Đấu khẩu Mỹ - Trung tại APEC 2018

MẠNH ĐỨC| 19/11/2018 06:00

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “ngầm” chỉ trích lẫn nhau tại hội nghị châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Đấu khẩu Mỹ - Trung tại APEC 2018

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và phó Tổng thống Mỹ - Mike Pence.

Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các nhà lãnh đạo 21 quốc gia và nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương không đưa ra được thông cáo chung trong ngày bế mạc hội nghị 18/11. Hội nghị APEC tại Papua New Guinea năm nay được đánh dấu bởi sự đối đầu trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh 2 nước này tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.

Trong một bài diễn văn tại hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea ngày 17/11, phó Tổng thống Mỹ - Mike Pence đã phát biểu với lời lẽ cứng rắn nhắm vào Trung Quốc về thương mại và an ninh trong khu vực.

"Chúng tôi đã có hành động quyết đoán để giải quyết sự mất cân bằng với Trung Quốc," ông Pence tuyên bố. "Chúng tôi đã áp thuế quan lên hơn 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó. Song, Hoa Kỳ sẽ không thay đổi đường hướng cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi".

Những diễn biến trên cho thấy rằng cả hai quốc gia này đều sằn sàng leo thang chiến tranh thương mại. Còn ông Tập thì kêu gọi cho một Tổ chức Thương mại Thế giới mạnh mẽ hơn, nói rằng sáng kiến “Một vành đai, một con đường" không phải là cái bẫy như một số người vẫn nói.

Những xung đột này cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn cách xa một thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại, ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông lạc quan về một thỏa thuận giữa 2 bên. Ông Trump và ông Tập dự kiến ​​sẽ gặp nhau vài tuần nữa tại Hội nghị nhóm G-20 ở Buenos Aires.

Sau đó, ông Pence nói với các đại biểu rằng, Mỹ cung cấp cho các quốc gia trong khu vực "một lựa chọn tốt hơn" cho các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao hơn là phương pháp tiếp cận của Bắc Kinh. Ông cảnh báo về các khoản vay của Trung Quốc, nói rằng Mỹ "không để các đối tác của mình chết đuối trong một biển nợ" cũng như không cung cấp "một vành đai thắt chặt hoặc một con đường một chiều"

Ông Trump nói với các phóng viên hôm 17/11 rằng, Trung Quốc đã đáp ứng phần lớn yêu cầu thương mại của Mỹ nhưng lại thiếu 4 hoặc 5 vấn đề lớn. Dù vậy, hôm 17/11, ông Pence cảnh báo rằng, Tổng thống Trump vẫn có thể áp thêm thuế quan với Trung Quốc.

"Chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp hơn, nhưng Mỹ sẽ không thay đổi tình thế cho đến khi Trung Quốc thay đổi", ông nói. Sau đó, ông Pence nói với các phóng viên rằng ông "rất hy vọng" Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận, nhưng "mọi thứ phải thay đổi" để điều đó xảy ra.

Ông Tập không đưa ra quan điểm về một số yêu cầu quan trọng của Mỹ, bao gồm việc chấm dứt chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước và từ bỏ kế hoạch Made in China 2025 của mình để dẫn đầu thế giới trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Ông nói rằng quyền sở hữu trí tuệ là điều quan trọng để bảo vệ sự đổi mới nhưng chúng không nên góp phần mở rộng khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia.

Ông Tập cũng ngầm nói về một nhóm mới được gọi là "Quad" nhằm chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, nhóm đã gặp nhau ở Singapore lần thứ ba trong tuần này để thảo luận về các cách hợp tác.

Ông Tập nói: "Cố gắng để hình thành các khối độc quyền hoặc áp đặt ý chí lên người khác sẽ phản tác dụng. Lịch sử đã cho thấy cuộc đối đầu đó, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không có người thắng cuộc".

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và viện trợ kinh tế thông qua việc cho vay tới các quốc gia nhỏ hơn đã làm gia tăng mối lo ngại rằng nước có thể đang muốn xây dựng cơ sở cho lực lượng vũ trang của mình ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương.

(Theo NCĐT)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đấu khẩu Mỹ - Trung tại APEC 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO