Dấu hỏi về phát triển hàng không Đông Nam Á

HÀ CÚC| 07/01/2015 08:35

Thảm họa máy bay liên tiếp làm dấy lên những lo ngại về sự phát triển quá nhanh của hàng không Đông Nam Á.

Dấu hỏi về phát triển hàng không Đông Nam Á

Thảm họa máy bay liên tiếp làm dấy lên những lo ngại về sự phát triển quá nhanh của hàng không Đông Nam Á.

Đọc E-paper

Thông tin về chuyến bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia bị mất tích ngày 28/12 đã đánh dấu một năm thảm họa của hàng không dân dụng thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Ngoài tai nạn của AirAsia, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của MH370 (Malaysia Airlines) mất tích trên Ấn Độ Dương cách đây 9 tháng với 239 hành khách và phi hành đoàn.

Đến tháng 9, máy bay MH17 (Malaysia Airlines) rơi ở Ukraine và tất cả 298 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng.

Theo BusinessWeek, Đông Nam Á là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Hãng Boeing cho rằng, các hãng hàng không trong khu vực sẽ cần phải đặt hàng hơn 3.000 máy bay mới trong vòng 20 năm tới.

Sự tăng trưởng này phần nào phản ánh sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong khu vực. Ngày càng có nhiều người muốn được di chuyển bằng máy bay khi đi du lịch, kinh doanh...

Ngoài ra, thị trường còn được thúc đẩy khi chính phủ nhiều nước hứa hẹn sẽ tự do hóa thị trường hàng không như là một phần của kế hoạch tự do hóa kinh tế. Hàng loạt hãng hàng không giá rẻ ra đời và có tình hình kinh doanh tốt như AirAsia, Lion Air, Citilink, Tiger Airways...

Ở châu Á, hiện có khoảng 50 hãng hàng không giá rẻ, phục vụ cho các chuyến bay trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 25% lưu lượng hàng không của khu vực này.

Tỷ lệ này tăng khá nhanh nếu so với mức 6% vào năm 2006. Trong khi đó, 30% chuyến bay trên toàn cầu là thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong vòng hai thập kỷ tới, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 42% khi châu Á nhận thêm khoảng 1,8 tỷ khách mỗi năm.

Theo Cục Dữ liệu tai nạn máy bay (BAAA - Thụy Sĩ), nếu tính theo số vụ tai nạn thì năm 2014 có con số thấp nhất trong vòng 80 năm qua.

BAAA cho biết kể cả vụ mất tích của chuyến bay QZ8501 thì năm nay có 111 vụ tai nạn hàng không.

Năm cuối cùng trên thế giới xảy ra 111 vụ tai nạn hàng không là năm 1927.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chóng mặt của hàng không giá rẻ, theo phân tích từ các chuyên gia của Bloomberg, đã tạo ra sức ép, gây ra tình trạng quá tải đối với bộ phận kiểm soát không lưu.

Trong khi đó, không phận khu vực Đông Nam Á khá hiểm trở, thời tiết bất thường... càng khiến các chuyên gia hàng không lo ngại.

Sự gia tăng các chuyến bay chi phí thấp có thể dẫn đến việc giảm chất lượng dịch vụ bay, kể cả an ninh. Thời gian quay vòng chuyến bay nhanh để sử dụng tối đa máy bay và khai thác các tuyến bay ngắn.

Áp lực bay dày đặc cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của nhân viên, bao gồm phi công và tiếp viên. Hãng Lion Air đã có ít nhất ba phi công bị bắt vì sử dụng chất methamphetamine (chất kích thích giúp tỉnh táo) từ năm 2011 đến nay.

Tờ Jakarta Post (Indonesia) mới tiết lộ cơ trưởng trên chuyến bay QZ7510 của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia Indonesia đã bị phát hiện dương tính với morphine, một chất ma túy bị cấm sử dụng.

Boeing ước tính khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần thêm 216.000 phi công mới trong 20 năm tới. Đây là con số cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới và chiếm tới 40% nhu cầu toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông David Greenberg, cựu Giám đốc Delta Air Lines, chuyên gia giám sát đào tạo phi công và an toàn bay tại Korean Air, đánh giá, ở châu Á, người ta không có đủ các chương trình huấn luyện để cho ra đủ số lượng phi công cần thiết.

Còn quá sớm để kết luận điều gì nhưng sự thật là điều khiến người ta lo ngại về tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành hàng không châu Á là việc thiếu phi công có trình độ.

Kiểm soát hàng không của Indonesia đã trở nên "nổi tiếng" vì quản lý yếu kém. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy chính quyền Indonesia giải quyết mối quan tâm về an toàn bay nội địa.

Chỉ riêng Lion Air đã liên quan 7 tai nạn máy bay trong thập kỷ vừa qua. Trong khi đó, Mandala Airlines bị rơi ở Medan, Indonesia, vào năm 2005, làm chết 105 người; một chuyến bay Adam Air ở Sulawesi đã bị rơi xuống biển trong năm 2007, làm chết 102 người; và một chuyến bay Garuda bị rơi, làm chết 22 người vào năm 2007.

Vì thế, Liên minh Châu Âu đã cấm hầu như tất cả các hãng hàng không Indonesia bay trong lãnh thổ EU vì lý do an toàn. Ngay cả hãng hàng không quốc gia Garuda cũng bị cấm bay ở châu Âu vì lý do an toàn. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế không cho phép Lion Air trở thành một thành viên do lo ngại về sự an toàn của hãng hàng không này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dấu hỏi về phát triển hàng không Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO