Doanh nghiệp Mỹ tìm đường niêm yết tại nước ngoài

11/06/2011 09:19

Hãng sản xuất thiết bị y tế Reva Medical tại San Diego (Mỹ) quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán Australia để tìm nguồn vốn từ nước ngoài. Đây cũng là xu hướng của nhiều công ty Mỹ mới đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp Mỹ tìm đường niêm yết tại nước ngoài

Hãng sản xuất thiết bị y tế Reva Medical tại San Diego (Mỹ) quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán Australia để tìm nguồn vốn từ nước ngoài. Đây cũng là xu hướng của nhiều công ty Mỹ mới đi vào hoạt động.

Integrated Memory Logic được chào đón trên Sàn chứng khoán Đài Loan năm 2010. Ảnh: New York Times

Sau 8 tháng ròng rã đi vận động, gặp gỡ các nhà đầu tư, Reva Medical đã bán được 25% số cổ phiếu trị giá 85 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) hồi tháng 12 năm ngoái.

“Có rất nhiều doanh nghiệp khát vốn như công ty chúng tôi, nhưng không tiếp cận được thị trường vốn tại Mỹ. Mọi người tìm mọi cách để tồn tại, và đây cũng chính là điều chúng tôi làm”, Robert Stockman, Giám đốc điều hành của Reva, cho biết.

Trường hợp của Reva là một ví dụ cho thấy đã gần 3 năm kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, thị trường Mỹ vẫn khá khép kín đối với nhiều doanh nghiệp, buộc họ phải quay sang tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài. Khi các doanh nghiệp không được niêm yết và phát hành cổ phiếu tại Mỹ, họ lại tìm thấy nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu của họ tại những thị trường bên ngoài biên giới.

Theo số liệu của hãng tư vấn Grant Thorton và Dealogic, cứ 10 công ty Mỹ chào bán cổ phiếu thì có một công ty tiến hành niêm yết ở nước ngoài. Bên cạnh Australia, điểm đến của họ còn là Anh, Đài Loan, Hàn Quốc và Canada. Năm 2010, có 10 doanh nghiệp Mỹ niêm yết ở nước ngoài, trong khi giai đoạn 2000 – 2009 chỉ có 75 hãng, và 2 hãng trong những năm 90.

Điều này phản ánh một xu thế toàn cầu hóa trong chứng khoán khi số công ty được phép chào bán cổ phiếu tại Mỹ đang giảm dần. Theo Liên đoàn các thị trường chứng khoán thế giới (WFE), từ đỉnh điểm hơn 8.800 công ty Mỹ được chào bán cổ phiếu hồi cuối năm 1997, con số này đã giảm 40% xuống còn 5.100 cuối năm 2009.

Theo Dealogic, tại Mỹ, chỉ có 119 công ty của nước này phát hành cổ phiếu lần đầu trong năm ngoái, kém xa đỉnh điểm năm 1996 với 756 doanh nghiệp.

Sở dĩ có sự giảm sút này là một vài doanh nghiệp đã sáp nhập, phá sản hay bị các công ty vốn cổ phần tư nhân thâu tóm. Các doanh nghiệp non trẻ khác chấp nhận bị các công ty lớn mua lại chứ không niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tháng trước, mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn đã có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu thành công trên sàn chứng khoán New York. Còn trang mua bán Groupon cũng đã có kế hoạch lên sàn chứng khoán tại Mỹ. Song, đây là những công ty lớn và nổi tiếng. Giới chuyên gia lo ngại sự chuyển dịch cơ cấu dài hạn trên thị trường vốn của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc các thị trường này đóng cửa với hàng loạt doanh nghiệp nhỏ.

Trong quá khứ, họ có thể dễ dàng niêm yết cổ phiếu ở Mỹ. Nhưng giờ đây, họ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục là công ty tư nhân hoặc phải vươn ra thị trường nước ngoài và phụ thuộc vào các nhà đầu tư tại đây.

Các doanh nghiệp trẻ và phát triển nhanh buộc phải hướng ra thị trường nước ngoài để tìm kiếm nhà đầu tư và tìm cho mình chỗ đứng. Do vậy, các chuyên gia lo ngại họ có thể thay đổi địa điểm tập trung hoạt động. Kéo theo đó, việc làm được tạo ra cũng sẽ ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp cho biết có nhiều yếu tố tác động đến quyết định niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài của họ. Chẳng hạn, chi phí niêm yết cổ phiếu tại Mỹ tăng cao, còn ở các thị trường nước ngoài thì những chi phí này đều thấp hơn hẳn.

Vốn hướng đến các doanh nghiệp nhỏ, sàn chứng khoán thứ cấp London (AIM) là điểm đến ưa thích của các công ty Mỹ. Chi phí phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tại đây vào khoảng 10 – 12% tổng lượng vốn huy động, trong khi con số này ở Nasdaq là 13 – 15%.

Bên cạnh đó, chi phí hàng năm để duy trì niêm yết bao gồm việc tuân theo luật Sarbanes-Oxley tại Mỹ cũng cao hơn nhiều: từ 2 – 3 triệu USD một năm tùy thuộc vào quy mô của công ty. Tại AIM, con số này là 320.000 USD, hay chỉ từ 100.000 – 300.000 USD ở Đài Loan.

Theo Sanjay Subhedar, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư mạo hiểm Storm Ventures, ngoài chi phí, một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là các nhà đầu tư tại Mỹ không còn mặn mà với cổ phiếu của các công ty nhỏ.

Năm ngoái, sau khi sàn chứng khoán Đài Loan thay đổi quy định, cho phép các công ty nước ngoài được tham gia niêm yết, hãng Integrated Memory Logic (iML) mà ông Subhedar đầu tư đã trở thành một trong những doanh nghiệp ngoài Đài Loan đầu tiên niêm yết tại đây. iML đã huy động được 40 triệu USD (chiếm 10% cổ phần của công ty).

“Vì đặc trưng của ngành nên các quỹ tương hỗ và ngân hàng đầu tư không hứng thú với đợt chào bán dưới 100 triệu USD. Điều này có nghĩa là bạn không thực sự niêm yết chứng khoán tại Mỹ, trừ khi quy mô trên thị trường của công ty khoảng 500 triệu USD”, ông Subhedar cho biết.

Các tổ chức đầu tư như các quỹ tương hỗ lại chuộng tính lưu động dễ dàng của những đợt phát hành cổ phiếu lớn với lượng người mua và người bán dồi dào. Các nhà đầu tư lớn muốn tập trung vào các loại phí sinh lời nhiều hơn mà thỏa thuận mua bán lớn tạo ra.

Có ý kiến cho rằng một số sàn chứng khoán nước ngoài thu hút các doanh nghiệp Mỹ bởi công tác giám sát của họ không chặt chẽ bằng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thì khẳng định tiêu chuẩn tại những nơi này đều khá cao.

Một lý do khác là một số doanh nghiệp Mỹ như HaloSource nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các công ty có khả năng phát triển mạnh mẽ ở hải ngoại hơn là các nhà đầu tư Mỹ.

Năm 2010, HaloSource đã có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu trị giá 80 triệu USD tại sàn AIM. Giám đốc tài chính James Thompson của hãng cho biết nguyên nhân khiến họ chọn London là giới đầu tư tại đây thấu hiểu được cơ hội phát triển tại các thị trường mới nổi. Tuy thị trường vốn có nhỏ hơn New York nhưng AIM lại mang tính quốc tế hơn.

Với những hãng như HaloSource, bước chuyển tới sàn chứng khoán nước ngoài có thể mang tính chiến lược dài hơi bởi họ chuyển trọng tâm đến những thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ. Còn với Integrated Memory Logic, cả những nhà cung cấp vi mạch và khách hàng lớn nhất của họ đều ở châu Á. Vì vậy, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan cũng làm tăng uy tín của hãng trong khu vực.

Tăng trưởng của hãng sản xuất hành lý Samsonite đa phần cũng đến từ châu Á. Họ có kế hoạch cho đợt phát hành cổ phiếu trị giá 1,5 tỷ USD tại Hong Kong vào tuần tới. Ngoài ra, sức hút của các sàn chứng khoán châu Á trong tháng này còn nóng hơn khi hãng thời trang Prada tiến hành đợt chào bán cổ phiếu trị giá 2,5 tỷ USD cũng tại Hong Kong.

Tuy nhiên, trong khi một số doanh nghiệp coi IPO ở hải ngoại là một bước tiến lâu dài thì vẫn có số khác xem đây chỉ là bước đi tạm thời, giúp họ thu hút các nhà đầu tư trong nước và được niêm yết tại Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Mỹ tìm đường niêm yết tại nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO