Dầu: Giá càng nhẹ, sức đè càng nặng

TUẤN HẢI| 17/06/2016 04:30

Tăng trưởng kinh tế trong năm nay dự kiến sẽ không khả quan, vì nhiều nước chưa thể thích ứng với nền kinh tế bị ảnh hưởng từ việc giá dầu tuột dốc.

Dầu: Giá càng nhẹ, sức đè càng nặng

Tăng trưởng kinh tế trong năm nay dự kiến sẽ không khả quan, vì nhiều nước chưa thể thích ứng với nền kinh tế bị ảnh hưởng từ việc giá dầu tuột dốc.

Đọc E-paper

Trong thời gian gần đây, giá dầu đã có cải thiện đáng kể. Từ đầu năm cho tới những ngày đầu tháng 6, giá dầu vẫn chỉ quẩn quanh ở mức 27 USD đến 42 USD/thùng, nhưng trong phiên giao dịch hôm 9/6, đã nhích lên trên 50 USD/thùng ở thị trường châu Á, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2015. 

Mặc dù vậy, có rất ít hy vọng vào một sự đột phá, thậm chí tình trạng giá dầu thô tăng sớm muộn sẽ chấm dứt trong năm nay.

Đè tăng trưởng toàn cầu

Trong báo cáo đánh giá kinh tế nửa năm vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay, The Guardian cho biết. Các nước xuất khẩu dầu sẽ tiếp tục giữ mức cung ứng nhằm đối phó với viễn cảnh giá dầu tiếp tục tuột dốc. Điều này sẽ khiến một số nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều quốc gia nhập khẩu dầu hưởng lợi, nhưng phần thiếu hụt sẽ thuộc về những khu vực cung ứng dầu thô tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ - vốn dựa nhiều vào xuất khẩu năng lượng để duy trì thu nhập.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức trên 3% trong năm nay. Tuy nhiên trong một dự báo bi quan hơn, WB vừa qua thậm chí đã hạ kỳ vọng xuống còn 2,4% thay cho mức dự báo tăng trưởng 2,9% đưa ra hồi tháng 1.

Dự báo này tương đương tỷ lệ tăng trưởng của các nước phát triển như Anh, Mỹ và một số nước châu Âu. Theo đó, nước Anh có thể sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 2% trong năm nay và 2,1% trong năm 2017 và 2018. Mỹ nhiều khả năng vẫn giữ mức tăng trưởng 2%/năm trong thời gian tới, châu Âu sẽ tiếp tục ảm đạm với tăng trưởng 1,6% năm nay và năm sau, trước khi tụt xuống còn 1,5% vào năm 2018.

Viễn cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu cũng được dự báo dựa trên cơ sở tình hình chính trị, xã hội không ổn định trong thời điểm này. Chủ tịch WB, ông Jim Yong-kim cảnh báo rằng nếu nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nó sẽ làm giảm niềm tin về thương mại toàn cầu và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là khi nước Anh dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi khối EU đang chịu sức ép về nỗi lo giảm phát.

Trong giai đoạn giá dầu tuột dốc, kéo theo giá cả hàng hóa đi xuống, kinh tế các nước cũng không có sự chuyển biến quá lớn, khi các nước phát triển không tận dụng được việc giá cả hàng hóa thấp, thay vào đó tâm lý chờ giá thấp hơn vẫn hiển hiện.

Cuộc chiến giá chưa hồi kết

Điều này cũng xuất phát từ việc cuộc chiến giá dầu giữa Mỹ và OPEC vẫn tiếp diễn. Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây dự báo các nước không thuộc OPEC sẽ giảm lượng cung xuống còn 57,4 triệu thùng/ngày trong năm 2016, và còn 56,8 triệu thùng/ngày trong năm 2017, so với mức 57,64 triệu thùng/ngày của năm 2015.

Tuy nhiên, các nước OPEC lại có xu hướng gia tăng sản xuất dầu lên 32,25 triệu thùng/ngày trong năm 2016 và 33,4 triệu thùng/ngày vào năm 2017. Đây là kết quả đến sau khi OPEC bất đồng quan điểm về chính sách dầu mỏ và không đặt ra được mức trần chung trong cuộc họp ngày 2/6 vừa qua, trong khi phải đợi đến cuối tháng 11 năm nay họ mới có cuộc họp tiếp theo.

Và áp lực tăng cung

Ở hướng ngược lại, những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn ngoài OPEC như Nga và Mỹ cũng chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Đài Russia Today hôm 9/6 dẫn báo cáo của Công ty BP cho thấy Nga đã vượt qua Arab Saudi để trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới năm 2015. Dầu mỏ chiếm 33,7% tổng sản phẩm xuất khẩu của Nga, trong khi đó Moscow cũng dành 41,8% lượng than cho xuất khẩu.

Việc sản xuất dầu của Nga đã tăng 7 năm liên tục gần đây. Mặc dù vậy, một điểm đáng chú ý là Nga vẫn đang “gồng” khi lợi nhuận ròng quý đầu tiên năm nay của Công ty Rosneft giảm tới 75% (còn 14 tỷ rúp, tương đương 216,8 triệu USD).

Điều tương tự diễn ra ở Mỹ, mặc dù các công ty tại đây không "tổn thương" nặng như ở Nga. CNN ngày 9/6 dẫn lời ông William Thomas - CEO của nhà sản xuất dầu mỏ EOG Resource nhận định rằng các công ty Mỹ đang sẵn sàng đẩy mạnh khai thác. 

Theo ông Thomas, việc giá dầu nhỉnh lên trong thời gian gần đây khiến Mỹ muốn nắm bắt cơ hội và hành động ngay, vì ai cũng tin rằng chắc chắn cho tới hết năm mức giá sẽ không thể giữ ở mốc hơn 50 USD/thùng như hiện tại.

Tuần trước, công ty cung cấp dịch vụ công nghiệp Baker Hughes dẫn số liệu cho thấy số giàn khoan ở Mỹ đã thêm 9 cái, sự gia tăng nhiều nhất so với tháng 12/2015. Điều này hợp lý với thông số của EIA đưa ra ngày 8/6 ước tính sản xuất dầu ở Mỹ đã tăng lên 10.000 thùng/ngày trong tuần đầu tiên của tháng này.

Có thể thấy, biểu hiện tăng giá dầu vừa qua có thể kích thích kinh tế và sản xuất ngắn hạn, nhưng về trung và dài hạn đó vẫn là dấu hỏi chưa có lời đáp, và tình hình đến lúc này khá u ám, theo WB. Hậu quả nhãn tiền của các nước phụ thuộc vào dầu mỏ chính là Venezuela, quốc gia đang trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng lương thực vì xuất khẩu hầu như phụ thuộc tất cả vào dầu mỏ.  

>SandRidge - Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Bắc Mỹ trước bờ vực phá sản

>Giá dầu lao dốc đe dọa thị trường việc làm ngành dầu mỏ

>5 sự thật về tình trạng khủng hoảng tại Venezuela 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dầu: Giá càng nhẹ, sức đè càng nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO