Cuộc sống ở rìa biên giới Hàn - Triều

21/09/2017 06:38

Sợ chiến tranh nhưng không muốn rời xa mảnh đất quê hương đã tạo nên tính cách ngoan cường của người dân Hàn Quốc ở rìa biên giới Triều Tiên.

Cuộc sống ở rìa biên giới Hàn - Triều

Sợ chiến tranh nhưng không muốn rời xa mảnh đất quê hương đã tạo nên tính cách ngoan cường của người dân Hàn Quốc ở rìa biên giới Triều Tiên.

Đứng từ sân trước, ông Woo Jong-il có thể nhìn thấy Triều Tiên. Người đàn ông 72 tuổi vẫn nhớ như in những khoảnh khắc đạn lạc bay từ phía bên kia sang, khiến hàng trăm gia đình nằm rải rác ở đường biên hoảng sợ, theo Guardian.

Người nông dân này đã xây hai hầm trú bê tông ở sân nhà, đề phòng chiến tranh. Chỉ vài bước là ông đã từ phòng khách chạy xuống một cầu thang hẹp xây bằng bê tông, tới một hầm lạnh, ẩm ướt nằm dưới lòng đất trong nhà được ông xây năm 1970. Trong hầm có một bóng đèn, đủ chỗ cho 10 người.

Ba năm sau, ông xây tiếp một căn hầm lớn hơn nằm trong lòng đất dưới ngọn đồi cách nhà 5 phút đi bộ qua ruộng lúa. Hầm hư hỏng nhiều, sau khi các con của ông chuyển đi và người già trong nhà qua đời. Ông Woo xây hầm thủ công, trong thời kỳ máy móc là thứ xa xỉ ở Hàn Quốc những năm đầu thập niên 70.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng khiến ông Woo không hề yên tâm, dù đã có hai căn hầm trú ẩn.

"Tôi cảm thấy không an toàn, vì nhà tôi nằm ở tiền tuyến", ông nói. Nhà ông cách Seoul khoảng một giờ lái xe về phía bắc. "Chúng tôi ở nơi nguy hiểm nhất, thần kinh lúc nào cũng căng thẳng. Ngày nay vũ khí rất tối tân, khu vực tiền tuyến sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn nếu chiến tranh nổ ra".

Dù luôn sợ chiến tranh nổ ra, ông Woo chưa từng nghĩ tới việc rời bỏ quê nhà, nơi 13 thế hệ trong gia đình ông từng sinh sống qua 400 năm. Ông thậm chí còn cổ vũ cách làm cứng rắn của Tổng thống Trump.

"Tôi thích điều ông ấy đang làm. Có điều nếu chiến tranh nổ ra, sẽ có rất nhiều người chết. Nước Mỹ sẽ luôn an toàn vì chỉ có lính của họ tới đây, còn dân thường Hàn Quốc mới là người thiệt mạng", ông nói.

Hiểu hậu quả thảm khốc của chiến tranh, nên ông muốn "những quốc gia hùng mạn trên thế giới loại bỏ Kim Jong-un" để đạt được hòa bình. Nếu không thành công, ông Woo ủng hộ việc Hàn Quốc được phép tự phát triển vũ khí hạt nhân.

Quan điểm của ông phản ánh một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đang được nhiều người Hàn Quốc ủng hộ. Họ đã mệt mỏi sau hàng thập niên bị Triều Tiên đe dọa dưới các hình thức thử nghiệm vũ khí hạt nhân, phát triển tên lửa và tấn công du kích Hàn Quốc.

Thảo luận quanh vấn đề làm thế nào chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 thập niên qua, Lee Min-bok có quan điểm ngược với ông Wo. Ông Lee ủng hộ Triều Tiên thay đổi, chứ không cổ vũ phát triển quân sự.

Không giống ông Woo, ông Lee muốn sống càng gần biên giới càng tốt. Đó là mong muốn kỳ lạ của một kỹ sư nông nghiệp từng trốn khỏi Triều Tiên sang Trung Quốc và Nga năm 1995. Giờ công việc của ông là thả bóng bay tuyên truyền từ Hàn Quốc sang Triều Tiên.

Mỗi lần gió thổi về phía bắc, ông Lee lại cùng vợ lái chiếc xe tải 5 tấn chở bóng bay và tờ rơi, đĩa DVD, tiền đô Mỹ và kinh thánh tiến về phía biên giới. Ông bơm đầy khí hydro vào bóng bay, thả chúng qua khu vực phi quân sự.

Ông Lee sống ở Pocheon, một thành phố nhỏ cách Seoul 42 km về phía đông bắc. Ông không dám chuyển tới sống gần biên giới Triều Tiên vì sợ dân làng địa phương. Họ chống đối việc thả bóng bay giống ông Lee vì lo ngại biến thành mục tiêu tấn công của Triều Tiên.

Nỗi sợ hãi của họ không phải vô căn cứ. Năm 2011, một người đàn ông đã bị bắt vì âm mưu ám sát ông Lee bằng phi tiêu tẩm độc. Triều Tiên gọi ông là "rác rưởi", là cha đỡ đầu của tờ rơi tuyên truyền. Triều Tiên cũng đã nổ súng bắn hạ bóng bay của ông Lee, khiến phía Hàn Quốc bắn trả.

Ông Lee có một đội cảnh sát mặc thường phục tháp tùng mỗi khi rời nhà. Căn nhà của ông được hai container chắn bảo vệ, cùng camera giám sát ở mọi góc.

"Tôi muốn chuyển tới gần khu vực phi quân sự, càng gần Triều Tiên càng tốt", ông nói. "Tôi hiểu việc này rất nguy hiểm, chính phủ cũng ý thức rõ điều này".

Trong phòng ngủ của ông treo một tấm bản đồ lớn, cao từ sàn tới trần nhà, đánh dấu các địa điểm thả bóng bay dọc đường biên giới. Ông Lee nhớ lại, lần đầu tiên tỉnh ngộ khi đọc được một tờ rơi của chính quyền Hàn Quốc nói về nạn đói những năm 1990 giết chết một triệu người.

Sau khi đọc được tin cáo buộc Triều Tiên là bên khơi mào cuộc chiến, Lee tìm gặp một cựu chiến binh, mời ông ta uống rượu và thuốc lá. Cuối cùng, người này nói ra sự thật, Triều Tiên là bên bắt đầu chiến tranh, ngược lại với sách vở nhà trường dạy. Niềm tin của Lee sụp đổ.

"Người dân Triều Tiên đói khát thông tin, cần phải được biết tin tức từ bên ngoài", ông Lee nói. "Mọi người đào tẩu đều nói vậy. Đó là cách duy nhất để một người Triều Tiên thức tỉnh và thay đổi đất nước".

Chính quyền Hàn Quốc vẫn cố truyền tin qua biên giới bằng loa phóng thanh. Giàn loa khổng lồ ở cả hai phía đều phát đi thông tin tuyên truyền, phía Triều Tiên thường ca ngợi các lãnh tụ vĩ đại, còn Hàn Quốc là các bài hát nhạc pop thịnh hành.

Cuộc chiến còn tiếp tục trên sóng phát thanh. Người dân ở biên giới bắt được sóng phát thanh của Hàn Quốc ca ngợi về binh lính được xem đủ loại chương trình truyền hình và học lên cao hơn.

Một chương trình khác tuyên truyền cho người dân Triều Tiên về nhân quyền, nói rằng "đó là sự cần thiết tuyệt đối để được sống như một con người". Chương trình kết thúc bằng lời đề nghị người Triều Tiên đào tẩu, kèm khẩu hiệu "Ta chỉ sống một lần, không thể sống vô ích. Hãy tới Hàn Quốc hưởng thụ tự do và biến giấc mơ thành hiện thực".

Đối với những người Hàn Quốc, họ ít bị ảnh hưởng bởi các thông tin tuyên truyền của Triều Tiên hơn. Dân làng Haean bỏ ngoài tai các thông điệp, một số người cho biết không hiểu những nhà tuyên truyền Triều Tiên đang nói gì.

Cộng đồng nhỏ sống bằng nghề làm nông có khoảng 1.500 người, cư ngụ giữa một thung lũng hình cái bát. Những ngọn đồi ở phía bắc nằm trong vùng phi quân sự, từng là chiến trường ác liệt suốt chiến tranh Triều Tiên.

Dọc những con đường vào làng là các biển cảnh báo mìn. Một cán bộ vui vẻ chỉ đường cho khách, đồng thời cảnh báo: "Đừng đi qua những nơi có hộ dân sống giữa vườn cây ăn trái vì ở đó có bom".

Năm 1990, chính phủ Hàn Quốc phát hiện một đường hầm dài một mét trong khu vực này do quân đội Triều Tiên đào. Đường hầm hoàn chỉnh, có điện và hệ thống đường sắt hẹp. Hàn Quốc đã cho chặn lại đường hầm trước khi nó kịp hoàn thiện, nếu không, sẽ có hàng nghìn binh lính Triều Tiên vượt qua biên giới mà không bị phát hiện. Ngoài đường hầm, một tốp lính đứng canh gác. Khách muốn vào phải có người hộ tống.

Dù sống tại biên giới nguy hiểm nhất thế giới, với sự hiện diện của quân đội hai bên, nhưng đa số người dân Haen không sợ Triều Tiên.

"Đây là nơi an toàn nhất", bà Lee Soo-nae, một người bán rượu sâm bên vệ đường, nói. "Nếu bạo lực nổ ra, Triều Tiên sẽ thổi bay Seoul hoặc Busan, người dân ở đó sẽ chết. Tuy nhiên, ở đây thì họ chỉ bắn nhau thôi".

"Sống ở đây rất tốt", bà kết luận. 

>>Những sự thật ở Bắc Triều Tiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc sống ở rìa biên giới Hàn - Triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO