Cuộc chiến tivi Nhật - Hàn

HÀ CÚC| 15/07/2011 05:02

Từ vị trí một nước nhập khẩu tivi (TV), Hàn Quốc (HQ) đã ngoạn mục vượt qua Nhật Bản trong ngành công nghiệp TV. Một bước đi khôn ngoan chứng tỏ “khả năng rút ngắn” trong thời kỳ kỹ thuật số.

Cuộc chiến tivi Nhật - Hàn

Từ vị trí một nước nhập khẩu tivi (TV), Hàn Quốc (HQ) đã ngoạn mục vượt qua Nhật Bản trong ngành công nghiệp TV. Một bước đi khôn ngoan chứng tỏ “khả năng rút ngắn” trong thời kỳ kỹ thuật số.

Theo Báo cáo khả năng cạnh tranh châu Á năm 2011 phát hành ngày 6/4 của Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, HQ là nền kinh tế được xếp đứng đầu. Trong đó, HQ đứng đầu bảng do doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giáo dục đại học, đào tạo tốt và khả năng xuất khẩu sản phẩm công nghệ mạnh mẽ.

Đặc biệt, HQ không mất nhiều thời gian để vượt qua người láng giềng Nhật Bản về công nghệ và ngành công nghiệp sản xuất TV của HQ đã tận dụng được ưu thế này.

Theo What Hi-Fi, năm 2010, Samsung là hãng TV số 1 thế giới với tỷ lệ thị phần toàn cầu trội hẳn lên, đạt 18,7%. LG và Sony ở hai vị trí tiếp theo với 13,1% và 10,3%.

Các hãng TV HQ đã vượt lên nhờ khôn ngoan đi trước một bước trong lĩnh vực kỹ thuật số. Trong lúc Sony do dự để đoạn tuyệt với analog, thì Samsung mạnh dạn đầu tư cho hơn 600 nhà nghiên cứu để thúc đẩy kế hoạch TV kỹ thuật số.

Kết quả là Samsung có được 1.500 bằng sáng chế và năm 1998 lần đầu tiên nghiên cứu thành công TV kỹ thuật số trên thế giới. Kể từ đó, thị trường TV thay đổi đáng kể.

Theo một thống kê mới đây của NPD tại Mỹ, thị trường TV lớn nhất thế giới, tính trong 5 tháng đầu năm, số lượng TV màn hình phẳng mà Samsung và LG bán ra đã chiếm tới 45,9% tổng số TV bán ra tại đây.  Trong đó, Samsung đang vượt qua nhà sản xuất Vizio của Mỹ và trở thành thương hiệu TV màn hình phẳng số 1 tại đây khi có thị phần 36,2%.

Sự vượt trội của Samsung tại thị trường TV lớn nhất thế giới hiện nay được NPD lý giải là do hãng sản xuất này có số lượng model đa dạng, xuất hiện ở tất cả các loại TV khác nhau. Samsung chiếm 34,5% lượng TV LCD, 44,1% lượng TV Plasma, 47,1% lượng Smart TV và 58,4% lượng TV 3D tính chung tại Mỹ trong tháng 5 vừa rồi.

Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng TV HQ, hai thương hiệu lớn trong lĩnh vực TV của Nhật Bản là Toshiba và Sony đang cân nhắc sáp nhập các bộ phận sản xuất màn hình LCD cỡ nhỏ thông qua việc thành lập một công ty mới để tăng thị phần và giúp họ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để giúp các doanh nghiệp Nhật Bản cạnh tranh với các đối thủ HQ.

Theo nhật báo Nikkei, do công nghệ LCD đã gần như hoàn thiện, các doanh nghiệp Nhật cần phải nhanh chóng phát triển công nghệ để sản xuất đại trà các màn hình OEL, nhất là trong bối cảnh Samsung đã bắt đầu thương mại hóa các màn hình OEL cỡ nhỏ và đang kiểm soát gần 80% thị phần trên thị trường màn hình OEL của thế giới.

Vì vậy, các hãng TV Nhật Bản nỗ lực lấy lại thị trường bằng những công nghệ TV mới, đặc biệt là công nghệ 3D. Năm ngoái, Sony là hãng bán TV 3D tốt nhất trong dịp cuối năm. Doanh số TV 3D LCD bán ra của hãng chiếm thị phần cao nhất thị trường, với 780.000 sản phẩm, tương đương 43,3%.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc và HQ cũng đã nhảy vào thị trường 3D với những đầu tư lớn. Dù số lượng model 3D bán ra vẫn chưa đạt như kỳ vọng của Samsung nhưng theo một thống kê mới đây của NPD, hãng TV HQ hiện dẫn đầu và chiếm hơn 60% lượng TV 3D tiêu thụ tại thị trường Mỹ.

Doanh số TV 3D của hãng này trong khoảng thời gian từ 22/5 tới 18/6 là 61%, tính chung cả các mẫu 3D LED và Plasma. NPD cũng cho biết, Samsung chiếm tới 50% tỷ lệ doanh số TV 3D bán ra tại thị trường Mỹ trong hai tháng 4 và 5 vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc chiến tivi Nhật - Hàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO