng hàng hóa và dịch vụ ít hơn thì đường cong có thể đảo ngược theo hướng đi xuống. Do đó, diễn biến lợi suất của trái phiếu ngắn hạn vượt lên trên trái phiếu dài hạn thường được xem là một chỉ báo suy thoái kinh tế sắp đến. Lúc này, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rót tiền vào trái phiếu kỳ hạn dài dù phải nhận mức lợi suất thấp hơn, vì lo ngại về sự bất ổn định của nền kinh tế.

Diễn biến lợi suất của trái phiếu ngắn hạn vượt lên trên trái phiếu dài hạn thường được xem là một chỉ báo suy thoái kinh tế sắp đến. Lúc này, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rót tiền vào trái phiếu kỳ hạn dài dù phải nhận mức lợi suất thấp hơn, vì lo ngại về sự bất ổn định của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung và lo ngại về sự tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ càng khiến giới đầu tư tìm đến trái phiếu dài hạn của Mỹ như một tài sản an toàn, do đó đã làm hạn chế đà tăng lợi suất trái phiếu dài hạn và đẩy mức lợi suất này giảm từ mức cao trong nhiều năm. Việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, dòng tiền rẻ tại khu vực này vẫn còn nhiều, thì các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm gia tăng nhu cầu quá cao đối với trái phiếu dài hạn của Mỹ, càng đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống.

Vì sao gây ra nỗi lo ngại?
Nỗi lo này thực tế đã được kiểm chứng trong quá khứ, gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng năm 2007 bắt nguồn từ thị trường Mỹ. Từ tháng 9/2006, lợi suất của tín phiếu 3 tháng đã lên cao hơn 0,14% so với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, và xu hướng này duy trì cho đến tháng 6/2007, với mức chênh lệch có lúc lên đến 0,44% vào tháng 3/2007. Kết quả là đến cuối năm 2007, nền kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào khủng hoảng và suy thoái diễn ra từ tháng 9/2008 kéo dài cho đến tháng 12/2009, với tăng trưởng GDP rớt xuống mức âm cao nhất ở -4,06% vào tháng 6/2009.
Gần đây hơn, vào ngày 3/12/2018, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm đã rơi về mức thấp hơn 14 điểm cơ bản (tương ứng 0,14%) so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm, ghi nhận đường cong lợi suất nghịch đảo xuất hiện trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2007. Ngay sau đó vào ngày 4/12/2018, thị trường cổ phiếu Mỹ trải qua một trong những phiên lao dốc mạnh nhất trong năm 2018, với chỉ số Dow Jones rớt gần 800 điểm, tương đương 3,1%, trong khi chỉ số S&P 500 bốc hơi 3,2% và Nasdaq cũng chìm sâu đến 3,8%.
Đường cong lợi suất nghịch xuất hiện chỉ càng xoáy sâu vào nỗi lo ngại của các nhà đầu tư, khi mà những dữ liệu trong các nền kinh tế gần đây cho thấy dấu hiệu tăng trưởng đang chậm lại. Trong khi Trung Quốc và khu vực châu Âu đang đối mặt với sự suy giảm,buộc ECB phải tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, còn Chính phủ Trung Quốc cam kết các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế, thì số liệu tăng trưởng kinh tế quý IV của Mỹ mới công bố gần đây cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,2% từ mức 2,6% trước đó. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp hồi tháng 3 phải tiếp tục cắt giảm lộ trình tăng lãi suất trong năm nay từ hai lần xuống không còn lần nào.
Theo FED, hiện tượng đường cong lợi suất nghịch có thể dự báo một cuộc suy thoái trước từ 2 cho đến 6 quý. Mới đây Giám đốc Hội đồng Kinh tế Mỹ Larry Kudlow, người phụ trách tư vấn kinh tế chính cho Tổng thống Trump, cũng đồng ý rằng sự chênh lệch giữa lợi suất tín phiếu kỳ hạn ba tháng và trái phiếu kỳ hạn 10 năm là sự khác thường quan trọng nhất cần phải theo dõi chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đường cong lợi suất nghịch: Nỗi lo ngại của thị trường tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO